Thời gian qua, nhiều sản phẩm trái cây chủ lực của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long không chỉ được ưa chuộng ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu mạnh ở nhiều thị trường lớn của thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Nhưng hiện nay trái cây của vùng vẫn còn thiếu liên kết, sản xuất chưa gắn kết được với thị trường tiêu thụ, thiếu đầu tư công nghệ vào khâu sơ chế, chế biến nên chưa phát huy hết được tiềm năng và lợi thế.
Chủ yếu tiêu thụ tươi, tại chỗ
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tháng 12/2022, sản lượng 12 loại cây ăn trái chủ lực tại vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm thanh long, chuối, xoài, mít, bưởi, cam, quýt, khóm (dứa), sầu riêng, nhãn, chôm chôm và mãng cầu ước đạt hơn 360.000 tấn, nâng tổng sản lượng cả năm 2022 ước đạt 4,15 triệu tấn.
Ông Bùi Hồng Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Vinamit phân tích hiện nay phần lớn sản lượng trái cây được sản xuất tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn ở dạng tiêu thụ tươi là chủ yếu.
Sản lượng dành cho chế biến vẫn còn rất hạn chế, trở thành điểm yếu của hoạt động kinh doanh trái cây của các địa phương này.
Đối với nhiều loại trái cây, thời gian bảo quản ngắn, dễ hư hỏng, tỷ lệ hư hỏng cao, điều kiện sơ chế và công nghệ sau thu hoạch kém đã gây nhiều bất tiện cho người trồng và người kinh doanh trái cây…
Sự thiếu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, thiếu đầu tư công nghệ vào khâu sơ chế, chế biến là những nguyên nhân chủ yếu khiến cho ngành hàng trái cây của đồng bằng sông Cửu Long chưa phát huy hết được tiềm năng và lợi thế.
Người dân xã Bình Hòa Phước thu hoạch chôm chôm. (Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN)
Theo ông Bùi Hồng Quân, có thể đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn nữa bằng cách tăng cường chuỗi giá trị nông nghiệp thông qua tăng cường đầu tư vào chế biến và vận tải đa phương thức cũng như triển khai diện rộng các mô hình sản xuất nhiều loại cây ăn trái đa số hộ trồng theo GAP…
Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Vinamit cho rằng, cần phải đầu tư phát triển và nâng cấp chuỗi giá trị bao gồm: chiến lược sản phẩm, chiến lược thị trường, chiến lược liên kết và chiến lược công nghệ nhằm đáp ứng vấn đề thị hiếu, nhu cầu thị trường, trách nhiệm xã hội và cam kết quốc tế.
Bên cạnh đó, để hướng tới thị trường xuất khẩu cũng như đưa các sản phẩm chế biến từ trái cây phân phối đi các thị trường xa thì cần đầu tư cho công nghệ bảo quản.
Mặt khác ông Quân nhấn mạnh trái cây vùng đồng bằng sông Cửu Long cần có sự tích cực hơn trong việc quảng bá hình ảnh thông qua các hoạt động hội chợ triển lãm nông sản, trái cây trong và ngoài nước vì đây là kênh quảng bá quan trọng thu hút sự tham gia của các cường quốc nông nghiệp.
Định vị lại sản phẩm trái cây Việt
Theo bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, đã đến lúc cần định vị lại sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Cụ thể trước mắt cần lựa chọn ra 5 sản phẩm trái cây là thế mạnh, có tiềm năng cao để xây dựng chiến lược phát triển thành đại điện cho thương hiệu trái cây Việt Nam, làm tiền đề để phát triển sản phẩm “Made in Vietnam” trong 5 năm tới.
Bà Ngô Tường Vy đưa ra gợi ý 5 sản phẩm trái cây thế mạnh có thể là: sầu riêng, xoài, bưởi, chanh dây, dừa.
“Để phát triển thương hiệu trái cây 'Made in Vietnam,' cần dựa trên 4 trụ cột chính là nông nghiệp tử tế, nông nghiệp sáng tạo, nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp bền vững. Trong số đó, nông nghiệp tuần hoàn là mấu chốt quan trọng góp phần hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp hiện tại cũng như giảm đi các áp lực về môi trường ở mỗi địa phương, nâng cao được giá trị sản phẩm cho nông dân,” bà Ngô Tường Vy khuyến nghị.
Bà Ngô Tường Vy đề xuất xây dựng dữ liệu Big Data quốc gia về truy xuất nguồn gốc; xây dựng đề án “cánh đồng lớn” chuẩn hoá về chất lượng, cải thiện tiêu chuẩn “VietGAP” thích ứng với các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Cùng đó là đầu tư trung tâm nghiên cứu công nghệ bảo quản sau thu hoạch quốc gia, liên kết chuỗi ngành hàng bằng cách thành lập hiệp hội ngành hàng cho mỗi sản phẩm chủ lực.
Mô hình doanh nghiệp-hợp tác xã-nông dân
Để phát triển ngành nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long với vai trò của địa phương, theo bà Ngô Tường Vy cần quy hoạch lại vùng nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm với mô hình doanh nghiệp-hợp tác xã-nông dân. Trong đó, doanh nghiệp cần cam kết đồng hành cùng với người dân, cùng nhau lên chiến lược phát triển dài hạn, tạo sự ổn định cho người nông dân yên tâm sản xuất...
Ông Nông Ngọc Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cánh đồng vàng cho rằng “chìa khóa” để mở cửa thị trường chính là phải tạo ra được những sản phẩm chất lượng, đáp ứng theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu, mặt khác cần áp dụng công nghệ hiện đại để sản phẩm có giá thành cạnh tranh so với những sản phẩm cùng loại…
Những giải pháp mở ra thêm nhiều cơ hội để phát triển ngành hàng trái cây vùng đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của doanh nghiệp còn có sự nỗ lực không ngừng của người nông dân.