Dự kiến ngày 29/12 Tổng cục Thống kê sẽ công bố chính thức tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của Việt Nam năm 2022. Nhiều dự báo cho thấy con số này khả năng sẽ ở mức 8%.
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, kinh tế Việt Nam luôn có độ trễ với kinh tế thế giới. Những khó khăn của kinh tế thế giới trong năm 2022 đã, đang và sẽ tiếp tục tác động kinh tế Việt Nam.
Vì vậy, các cơ quan hoạch định chính sách cần phải xây dựng nhiều kịch bản ứng phó để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% mà Quốc hội đã đặt ra trong năm tới.
“Các chỉ đạo, điều hành rất tự tin, quyết liệt và có tầm nhìn”
Nhìn nhận về kinh tế trong năm 2022, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, đây là năm rất đặc biệt với thế giới và cả Việt Nam.
Trước hết, cả thế giới bắt đầu chuyển từ giai đoạn khủng hoảng y tế, lương thực do tác động dịch COVID-19 từ năm 2020 sang trạng thái bình thường, dù dịch chưa kết thúc. Ngay sau đó, thế giới lại phải đối mặt với biến động chưa từng có như cuộc xung đột Ukaraina – Nga, kinh tế suy giảm, lạm phát tăng cao, kéo theo những thay đổi chính sách nhanh chóng của các quốc gia trên thế giới.
Cùng với những biến động của thế giới, kinh tế trong nước cũng đã có nhiều điểm tương đồng. Cuối năm 2021, với kỳ vọng tăng trưởng kinh tế sẽ phục hồi từ xuất khẩu và đầu tư công. Tuy vậy, trong 2 quý đầu năm, tăng trưởng kinh tế phần lớn là nhờ động lực xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư nước ngoài, trong khi giải ngân vốn đầu tư công vẫn rất thấp.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranhKể từ giữa quý 3, đà tăng trưởng đã chững lại và thậm chí trên một số lĩnh vực suy giảm là khá rõ như xuất khẩu.
“Nhiều lĩnh vực dệt may đơn đặt hàng giảm 30 - 40%, xa hơn đơn hàng cho cả năm sau rất vắng bóng, những đơn vị nào có đơn hàng đến quý 1 năm sau rất là quý”, ông Thành nêu rõ.
Cùng thời điểm, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm chế lạm phát, an toàn hệ thống tài chính ngân hàng; vừa hỗ trợ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội mà Chính phủ đặt ra từ đầu năm trở nên rất thách thức.
“Dưới tác động chính sách thăt chặc tiền tệ của các quốc gia trên thế giới, trong tháng 10, tháng 11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải liên tục tăng 2 lần lãi suất điều hành và điều chỉnh tỷ giá USD/VND có những lúc lên 9%. Điều này đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vốn đang gặp rất nhiều khó khăn”, ông Thành điểm lại.
Tuy vậy, cho đến nay, các chính sách sách điều hành của Chính phủ và NHNN dù không phải là hoàn hảo nhưng về mặt đảm bảo ổn định một cách tương đối trong so sánh với các quốc gia thì Việt Nam đã đạt được.
“Lạm phát tăng nhưng không phải là quá mạnh, VND mất giá không nhiều, lãi suất huy động tăng mạnh trong tháng 10 và 11 nhưng ít nhiều lãi suất cho vay không tăng mạnh như lãi suất huy động. Gần đây các ngân hàng giảm ít nhiều lãi suất và chính sách nới room cũng tiếp tục được mở ra”, ông Thành nhìn nhận.
Còn theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, 2022 là năm khác biệt với chu kỳ đan xen “lo lắng – vui mừng”. Kể từ cuối năm 2021, khi xây dựng kịch bản cho năm 2022 (giai đoạn phục hồi sau COVID-19), Quốc hội và Chính phủ cũng đã lo lắng về những khó khăn thách thức của kinh tế Việt Nam và thận trọng đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5%.
“Dù tăng trưởng cao trên nền tăng trưởng thấp của năm trước, song với mức tăng trưởng kinh tế hơn 13% trong quý 3 trong tình hình kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, kinh tế Việt Nam tăng trưởng được là sự nỗ lực rất lớn”, ông Hiếu đánh giá.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hộiSong, trong niềm vui tăng trưởng cao thì lại xuất hiện những nỗi lo. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu như da giày, dệt may... dù đạt được kết quả kinh doanh tốt trong 3 quý đầu năm tốt nhưng đơn hàng cho các quý sau cũng dần chậm lại.
“Trong khi đó, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng nhưng số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động cũng tăng cao… cũng cho thấy, sự phục hồi chưa vững chắc và ổn định. Hay, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài FDI tăng mạnh hơn 13%, song vốn đăng ký lại giảm liên tục từ đầu năm cũng đặt ra dấu hỏi” ông Hiếu nêu rõ.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và của người dân, nền kinh tế Việt Nam từng bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng dự báo ở mức 7,5-8%.
“Khác với gian đoạn trước, các chỉ đạo, điều hành rất tự tin, quyết liệt và có tầm nhìn từ phía Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ, ngành và địa phương triển khai tích cực các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Nhờ đó, trong năm 2022 Việt Nam vẫn giữ vững sự ổn định, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát trong tầm kiểm soát”, ông Hiếu đánh giá cao những nỗ lực từ phía Chính phủ.
“Cần xây dựng nhiều kịch bản để ứng phó”
Ở góc nhìn khác, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) cho rằng, kể từ khi hội nhập với các nước trên thế giới, trong tất cả cuộc khủng hoảng, Việt Nam luôn có độ trễ so với thế giới.
“Năm 1997 – 1998 khủng hoảng tài chính ở châu Á bắt đầu từ Thái Lan, thì đến năm 1999 thì Việt Nam mới bị tác động. Đến năm 2008, khủng hoảng kinh tế ở Mỹ thì đến năm 2011 Việt cũng mới bị ảnh hưởng. Năm nay, khi kinh tế thế giới suy giảm, Việt Nam lại tăng ở mức cao. Tôi cho rằng, thời gian tới, kinh tế Việt Nam mới bị tác động của cuộc khủng hoảng này”, ông Hòe nhìn nhận.
Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước)Phân tích cụ thể, ông Hòe cho biết, hiện kinh tế Việt Nam dựa phần lớn vào xuất khẩu, trong khi dự báo kinh tế của các đối tác cơ bản của Việt Nam là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều suy giảm.
“Câu chuyện đầu ra của Việt Nam đã thể hiện rõ cuối năm 2022 với nhiều đơn hàng suy giảm, có nhiều công ty đã cho công nhân nghỉ việc chưa hẹn ngày quay lại” ông Hòe nêu rõ.
Bên cạnh đó, dù lạm phát kiểm soát tốt trong năm qua nhưng sang năm 2023 trong khi áp lực về tỷ giá, lãi suất và vốn vẫn còn thì áp lực tăng giá giá điện là rất lớn.
“Giá điện tăng trong năm tới gần như là chắc chắn. Thêm vào đó, lãi suất và tỷ giá vẫn có xu hướng tăng khiến chi phí kinh doanh tăng cao, khiến động lực từ khối doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi”, ông Hòe quan ngại.
Với những khó khăn này, ông Võ Trí Thành cũng cho rằng, với mục tiêu tăng trưởng 6,5% mà Quốc hội đề ra là khá thách thức đặt trong bối cảnh kinh tế giới có nhiều bất định, bất ổn và có thể diễn biến xấu hơn. Chính vì vậy, các nhà làm hoạch định chính sách cần phải xây dựng nhiều kịch bản để ứng phó.
“Dù ở kịch bản nào, có thể thách thức hơn, đánh đổi nhiều hơn trong ngắn hạn nhưng Việt Nam vẫn phải lựa chọn nhiều mục tiêu như ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội, và tiếp tục công cuộc cải cách”, ông Thành nêu rõ.
Sẽ khởi sắc từ quý 3/2023?
Về động lực kinh tế của Việt Nam trong năm 2023, ông Võ Trí Thành cho rằng cho rằng, trong bối cảnh tất cả động lực chính như xuất khẩu, tiêu dùng, và đầu tư… phụ thuộc nhiều vào kinh tế giới, thì đầu tư công sẽ đóng vai trò bệ đỡ để duy trì tốc độ tăng trưởng và bù đắp lại động lực bị thiếu hụt.
“Động lực của kinh tế 2023 là đầu tư công. Quốc hội đã có cơ chế, danh sách các dự án khá đầy đủ, sắp tới có những phiên họp bất thường, Thủ tướng Chính phủ liên tục chỉ đạo và ra chỉ thị đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Vì vậy, giải ngân đầu tư công năm tới sẽ được đẩy nhanh, đóng góp thực chất cho tăng trưởng”, ông Thành tin tưởng.
Ngoài ra, dù Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tuyệt đại đa số thế giới tổng quát sẽ tăng trưởng chậm hơn đáng kể trong năm 2023, song riêng Trung quốc lại dự báo tốt hơn, do kỳ vọng nới lỏng chính sách Zero Covid và xử lý tốt thị trường bất động sản. Điều này chắc chắn sẽ tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam
“Trung Quốc là đối tác quan trọng của Việt Nam. Khi kinh tế Trung Quốc tích cực hơn, dù có tác động trái chiều, song kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ được hưởng lợi, đặc biệt là xuất khẩu nông - thủy sản và thu hút khách du lịch từ thị trường này”, ông Thành đánh giá.
Tuy vậy, ông Phan Đức Hiếu lại cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ vẫn phải đối mặt với khó khăn thách thức trong 2 quý đầu năm và sẽ chỉ khởi sắc từ quý 3, do cần có thời gian để các chính sách từ Quốc hội và Chính phủ đi vào thực thi và phát huy tác dụng.
“Có thể những yếu tố thuận lợi diễn ra nhanh hơn hoặc hành động của Chính phủ và bộ ngành triển khai các hành động kịp thời, quyết liệt trong thúc đẩy đầu tư công; lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đảm bảo tính minh bạch, thanh khoản, giảm tối thiểu các rủi ro… sẽ giúp chúng ta vượt qua khó khăn nhanh hơn, tạo ra nhiều dư địa cho các quý sau”, ông Hiếu nhấn mạnh.