“La bàn giữa vùng biển động” là chủ đề của chương trình hội thảo do Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam vừa tổ chức ngày 25/3 tại TP.HCM.
Tại hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam đã có phần chia sẻ nhận định về triển vọng kinh tế vĩ mô 2023.
Bài chia sẻ của TS. Thành khái quát lại 3 ý chính. Một, những cái xấu nhất đã qua. Hai, có cánh cửa hẹp để tình hình trở nên tích cực nhiều vào giữa năm nay, từ đầu tháng 6. Ba, có những rủi ro rất lớn hoàn toàn đảo chiều 2 nhận định trước.
Đầu tư công sẽ bù cho xuất nhập khẩu
Nhận định về tăng trưởng kinh tế 2023, ông Thành cho rằng, trước khó khăn cả bên ngoài lẫn bên trong, tình hình sản xuất kinh doanh nền kinh tế Việt Nam trong năm nay tiếp tục khó khăn. Tăng trưởng kinh tế 2023 sẽ thấp hơn nhiều so với 2022, có thể đạt thấp hơn mục tiêu đề ra 6,5%. Tuy nhiên, hồi phục xảy ra nhanh khi các điều kiện bên trong và ngoài đáp ứng.
Theo chuyên gia này, có hai lý do làm cho tăng trưởng năm nay thấp, một là xuất khẩu. Những năm COVID kinh tế vẫn tốt nhờ xuất khẩu, là động lực quan trọng nền kinh tế. Năm nay sẽ là năm các doanh nghiệp Việt làm xuất khẩu rất khó khăn. Có thể quan sát điều này từ quý 4/2022, xuất khẩu không những tăng chậm mà còn giảm.
Nhập khẩu cũng giảm, thể hiện nhu cầu mua hàng nguyên vật liệu của doanh nghiệp và người tiêu dùng suy giảm. Xuất khẩu thể hiện sức cầu ở các thị trường, đặc biệt Mỹ và EU yếu đi khi lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ khiến nền kinh tế ảnh hưởng. Đi liền là ngành sản xuất công nghiệp, chế biến chế tạo hướng vào xuất khẩu yếu đi.
“Dù năm 2023, hai động lực trên không còn. Nhưng kinh tế Việt Nam vẫn có tăng trưởng vì được bù đắp từ Nhà nước chi tiền đầu tư công”, chuyên gia Fulbright đánh giá.
Nhìn lại, năm 2007 là thời kỳ Nhà nước chi tiền cho đầu tư công nhiều nhất. Sau đó là cả giai đoạn tái cấu trúc thắt lưng buộc bụng chi đầu tư công ít. Năm nay sẽ quay trở lại mức đầu tư công rất cao, ít nhất khoảng 31 tỷ USD cho đầu tư công, tương đương 6,5% GDP.
“Khác những lần trước, hiện chúng ta có sẵn tiền cho đầu tư công. Chỉ trong 2 tháng đầu năm đã giao khoảng 90% của 31 tỷ USD cho các bộ ngành để thực hiện đầu tư công. Thêm nữa, các dự án lớn như cao tốc Bắc - Nam, Vành đai 4 tại Hà Nội, Vành đai 3 tại TP.HCM, hạ tầng ở ĐBSCL được gắn với các cơ chế đặc thù. Theo đó, đầu tư công sẽ bù cho xuất nhập khẩu”, chuyên gia Fulbright cho biết.
Cánh cửa hẹp từ giữa năm
Theo TS. Thành, nếu hoạt động dịch vụ và sức mua thị trường nội địa vẫn tiếp tục đà phục hồi năm 2022 là tín hiệu tích cực cho tăng trưởng. Dịch vụ chắc chắn phục hồi, đặc biệt sắp tới đón khách du lịch từ Trung Quốc.
Điểm không chắc chắn là sức mua trong nước. Nếu công nhân khu công nghiệp thu nhập yếu đi, sức mua ở bộ phận người lao động, đặc biệt trong khu công nghiệp sẽ yếu theo.
“Như vậy, khu vực dịch vụ và thị trường nội địa vẫn có xu hướng phục hồi, nhưng vẫn cần lưu ý điểm trên. Vì vậy để đạt được tăng trưởng 6,5% sẽ rất khó khăn. Quan điểm của tôi tăng trưởng năm nay đạt khoảng 5,5%. Sắp tới con số tăng trưởng quý 1/2023 được công bố sẽ thấp, quý 2 dù cải thiện nhưng cũng là mức thấp”, ông Thành nói.
Đề cập áp lực của Chính phủ làm sao đạt được 6,5%. Theo chuyên gia, ngoài động lực đầu tư công, giúp doanh nghiệp hưởng lợi từ dự án xây dựng, thúc đẩy việc làm, thúc đẩy tăng trưởng thì Việt Nam vẫn cần câu chuyện tiền tệ được bơm ra.
Nếu như năm 2022, quan điểm không làm gì con số tăng trưởng vẫn cao thì 2023 sẽ là câu chuyện đảo ngược, không dễ gì có con số tăng trưởng 6,5%.
Ngày 15/3, NHNN giảm lãi suất điều hành. Một trong những lý do, đó là với mặt bằng lãi suất này thì không ai làm ăn, không có tăng trưởng, khó đạt mục tiêu đề ra. Nên xu hướng là chúng ta cần tìm mọi cách, các điều kiện có thể nới lỏng chính sách, để bơm tiền ra.
Về ngân sách dùng đầu tư công, ở tiền tệ chuyển hướng giảm lãi suất thì có cơ hội đạt được tăng trưởng 6,5%. Giữa năm nay có cánh cửa hẹp để làm được điều này.
Cụ thể, với đánh giá Fed có thể chấm dứt động thái tăng lãi suất vào tháng 5, nếu tình hình rủi ro hệ thống ngân hàng Mỹ và EU vẫn tiếp tục lớn, thêm một vài ngân hàng đổ vỡ Chính phủ phải giải cứu thì thậm chí tháng 5 Fed không tăng lãi suất.
“Khi nhận tín hiệu Fed không tăng lãi suất, Việt Nam không lo ngại áp lực tỷ giá nhiều, NHNN sẽ mạnh tay hạ lãi suất, bơm tiền ra. Hiện NHNN vẫn thận trọng, vừa qua giảm không mạnh vì mục tiêu vẫn là ổn định tỷ giá, cân bằng với lãi suất nước ngoài”, ông Thành chia sẻ.
Theo vị này, dù Fed vẫn giữ lãi suất ở mức đỉnh, có thể cuối năm mới hạ lãi suất. Nhưng trong nước, tháng 6 bơm tiền ra mạnh tay hơn, tác động tích cực sẽ xảy ra từ tháng 6.
Khó khăn nhất đã qua
Giai đoạn 2016-2019 kinh tế tăng trưởng tốt, thị trường chứng khoán tốt, 2 năm COVID kinh tế không bị ảnh hưởng gì, là nhờ mục tiêu nhất quán kiểm soát lạm phát dưới 4%. Cuối năm ngoái, bên cạnh đặt ra năm 2023 mục tiêu tăng trưởng 6,5% thì mục tiêu lạm phát đặt ra là dưới 4,5%.
TS. Thành cho rằng, năm nay lạm phát khó kiểm soát ở mức 4%, bởi nếu giữ mức này thì không bơm tiền được. Theo đó, đưa ra mục tiêu lạm phát năm nay 4,5% để cho phép có thể không tiếp tục thắt chặt tiền tệ như 2022. Chúng ta chấp nhận một mức lạm phát cao hơn ở 4,5% để thực hiện hỗ trợ chính sách tiền tệ. Vì vậy, kinh tế dù tiếp tục khó khăn nhưng khó khăn nhất đã qua, tình hình sẽ được cải thiện.
NHNN đang mua vào dự trữ ngoại tệ. Năm ngoái tại sao mọi thứ khó khăn? Năm 2022, khi USD lên giá, do không muốn VNĐ mất giá nhiều nên NHNN phải bán ngoại tệ. Dự trữ ngoại tệ giảm từ 110 tỷ USD xuống 83 tỷ USD vào cuối năm ngoái. Dễ hình dung, khi bán ra khoảng 27 tỷ USD thì NHNN hút về khoảng 700.000 tỷ đồng. Điều này tác động ngay tới thị trường chứng khoán do tiền yếu đi.
Năm 2023 thì hoàn toàn ngược lại. Với dự kiến Fed không tăng lãi suất, ổn định tỷ giá, NHNN mua ngoại tệ vào, tức đẩy VNĐ ra lưu thông. Dễ thấy thời gian qua các ngân hàng không cạnh tranh hút tiền gửi. Từ nay tới tháng 5, NHNN sẽ tiếp tục tăng việc dự trữ ngoại tệ, tức tăng đẩy tiền ra. Như vậy, tác động tích cực từ giữa năm nay.
Về tài khóa, tại sao năm nay là năm lớn nhất trong đầu tư công với ngân sách chi khoảng 31 tỷ USD. Nếu như những năm trước, ngân sách chi ngân sách ra mà không giao được thì 2 tháng đầu năm nay đã giao được cho các bộ ngành được hơn 90%. Năm ngoái không chi được tiền mà vẫn thu được ngân sách, thu nhiều hơn chi. Tiền tệ hút vào, ngân sách cũng hút vào, dự toán lẽ ra phải thâm hụt ngân sách nhưng cuối 2022 lại thu nhiều hơn chi.
Năm nay dự kiến thu 1,6 triệu tỷ đồng và chi ra 2 triệu tỷ đồng, trong đó chi đầu tư công là 31 tỷ USD. Hướng kinh tế như đề cập ở trên tiếp tục khó khăn nhưng tình hình sẽ được cải thiện trong bối cảnh giữ được hệ thống ngân hàng. Đương nhiên một số ngân hàng khó khăn nhưng rủi ro hệ thống không cao. Thực chất, các ngân hàng với lợi nhuận tạo ra những năm qua, dù nợ xấu bất động sản sắp tới gia tăng thì cũng không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, rủi ro hệ thống.
Rủi ro vẫn lớn
Tuy nhiên, chuyên gia Fulbright đánh giá rủi ro vẫn lớn. Rủi ro từ kinh tế toàn cầu, Fed điều hành chính sách, kiểm soát lạm phát ở Mỹ, rủi ro đổ vỡ ngân hàng. Nếu lạm phát cao buộc phải nâng lãi suất, sẽ gây rủi ro hệ thống tài chính. Đó là điều vẫn phải tiếp tục theo dõi.
Rủi ro trong nước là áp lực lạm phát. Nền kinh tế, thị trường chứng khoán sẽ phụ thuộc vào chính sách tiền tệ, tiền có được bơm ra hay không. Nếu những tháng tới lạm phát bùng phát thì không thể nới lỏng, không hạ lãi suất được.
Điểm nữa là tâm lý nhà đầu tư có được cải thiện, những khó khăn của thị trường trái phiếu, bất động sản vẫn tiếp diễn không chỉ năm nay mà con năm sau. Khó khăn nhưng không dẫn tới đổ vỡ tài chính. Tâm lý thị trường sẽ dần thích ứng.
Theo ông Thành, khó khăn lớn nữa đến từ trái phiếu doanh nghiệp. Nghị định 08 tạo cơ chế để doanh nghiệp và trái chủ đàm phán với nhau, với việc có thể gia hạn đáo hạn tối đa thêm 2 năm. Sẽ không có doanh nghiệp đổ vỡ, phá sản, các khoản nợ vay ngân hàng không chuyển nhóm nợ.
“Hy vọng từ 2025 tình hình bắt đầu hồi phục trở lại. Doanh nghiệp có thời gian tái cấu trúc, ngân hàng không chịu áp lực nợ xấu tăng lên. Khi tín hiệu tích cực thì nền kinh tế hồi phục. Đương nhiên rủi ro vẫn đến nếu doanh nghiệp không có khả năng chi trả”, ông Thành cho biết.
Liên quan tới kỳ vọng cú huých cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam là Trung Quốc mở cửa. Nền kinh tế Việt Nam chịu tác động bởi nền kinh tế Trung Quốc, không chỉ là câu chuyện du lịch mà Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Trung Quốc mở cửa, một cứu cánh cho nền kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh xuất khẩu sang Mỹ, EU yếu thì thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc hồi phục sẽ bù lại.
Nhưng chuyên gia đánh giá, hồi phục từ thị trường Trung Quốc cũng chưa rõ ràng. Bởi nước này không tiếp tục kích cầu, giờ chỉ mở cửa ổn định sản xuất kinh doanh.
“Quan điểm của tôi không quá lạc quan vào câu chuyện này. Năm ngoái, Việt Nam chấm dứt Zero COVID thì kinh tế phục hồi nhưng Chính phủ không thể kích cầu theo kiểu bơm tiền ra. Trung Quốc cũng vậy, sự phục hồi của Trung Quốc mang tính tự động chứ cũng không bơm tiền ra nữa. Ngoài ra, chúng ta có thêm thách thức khi Trung Quốc phục hồi, chúng ta xuất khẩu nhiều sang nước này thì cũng nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc”, ông Thành nêu quan điểm.