Châu Âu cân nhắc chi lớn để "giải cứu" các công ty năng lượng

Đến năm 2022, các hóa đơn năng lượng đã tăng vọt trong khi các doanh nghiệp điện từng luôn được coi là “vững như bàn thạch” bắt đầu gặp nhiều khó khăn.

Ba thập kỷ trước, châu Âu quyết định mở cửa thị trường năng lượng để thúc đẩy cạnh tranh - động thái nhằm giảm giá năng lượng thấp hơn cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, đến năm 2022, các hóa đơn năng lượng đã tăng vọt trong khi các doanh nghiệp điện từng luôn được coi là “vững như bàn thạch” bắt đầu gặp nhiều khó khăn.

Do đó, các chính phủ bắt đầu nhận ra họ không thể tiếp tục để thị trường quyết định vấn đề an ninh năng lượng. Các quốc gia châu Âu đang tính toán chi hàng trăm tỷ USD để "giải cứu" các công ty năng lượng cũng như hỗ trợ người tiêu dùng.

Mới đây, Chính phủ Đức đang đàm phán để bảo lãnh cho công ty điện lực Uniper, Chính phủ Pháp xem xét quốc hữu hóa tập đoàn điện lực EDF, trong khi Anh đưa nhà cung cấp khí đốt và điện Bulb Energy vào chế độ quản lý đặc biệt do nguy cơ thua lỗ.

Leslie Palti-Guzman, Chủ tịch công ty tư vấn Gas Vista có trụ sở tại New York, nhận xét: "Đây chỉ là bước khởi đầu cho sự can thiệp ngày càng tăng của các chính phủ vào thị trường năng lượng".

Nguyên nhân đằng sau mỗi nỗ lực "giải cứu" doanh nghiệp là khác nhau, nhưng đều bắt nguồn từ một thực tế đơn giản: Các công ty này không có đủ năng lượng để hoạt động. Nga đang hạn chế nguồn cung cấp cho châu Âu còn Pháp đang phải vật lộn với các lò phản ứng hạt nhân già cỗi.

Các nhà cung cấp năng lượng và khí đốt của Anh đang gặp áp lực chi phí cao khi siêu chu kỳ hàng hóa đang khiến giá cả nguyên liệu đầu vào tăng lên.

Mọi thứ đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Trong những năm qua, châu Âu trở nên ngày càng phụ thuộc vào khí đốt của Nga và mặt hàng này dường như đã trở thành một "vũ khí" để Nga đáp trả các lệnh trừng phạt của châu Âu nhắm vào nước này.

Tập đoàn năng lượng Gazprom đang hạn chế xuất khẩu trên tất cả các đường ống dẫn khí đốt chính sang châu Âu, điều này làm phức tạp thêm nỗ lực của châu lục này trong việc trích trữ đủ khí đốt trước mùa Đông.

Giá khí đốt tại Hà Lan - mức tiêu chuẩn của châu Âu - đã cao hơn 8 lần so với bình thường. Giá điện dự kiến trong năm 2023 cũng cao hơn 6 lần so với mức trung bình 5 năm ở Đức - thị trường lớn nhất châu Âu. Điều này sẽ làm tăng chi phí không chỉ của người tiêu dùng mà cả các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, từ luyện thép, luyện kim loại đến xi măng, hóa chất.

Gergely Molnar - nhà phân tích năng lượng tại Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) - nhận định: "Thị trường sẽ không thể tự cân bằng ít nhất đến năm 2024. Cho đến lúc đó, căng thẳng tài chính (do giá năng lượng) sẽ luôn hiện diện".

Các nút thắt cổ chai về nguồn cung và giá cả tăng cao đã thúc đẩy các chính phủ vào cuộc. Châu Âu đã yêu cầu các quốc gia thành viên tăng cường năng lực dự trữ, với Áo và Đức đang phải chi thêm nhiều tiền để tích trữ khí đốt.

Chính phủ Đức đã hỗ trợ thanh toán tiền năng lượng cho các hộ gia đình trong tháng này. Pháp có kế hoạch thúc đẩy khoản chi tiêu và giảm thuế trị giá 25 tỷ euro (26,1 tỷ USD) để bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp khỏi chi phí năng lượng tăng cao.

Quảng cáo
gazprom-20211023094112-5848.jpeg

Hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Gazprom. Ảnh: EPA/TTXVN

Italy dự kiến chi gần 40 tỷ euro trợ cấp hóa đơn năng lượng cho người tiêu dùng, trong khi Anh cũng dự kiến chi khoảng 37 tỷ bảng (44,7 tỷ USD) để giảm bớt tác động của giá năng lượng cao đối với người tiêu dùng. Việc Chính phủ Anh quốc hữu hóa công ty năng lượng Bulb sẽ khiến người dùng thiệt hại khoảng 2,2 tỷ bảng.

Tại Cộng hòa Czech, công ty điện lực quốc doanh CEZ đang đàm phán với chính phủ về các biện pháp nhằm bảo vệ thanh khoản trong trường hợp Nga ngừng cung cấp khí đốt cho nước này. Các nhà phân tích ước tính, các gói hỗ trợ năng lượng dành cho người tiêu dùng châu Âu có thể lên đến 100 tỷ USD.

Kathryn Porter, nhà tư vấn từng làm việc cho công ty giải pháp và dịch vụ năng lượng quốc tế Centrica, cho rằng việc các chính phủ phải cứu trợ các công ty năng lượng hiện nay cho thấy sự thất bại trong việc dự báo ảnh hưởng của cú sốc giá cả trong chính sách năng lượng. Điều này sẽ làm tăng thêm chi phí mà người tiêu dùng phải đối mặt.

Ngoài hỗ trợ tài chính trực tiếp, Chính phủ Đức cũng tăng cường năng lực ổn định thị trường năng lượng, bằng việc thông qua một đạo luật vào tháng Năm cho phép chính phủ thu giữ cơ sở hạ tầng năng lượng trong trường hợp khẩn cấp.

Các biện pháp khác đã được tính đến là gói cứu trợ năng lượng, áp giá trần đối với khí đốt và khí tự nhiên hóa lỏng, cũng như trợ cấp để bảo vệ sức mua của người dân.

Trước đây, thị trường năng lượng châu Âu bị chi phối bởi các công ty độc quyền, khiến người tiêu dùng có rất ít sự lựa chọn. Chỉ đến năm 1996, Liên minh châu Âu (EU) mới quyết định mở cửa dần dần thị trường năng lượng bởi các chính phủ tin rằng cạnh tranh nhiều hơn sẽ giúp tăng cường an ninh nguồn cung, giảm chi phí và giải quyết tình trạng thiếu năng lượng.

Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đã làm lung lay cách tiếp cận đó. Đức ngày càng phụ thuộc vào khí đốt của Nga, tình trạng này trầm trọng hơn khi Đức quyết định đóng cửa tất cả nhà máy điện hạt nhân tại nước này. Chính phủ Anh lại cực kỳ "dễ dãi" trong việc cấp phép thành lập các công ty năng lượng - dẫn đến một thị trường hỗn loạn với 20 công ty sụp đổ chỉ trong năm ngoái.

Pháp vẫn phụ thuộc rất nhiều vào tập đoàn năng lượng EDF, trong đó chính phủ sở hữu 84% cổ phần. Nước này đang phải vật lộn với các lò phản ứng điện hạt nhân bị lỗi, khiến một quốc gia vốn cung cấp điện hạt nhân dư thừa cho các nước láng giềng châu Âu lại thành một nhà nhập khẩu điện. Ở Đông Âu, nhiều quốc gia vẫn đang phụ thuộc vào khí đốt từ Nga.

Giờ đây, châu Âu đang phải trả giá đắt cho sai lầm về an ninh năng lượng, khiến các nước phương Tây không còn lựa chọn nào khác ngoài khí đốt của Nga hoặc các dự án năng lượng tái tạo cho công suất không ổn định. Đức đã thu giữ và buộc phải “giải cứu” một công ty con của Gazprom vì công ty này chiếm 20% lượng dự trữ khí đốt của Đức.

Trong khi đó, công ty điện lực Uniper đang đối mặt với rất nhiều khó khăn khi chỉ nhận được khoảng 40% đơn đặt hàng khí đốt của Nga - động thái này khiến công ty thiệt hại khoảng 30 triệu USD mỗi ngày. Ngày 29/6, công ty thông báo họ đang thảo luận về việc tăng các khoản vay được nhà nước hỗ trợ hoặc thậm chí đầu tư cổ phiếu để đảm bảo thanh khoản.

Các công ty khác có thể sớm nhận thấy những thách thức tương tự. Ví dụ, các nhà kinh doanh năng lượng đang buộc phải tìm các nhà cung cấp thay thế cho các đối tác Nga. Timm Kehler, Chủ tịch nhóm vận động hành lang ngành khí đốt Zukunft Gas của Đức cho biết: “Chúng tôi lo sợ sẽ có hiệu ứng tầng trong ngành khí đốt. Nhà nước nên can thiệp để hỗ trợ ngành này."

Tại Pháp, tình hình tài chính của EDF tiếp tục xấu đi ngay cả sau khi chính phủ bơm 2,7 tỷ euro trong tháng Tư như một phần trong đợt tăng vốn 3,2 tỷ euro. Theo nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán, Giám đốc điều hành EDF Jean-Bernard Levy đang thúc giục chính phủ quốc hữu hóa công ty càng sớm càng tốt. Người phát ngôn của EDF từ chối bình luận về kế hoạch quốc hữu hóa EDF.

Theo Jonathan Stern - nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, có thể các công ty năng lượng lớn ở châu Âu sẽ không hoàn toàn được quốc hữu hóa, nhưng không loại trừ khả năng các chính phủ sẽ nắm một lượng cổ phần lớn tại các công ty này, đặc biệt là nếu mức giá năng lượng hiện tại duy trì trong 1-2 năm tới.

Theo Bnews Sao chép

Cùng chuyên mục Thị trường 3

Chỉ số S&P 500 và Nasdaq nối dài chuỗi kỷ lục

Tại thị trường chứng khoán Phố Wall, chỉ số S&P 500 ghi nhận mức đóng cửa cao kỷ lục phiên thứ năm liên tiếp trong phiên 9/7, trong khi chỉ số Nasdaq đóng cửa ở mức cao kỷ lục phiên thứ sáu liên tiếp.

S&P 500 và Nasdaq đồng loạt tăng lên mức cao nhất mọi thời đại sau báo cáo CPI thấp hơn dự kiến Cổ phiếu Nvidia đảo chiều giúp chỉ số Nasdaq thoát khỏi sắc đỏ

Người mua chờ đợi điều gì từ nay đến cuối năm?

Cuối năm 2024, nhiều dự đoán tích cực về thị trường bất động sản đang tạo tâm lý phấn khởi cho người mua nhà. Song, việc “cân đo đong đếm” giữa các yếu tố khiến không ít người người “gác” chuyện mua nhà sang thời điểm cuối năm 2024.

Nhà đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản 2,47 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm Chung cư là phân khúc 'nóng' nhất thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm

Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất vào Mỹ

Top 5 thị trường xuất khẩu hạt tiêu chủ lực có đến 4 thị trường tăng trưởng mạnh về khối lượng và trị giá, chỉ riêng thị trường Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất là giảm lượng nhập khẩu.

Thêm vụ nghi lừa đảo khi xuất khẩu hồ tiêu và nhân điều sang thị trường Dubai-UAE Diện tích ngày một giảm, đe dọa vị trí nước xuất khẩu hồ tiêu số 1 thế giới của Việt Nam

Nghịch lý ngành phân bón: Sản xuất dư thừa, nhập siêu vẫn tăng mạnh

Năng lực sản xuất ure của 4 nhà máy trong nước là: Phú Mỹ, Cà Mau, Ninh Bình và Hà Bắc khoảng 3 triệu tấn. Nhu cầu ure cho sản xuất nông nghiệp trong nước từ 1,6 – 1,8 triệu tấn/năm. Sản xuất dư thừa doanh nghiệp phải đẩy mạnh xuất khẩu để giảm tồn kho, trong khi đó nhập khẩu ure vẫn tăng.

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau: Cung ứng tối đa nội địa, hướng mạnh xuất khẩu Phân bón Cà Mau ký hợp tác với Tập đoàn Yetak, đẩy mạnh thị phần tại Campuchia