“CÙNG THÌ BIẾN, BIẾN THÌ HANH THÔNG”
Trong 2 năm vừa qua, tình hình Covid-19 xảy ra, nền kinh tế Việt Nam đã chống chọi một cách hết sức có hiệu quả. Các doanh nghiệp Việt Nam đã tồn tại, củng cố, phát triển trong khi rất nhiều nền kinh tế lớn mạnh khác còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều cuộc họp để đưa ra đối sách cho tương lai của nền kinh tế cuối năm 2022 và năm 2023 nhưng chủ yếu chúng ta vẫn phải tập trung vào 2 chính sách quan trọng đó là: chính sách tiền tệ và tài khóa. Sự quan tâm của Chính phủ với vai trò “bà đỡ̃” nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, song phải khẳng định cái để phát triển và tồn tại vẫn cần vai trò của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hồng Long - Phó trưởng ban Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp
Sắp tới đây sẽ có nhiều vấn đề khó khăn xảy ra, trong đó có những vấn đề về tín dụng, thuế và thị trường bất động sản. Có rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi các giao dịch bất động sản bị thu hẹp, ảnh hưởng lớn đến tín dụng. Cùng với đó, những sự cố trên thị trường chứng khoán xảy ra liên tục. Chưa bao giờ thị trường biến động xuống thấp như hiện nay, nhưng lại có lúc trồi lên rất cao, thể hiện sự chưa ổn định và yêu cầu cần sớm ổn định thị trường. Còn về sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp dệt may chia sẻ vẫn chưa ký được đơn hàng mới cho năm 2023, hay một số ngành nghề khác cũng thiếu vắng đơn hàng.
Tuy nhiên, “cùng thì biến, biến thì hanh thông”, trong cái khó có những người biến được có những người không. Nghĩa là trong khó khăn sẽ bật ra những doanh nghiệp mới, còn những doanh nghiệp không đủ sức chống chọi, không bật lên được sẽ vô cùng nguy hiểm.
DOANH NGHIỆP VIỆT CẦN “NÓI TIẾNG NÓI CHUNG” VỚI CÁC DOANH NGHIỆP NGOẠI
Kinh tế năm 2023 có nhiều thuận lợi nhưng cũng có một số thách thức. Về thuận lợi: Các hiệp định thương mại tự do là nền tảng giúp cho việc xuất khẩu hàng hóa, trong đó có các hàng hóa nông sản tăng mạnh.
Đặc biệt, các chương trình xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường được thúc đẩy bởi Chính phủ, giúp cho việc xây dựng thương hiệu Food of Vietnam ngày càng mạnh và các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp giao thương với nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới.
Ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty DACE Việt Nam.
Các tổ chức tín dụng đã quan tâm và dần có chính sách cởi mở riêng đối với các dự án nông nghiệp. Bên cạnh đó, Việt Nam là nơi có nguồn cung nông sản chất lượng nên nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã tìm đến thị trường Việt Nam. Nông nghiệp hữu cơ đã được truyền thông, quảng bá, giúp cho người tiêu dùng thay đổi được nhận thức, đòi hỏi ngày càng cao về hàng nông sản… Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn như room tín dụng hạn chế đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất nông sản “tắc” đơn hàng. Quy hoạch vùng nông nghiệp Việt Nam còn manh mún, chồng chéo trong việc trồng và thu mua nông sản…
Thời gian tới nhu cầu nông sản tại thị trường quốc tế và trong nước vẫn sẽ tăng cao, nhất là nhu cầu sản xuất sạch, hữu cơ để đảm bảo sức khỏe. Kinh tế vĩ mô sẽ khởi sắc trong 6 tháng cuối năm, kéo theo nhu cầu lớn cho nông sản Việt Nam sau 2 năm khủng hoảng/suy thoái về dịch bệnh và kinh tế. Thu hút đầu tư, hợp tác nước ngoài của Việt Nam dự báo sẽ diễn ra mạnh mẽ trong năm 2023. Các doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị hệ thống nhân sự, tài chính minh bạch và chiến lược cụ thể, rõ ràng để nói tiếng nói chung với các doanh nghiệp ngoại, hợp tác phát triển lâu dài.
NGÀNH DU LỊCH SẼ TĂNG TRƯỞ̉NG MẠNH MẼ
Với những diễn biến thực tế năm 2022 đang diễn ra, dự báo về bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2023 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng chậm, gia tăng khả năng suy thoái trong ngắn hạn, lạm phát cao... Với ngành du lịch cũng không là ngoại lệ. Bên cạnh đó, cuộc chiến Nga - Ucraine còn diễn biến phức tạp, khó đoán làm ảnh hưởng tới an ninh và nhu cầu đi lại, chi phí vé máy bay đi quốc tế bị ảnh hưởng lớn do phải điều chỉnh lịch bay.
Ông Nguyễn Trung Quân, Giám đốc Công ty du lịch Hàng không Avitour
Tuy nhiên, ngành du lịch cũng có nhiều cơ hội. Theo đó các nước trên thế giới đã gần như kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh, mở cửa hoàn toàn du lịch từ giữa năm 2022 và dự báo năm 2023 sẽ tiếp tục tăng trưởng và phát triển. Các nước sẽ tập trung các chiến dịch quảng bá du lịch mạnh mẽ, nhu cầu đi lại và du lịch trên toàn cầu sẽ tăng, trong đó Việt Nam sẽ tăng trưởng lớn về nguồn khách.
Sau đại dịch, thị hiếu khách du lịch cũng thay đổi đáng kể và nhu cầu mua sản phẩm du lịch cũng thay đổi. Đặc biệt, nhân sự ngành du lịch trong nước và thế giới bị thiếu trầm trọng dẫn tới chất lượng dịch vụ, phục vụ cũng bị ảnh hưởng. Do đó ngành du lịch phải dành chi phí lớn cho công tác đào tạo và đào tạo lại nhân sự để đáp ứng nhu cầu công việc.
Các chính sách về miễn thị thực, visa và xúc tiến sẽ được quan tâm hơn nữa và đó là cơ hội cho ngành du lịch đón lượng khách lớn vào Việt Nam.
VIỆT NAM TIẾP TỤC LÀ ĐIỂM ĐẾN HẤP DẪN NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Năm 2023 là năm có nhiều diễn biến khó lường về kinh tế do ảnh hưởng của chiến tranh, suy thoái kinh tế của nhiều nước, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI)… nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng, dự kiến sẽ tăng trưởng cao hơn năm 2022.
Đối với lĩnh vực bất động sản công nghiệp, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ xác định công nghiệp là trọng tâm, từ đó các cách thức điều hành của Chính phủ đều tập trung phục vụ thu hút đầu tư. Việt Nam đã, đang và sẽ là điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn lớn đến từ các nước và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore... Do đó, năm 2023, dự kiến giá bất động sản công nghiệp tiếp tục tăng, tăng từ 10% tới 20% trên toàn thị trường.
Ông Đoàn Duy Hưng - Tổng giám đốc IIP Việt Nam.
Bên cạnh đó, lĩnh vực này vẫn còn một số khó khăn nhất định, như chính sách về đất đai đang được điều chỉnh dẫn đến tâm lý chờ đợi chính sách ban hành của nhiều chủ đầu tư hạ tầng bất động sản công nghiệp. Chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tăng cao ảnh hưởng tới tăng giá vốn của bất động sản công nghiệp làm cho mặt bằng giá đất công nghiệp tăng cao. Thời gian hoàn thiện các thủ tục đầu tư một khu công nghiệp, cụm công nghiệp dài, chủ đầu tư hạ tầng phải mất vài năm mới có đất sạch để bàn giao được cho nhà đầu tư nên sẽ ảnh hưởng tới cơ hội thu hút đầu tư.
TẬN DỤNG CƠ HỘI TỪ GIỮA RẤT NHIỀU NGUY CƠ
Năm 2023, dự báo sẽ là một năm tiếp tục khó khăn đối với doanh nghiệp bất động sản, nhất là câu chuyện nguồn vốn và có thể sẽ có sự thanh lọc rất mạnh đối với các chủ đầu tư nhỏ lẻ, tài chính chưa đủ mạnh, chưa có đủ uy tín và thương hiệu trên thị trường.
Bà Nguyễn Thùy Dung - Chủ tịch Phú Hưng Property
Thực tế cho thấy, hiện nay, khó khăn lớn nhất với thị trường bất động sản là nguồn vốn và tâm lý của nhà đầu tư. Đối với câu chuyện nguồn vốn, doanh nghiệp mong muốn các cơ quan điều hành trong thời gian tới, room tín dụng không nên siết chặt quá với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, giúp khách hàng có điều kiện tiếp cận nguồn vốn đặc biệt với dự án bất động sản có giá trị sử dụng thực tế; sản phẩm có giá trị khai thác dòng tiền; dự án đã hoàn thành pháp lý và đảm bảo về tiến độ xây dựng, đang đi vào quá trình bàn giao.
Vừa qua, những động thái hỗ trợ nền kinh tế và thị trường bất động sản của Chính phủ đã phần nào giúp tâm lý các nhà đầu tư, cũng như thị trường ổn định lại, đồng thời giúp các nhà đầu tư cá nhân và chủ đầu tư có thêm vốn trong giai đoạn cuối năm. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có động thái nới room tín dụng, giúp đưa thêm khoảng 240.000 tỷ đồng vốn vào nền kinh tế. Đây cũng là tín hiệu cho thấy Chính phủ đang hỗ trợ tích cực thị trường bất động sản, cũng như nền kinh tế chung.
“NGUỒN MÁU” LƯU THÔNG CHÍNH VẪN LÀ TÍN DỤNG
Với bối cảnh thị trường hiện nay, doanh nghiệp dự báo nguồn tín dụng cho thị trường bất động sản năm 2023 sẽ còn rất khó khăn. Đối với các dự án bất động sản thì “nguồn máu” lưu thông chính vẫn là tín dụng, nhưng lãi suất quá cao như hiện nay sẽ khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT GP.Invest
Thực tế cho thấy, thời gian qua, mặc dù doanh nghiệp đã ký hợp đồng tín dụng cho khách hàng mua nhà với ngân hàng nhưng chỉ giải ngân đến quý 3/2022. Hiện nay, dù lãi suất cho vay tăng cao nhưng để các doanh nghiệp bất động sản tiếp cận được cũng hết sức khó khăn. Vừa qua, công bố của Ngân hàng Nhà nước thì room tín dụng vẫn còn dư 1-1,2% và đã được bổ sung thêm 1,5%. Về tổng thể Thủ tướng đã có chỉ đạo quyết liệt,
các ngân hàng đã nới room tín dụng nhưng việc triển khai tiếp cận được còn nhiều vướng mắc cần sớm có cơ chế hướng dẫn tháo gỡ̃.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh đầu tư công cũng được xem là giải pháp để đưa dòng vốn mồi vào nền kinh tế, kéo thị trường bất động sản đi lên.
Để đẩy mạnh việc giải ngân đầu tư công, bên cạnh các chỉ đạo của Chính phủ về chuẩn bị ngân sách, giải phóng mặt bằng, cần có biện pháp giải quyết đầu ra của vốn. Cụ thể, cần nhanh chóng điều chỉnh và bổ sung hệ thống đơn giá định mức hiện nay. Theo đó, cần có kế hoạch rà soát phân loại các đơn giá, định mức để có kế hoạch bổ sung ngay trong quý I/2023 cho kịp triển khai các dự án hiện nay, cần có quy trình phân cấp, phân quyền cụ thể và quy định rõ ràng cho các ban quản lý dự án, chủ đầu tư để xử lý việc điều chỉnh, giải quyết các việc phát sinh…
VIỆT NAM VẪN SẼ TIẾP TỤC ĐÀ TĂNG TRƯỞ̉NG TRONG NĂM 2023
Năm 2023 dự báo Việt Nam sẽ vẫn tăng trưởng mạnh nhưng thấp hơn năm nay trong bối cảnh kinh tế châu Á tiếp tục đà phục hồi nhưng yếu đi, cùng với nguy cơ lạm phát do giá lương thực tăng cao, giá dầu tuy giảm so với đầu năm nhưng vẫn ở mức cao, niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao.
Tuy nhiên với động lực sẵn có từ năm 2022 với nhiều kết quả khả quan như xuất khẩu bùng nổ với mức tăng xuất khẩu 13% trong 11 tháng đầu năm, giải ngân FDI cao nhất trong 5 năm, tiêu dùng nội địa tăng 17,5% so với cùng kỳ, du lịch nội địa đạt gần 100 triệu lượt trong gần 11 tháng.
Ông Andrew Jeffries - Giám đốc ADB tại Việt Nam
Bên cạnh đó, hoạt động hiệu quả trên các lĩnh vực giúp tăng trưởng Việt Nam tăng 8,8% trong 3 quý đầu của năm 2022. Sự bùng nổ xuất khẩu của Việt Nam nhờ nhu
cầu toàn cầu phục hồi và giá xuất khẩu tăng, giúp thặng dư thương mại 10,6 tỷ USD trong 11 tháng năm 2022. Giải ngân FDI tăng 7,8%, ước đạt 7,7 tỷ USD là mức giải ngân cao nhất trong 5 năm…
Về thị trường tài chính, Việt Nam đã 2 lần tăng lãi suất kịp thời và dứt khoát trong cuối năm 2022; đồng thời, hiện không có nhiều lo ngại về hệ thống tài chính nói chung, song có những rủi ro với trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam.
Với bối cảnh kể trên, các phản ứng chính sách của Việt Nam cần hướng tới sự cân bằng giữa kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo sự vận hành của hệ thống tài chính.
Những "cơn gió ngược" đang xuất hiện, bao gồm việc thắt chặt tiền tệ, nhu cầu toàn cầu suy yếu với hàng xuất khẩu của Việt Nam và những bất thường trên thị trường trái phiếu. Năm 2023, ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm sẽ ở mức khoảng 6,3%.
DOANH NGHIỆP CHUẨN BỊ KỸ LƯỠNG SẼ TẠO ĐƯỢC CHỖ ĐỨNG VỮNG CHẮC
Năm 2023 thị trường dự báo sẽ có nhiều khó khăn, nhất là dòng vốn của khách hàng xây dựng đang bị thu hẹp do khó khăn chung của thị trường bất động sản. Điều này dẫn đến vấn đề công nợ đơn hàng gia tăng, việc cung cấp đơn hàng cho khách hàng trở nên có chọn lọc ảnh hưởng đến sản lượng doanh số cung ứng thị trường của doanh nghiệp.
Ông Lê Hoàng Minh - Giám đốc Công ty CP XNK Công nghiệp An Thành
Trong bối cảnh đó, thị trường xuất khẩu châu Âu và quốc tế cũng giảm sút nhu cầu do khủng hoảng kinh tế và các cá nhân thắt chặt chi tiêu. Các gói đầu tư công là nguồn lực tạo bệ phóng cho ngành xây dựng trong năm qua cũng không được chi tiêu mạnh dẫn đến các công trình lớn hiện vẫn chưa đi vào xây dựng, ảnh hưởng đến sản lượng cung ứng.
Khả năng nền kinh tế thế giới còn chịu tác động của suy thoái toàn cầu nửa đầu năm 2023 nên việc bứt tốc của các doanh nghiệp trong thời gian này là khó khả thi. Nhưng do có sự chuẩn bị ứng phó tỉ mỉ, khai thác tối đa thị trường trong nước và gắn kết đơn hàng xuất khẩu nên Công ty CP XNK An Thành hiện đang triển khai cho hệ thống nhân viên của công ty đi sâu, bám sát và tăng cường dịch vụ, chuẩn hoá hình ảnh để tiếp cận tối đa khách hàng
Theo tôi, bức tranh kinh tế thế giới có thể chưa thật sự tươi sáng nhưng với doanh nghiệp chuẩn bị kỹ lưỡ̃ng và vượt khó vươn lên thì sẽ tạo được vị thế chỗ đứng vững chắc dù hoàn cảnh có tốt hay xấu.
VIỆT NAM CẦN XÂY DỰNG NỀN KINH TẾ CÓ TÍNH CHỐNG CHỊU VÀ PHỤC HỒI TỐT
Chúng ta sẽ phải giải quyết vấn đề phân mảnh của nền kinh tế để tận dụng lợi thế phát triển nền kinh tế có khả năng chống chịu phục hồi tốt hơn. Việt Nam cần ổn định kinh tế vĩ mô cũng như các chính sách vĩ mô như tiền tệ, tài chính ổn định. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua đại dịch. Bên cạnh đó, cần có cơ chế “phòng thủ” cho nền kinh tế trong các giai đoạn tiếp theo. Khôi phục nền kinh tế nhanh chóng.
Ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam
Hiện cũng đang có thách thức như xung đột Nga-Ukraine, chính sách “Zero Covid” của Trung quốc, bên cạnh đó là đe doạ lạm phát, sự phát triển “nóng” của thị trường bất động sản trong nước… Do đó các chính sách
về kinh tế phải mạnh mẽ nhưng linh hoạt, các chính sách tài khoá phải hỗ trợ cho kinh tế. Việt Nam không có nhiều dư dịa để nới lỏng chính sách tiền tệ, vì vậy cần cân nhắc nới lỏng các yêu cầu về dự trữ. Cân nhắc đánh giá tài sản trong nhóm tài sản phải theo dõi và quan tâm.
Để chuyển sang nền kinh tế kiên cường hơn Việt Nam cần quản trị, quản lý dữ liệu minh bạch. Phải tiếp tục củng cố các nền tảng về an sinh xã hội, các cải cách thuế cũng đang tốt, quản lý về tài sản công…, là những lĩnh vực còn nhiều dư địa để cải thiện. Đặc biệt là số liệu và quyết toán các tài sản công cần được chú trọng. Cần tăng cường năng lực dự báo và giám sát tiền tệ, trong đó, lưu ý đến các quy định về quản lý rủi ro, nợ xấu. Bên cạnh đó, cần tiếp tục củng cố, để ngành ngân hàng ngày càng vững vàng hơn.
SỰ PHỤC HỒI CỦA NỀN KINH TẾ SẼ TIẾP TỤC TRONG NĂM 2023
Sự phục hồi của nền kinh tế năm 2023 sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc thực hiện chương trình phục hồi kinh tế 2022 - 2023. Dự báo Việt Nam vẫn sẽ duy trì mục tiêu ổn định lãi suất và tỉ giá, giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng. Về chính sách tài khóa, hợp phần đầu tư của chương trình hỗ trợ (lên khoảng 1,6% GDP) dự kiến sẽ được triển khai chủ yếu từ năm 2023 trở đi.
TS.Trần Toàn Thắng - Trưởng Ban Kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ KH&ĐT)
Với nền tảng tăng trưởng khá cao trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ chậm lại, từng bước trở về trạng thái trước Covid-19 do sức bật cầu trong nước có thể không mạnh mẽ như năm 2022; giá cả nguyên vật liệu tăng cao bắt đầu chuyển hóa rõ nét hơn vào chi phí sản xuất; xuất nhập khẩu có thể tăng chậm hơn so với năm 2022 do tình trạng khó khăn kéo dài của các thị trường xuất khẩu chính; thu hút vốn đầu tư nước ngoài dự báo vẫn ở mức thấp do các rủi ro kinh tế toàn cầu gia tăng.
Kinh tế Việt Nam năm 2023 có thể diễn ra theo 2 kịch bản: Tăng trưởng kinh tế có thể chỉ ở mức 6% - 6,2% nếu các yếu tố rủi ro lấn át xu hướng phục hồi đã thiết lập trong năm 2022; Tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,5 - 6,7% trong điều kiện quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi hơn, các tác động từ bối cảnh quốc tế không quá lớn.