Theo nguồn tin từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT), dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 hoàn thành trên 95% khối lượng, khánh thành vào dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Cụ thể, đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư các công trình giao thông Hà Nội cho biết nhà thầu đang thi công các hạng mục còn lại như thảm mặt đường, lắp hệ thống chiếu sáng, thử tải cầu, tổ chức giao thông, sơn kẻ vạch…
Các công đoạn cuối cùng của dự án hoàn thành vào dịp lễ Quốc khánh 2/9. Sau đó, công tác nghiệm thu, kiểm tra chất lượng công trình từ các bộ, ngành được tiến hành trước khi thông xe.
Hệ thống chiếu sáng của cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang được lắp đặt với 600 cột đèn chiếu sáng, hơn 600 cột đèn tạo cảnh quan. Hiện tại, hơn 80% khối lượng công việc hoàn thành.
Dự án cầu Vĩnh Tuy 2 giúp tăng cường khả năng lưu thông giữa 2 bên bờ sông Hồng, giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố
Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được xây dựng theo quy hoạch nhằm hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai 2 của TP Hà Nội, tăng cường khả năng lưu thông giữa 2 bên bờ sông Hồng, giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố. Dự án còn tạo tiền đề cho việc hình thành chuỗi đô thị phía Bắc Thủ đô.
Theo quy hoạch giao thông Thủ đô tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ có thêm 10 cầu qua sông Hồng, gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (Vành đai 4), Thăng Long mới (Vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc).
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 nằm phía hạ lưu sông Hồng, song song cầu giai đoạn 1, với hình dáng tương tự cầu giai đoạn 1. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 3.473 m. Mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng.
Điểm đầu giao với đường Nguyễn Khoái và đường Minh Khai, điểm cuối giao với đường Long Biên - Thạch Bàn, đường Cổ Linh. Mặt cắt ngang cầu 19,25 m (4 làn xe). Chiều cao tĩnh không 11m, khẩu độ thông thuyền lớn hơn 85m.
Công trình xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được khởi công từ tháng 1/2021 và sẽ thông xe sau 32 tháng thi công.