Cảng biển tấp nập đón tàu lớn làm hàng đầu năm

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, các cảng biển vẫn hoạt động xuyên Tết Nguyên đán để đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa không bị gián đoạn.

Theo đó, tại khu vực miền Nam, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH liên doanh dịch vụ container quốc tế Cảng Sài Gòn - SSA (SSIT) cho hay, ngay ngày đầu năm mới Quý Mão 2023, cảng đã đón tàu MSC FELIXSTOWE "xông đất".

Tàu có sức chở 5.048 Teus thuộc tuyến dịch vụ New Origami xếp dỡ hàng xuất nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Vũng Tàu (cảng SSIT), Malaysia, Singapore, Philippines.

Ngay sau đó, cảng SSIT cũng tiếp tục đón tàu MSC CLORINDA, trọng tải 165.959 tấn, sức chở 14.000 Tues thuộc hãng tàu MSC Shipping vào cảng xếp dỡ hơn 2.000 Tues.

Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH liên doanh dịch vụ container quốc tế Cảng Sài Gòn - SSA (SSIT) chia sẻ, đây là chuyến tàu thuộc tuyến dịch vụ Sentosa, kết nối hàng xuất nhập khẩu từ Singapore, Malaysia, Thái Lan, Vũng Tàu (cảng SSIT), Trung Quốc đi các cảng bờ Tây Hoa Kỳ và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong thời gian gần đây.

Cũng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) cũng đón tàu lớn dịp đầu năm mới. Theo đại diện lãnh đạo cảng CMIT, trong tuần nghỉ Tết Nguyên đán, cảng vẫn đón các chuyến tàu mẹ với trọng tải khoảng 160.000 tấn cập cảng làm hàng. Do đó, doanh nghiệp phải bố trí công nhân trực đầy đủ, nhưng vẫn sắp xếp họ đảo ca để vừa đảm bảo quân số làm hàng vừa giúp họ có thể vui Tết cùng gia đình.

Tại khu vực miền Trung, Phó Tổng giám đốc CTCP Cảng Đà Nẵng Dương Đức Xuân thông tin, ngay ngày 30 và mùng 1 Tết, cảng đã đón 3 tàu container cập cảng. Trong 6 ngày nghỉ lễ, dự kiến cảng sẽ đón khoảng 10 tàu container.

Cũng như các cảng miền Nam và miền Trung, tại miền Bắc, ông Cáp Trọng Cường - Tổng Giám đốc CTCP Cảng xanh VIP (VIP Green Port) cho biết, trong tuần đầu năm mới cảng sẽ đón khoảng 9 - 10 tàu.

Mặc dù các cảng biển đều hoạt động xuyên Tết, nhưng lãnh đạo các cảng đều cho hay, công nhân đều được bố trí, sắp xếp để có thời gian nghỉ ngơi, đón Giao thừa và vui Tết bên gia đình.

Quảng cáo

Theo anh Cáp Trọng Cường, người lao động tại Cảng Vip Greenport sẽ được nghỉ 1 ca đêm từ 0h - 6h sáng để đón năm mới. Các công nhân quê ở xa được tạo điều kiện về thăm gia đình và đón Tết. Những người còn lại nhà ở gần sẽ thay phiên nhau gánh vác công việc. Với các ca không có tàu vào, người lao động sẽ được giãn ca để vui Tết cùng gia đình.

"Thông thường khi tàu vào sớm, chúng tôi cố gắng làm xong trước 22h ngày 30 Tết để anh em công nhân đón Giao thừa. Nếu vào muộn, sáng mùng 1 Tết sẽ làm hàng. Cảng vẫn đảm bảo kế hoạch của tàu, nhưng vẫn tập trung tối đa nguồn lực để làm hàng nhanh nhất. Ngày Tết, khách không lấy hàng nên cảng có thể tập trung nguồn lực làm tàu thật nhanh rồi cho mọi người nghỉ", ông Cáp Trọng Cường cho hay.

Trong khi đó, ông Dương Đức Xuân, Phó Tổng giám đóc CTCP Cảng Đà Nẵng cho biết, cán bộ công nhân của cảng được nghỉ từ chiều 30 Tết và bắt đầu vào ca mới từ 12h ngày mùng 1 Tết Nguyên đán. Sau thời gian nghỉ, các bộ phận đều trở lại làm việc bình thường.

Đại diện lãnh đạo cảng SSIT thông tin, khối văn phòng có thể nghỉ Tết nhưng khối vận hành cảng vẫn hoạt động bình thường. Trong dịp Tết, công nhân đi làm sẽ được hưởng lương gấp 3 lần so với ngày thường. Đêm Giao thừa, lãnh đạo cảng cũng xuống cầu tàu để chúc mừng năm mới, tặng lì xì lấy lộc đầu năm và động viên anh em công nhân.

Tuy đầu năm Quý Mão, các hoạt động tại cảng biển vẫn sôi động nhưng hầu hết các doanh nghiệp thừa nhận sản lượng hàng dịp Tết Nguyên đán chưa cao. Nguyên nhân là do thời điểm này các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đều tạm ngưng hoạt động sản xuất, cộng thêm thị trường Trung Quốc cũng nghỉ Tết Nguyên đán cũng ảnh hưởng tới lượng hàng xuất nhập khẩu.

Theo đại diện Cảng Nam Đình Vũ, tàu container dịp Tết vẫn hoạt động, nhưng thực tế giảm tần suất khoảng 30%.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, thông thường tháng trước Tết và dịp Giáng sinh chính là mùa cao điểm hàng hóa. Tết Nguyên đán và giai đoạn sau Tết sẽ là giai đoạn thấp điểm. Thời điểm này, lượng hàng vẫn đều và không có trường hợp sản lượng hàng tăng vọt.

"Hàng hóa năm nay bị ảnh hưởng, đơn hàng sụt giảm vì thị trường Mỹ và châu Âu tiêu thụ kém. Hiện tại, có thể hy vọng vào thị trường Trung Quốc khi mở cửa trở lại, nhưng có lẽ phải cuối quý 1/2023 mới dần hồi phục", một doanh nghiệp chia sẻ.

Theo Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang, năm 2022, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt 733,18 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021.

Trong đó, hàng xuất khẩu đạt 179,07 triệu tấn, giảm 3%; hàng nhập khẩu đạt 209,26 triệu tấn, giảm 2%; hàng nội địa đạt 342,79 triệu tấn, tăng 12% so với năm 2021. Khối lượng hàng container thông qua cảng biển năm 2022 ước đạt 25,09 triệu TEUs, tăng 5% so với năm 2021.

Theo Báo Tin Tức Sao chép

Cùng chuyên mục Thị trường

Chỉ số S&P 500 và Nasdaq nối dài chuỗi kỷ lục

Tại thị trường chứng khoán Phố Wall, chỉ số S&P 500 ghi nhận mức đóng cửa cao kỷ lục phiên thứ năm liên tiếp trong phiên 9/7, trong khi chỉ số Nasdaq đóng cửa ở mức cao kỷ lục phiên thứ sáu liên tiếp.

S&P 500 và Nasdaq đồng loạt tăng lên mức cao nhất mọi thời đại sau báo cáo CPI thấp hơn dự kiến Cổ phiếu Nvidia đảo chiều giúp chỉ số Nasdaq thoát khỏi sắc đỏ

Người mua chờ đợi điều gì từ nay đến cuối năm?

Cuối năm 2024, nhiều dự đoán tích cực về thị trường bất động sản đang tạo tâm lý phấn khởi cho người mua nhà. Song, việc “cân đo đong đếm” giữa các yếu tố khiến không ít người người “gác” chuyện mua nhà sang thời điểm cuối năm 2024.

Nhà đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản 2,47 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm Chung cư là phân khúc 'nóng' nhất thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm

Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất vào Mỹ

Top 5 thị trường xuất khẩu hạt tiêu chủ lực có đến 4 thị trường tăng trưởng mạnh về khối lượng và trị giá, chỉ riêng thị trường Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất là giảm lượng nhập khẩu.

Thêm vụ nghi lừa đảo khi xuất khẩu hồ tiêu và nhân điều sang thị trường Dubai-UAE Diện tích ngày một giảm, đe dọa vị trí nước xuất khẩu hồ tiêu số 1 thế giới của Việt Nam

Nghịch lý ngành phân bón: Sản xuất dư thừa, nhập siêu vẫn tăng mạnh

Năng lực sản xuất ure của 4 nhà máy trong nước là: Phú Mỹ, Cà Mau, Ninh Bình và Hà Bắc khoảng 3 triệu tấn. Nhu cầu ure cho sản xuất nông nghiệp trong nước từ 1,6 – 1,8 triệu tấn/năm. Sản xuất dư thừa doanh nghiệp phải đẩy mạnh xuất khẩu để giảm tồn kho, trong khi đó nhập khẩu ure vẫn tăng.

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau: Cung ứng tối đa nội địa, hướng mạnh xuất khẩu Phân bón Cà Mau ký hợp tác với Tập đoàn Yetak, đẩy mạnh thị phần tại Campuchia