Tại buổi làm việc giữa Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL) với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam mới đây, Tham tán Văn hoá, Đại sứ quán Trung Quốc Bành Thế Đoàn cho biết, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt II (từ 15/3/2023)
Theo đó, Việt Nam sẽ là một trong số quốc gia được ưu tiên xem xét các chuyến bay thẳng, bỏ yêu cầu cung cấp kết quả xét nghiệm PCR trước 48 giờ, du khách nhập cảnh chỉ cần cung cấp kết quả xét nghiệm nhanh hoặc tổ chức xét nghiệm xác suất 2%.
Tin vui cho ngành du lịch
Trước thông tin này, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, dù hiện tại khách Trung Quốc vẫn có thể vào Việt Nam theo diện công tác, thăm thân, tuy nhiên đó không phải kịch bản mà các công ty lữ hành mong chờ.
Vì vậy, việc Trung Quốc đã quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch là tin vui cho ngành du lịch nói chung và doanh nghiệp du lịch nói riêng sau thời gian dài chuẩn bị và chờ đợi đón khách du lịch từ thị trường này.
“Các doanh nghiệp du lịch đã sẵn sàng đón khách quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt là khách từ Trung Quốc từ nhiều năm nay. Dự kiến, năm 2023, Việt Nam sẽ đón khách Trung Quốc khoảng từ 1,5-1,8 triệu lượt khách”, ông Dũng nói.
Tháng 2/2023, khách đến từ Trung Quốc ước đạt 55.029 lượt dù Trung Quốc chưa mở đường bay đến Việt Nam (trước đó trong tháng 1 mới chỉ đạt con số khiêm tốn là 15.875 lượt khách).
“Ngay sau khi mở cửa, các đối tác Trung Quốc cũng đã có nhiều chương trình dành cho khách Trung Quốc đi Việt Nam. Hi vọng sau 15/3, khách Trung Quốc sẽ vào Việt Nam nhiều hơn thông qua các chuyến bay thường lệ, qua các cửa khẩu đường bộ, sau đó là chuyến bay phi chuyến đến Nha Trang, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Phú Quốc”, ông Dũng kỳ vọng.
Chú trọng chất lượng và giá cả dịch vụ
Tuy vậy, theo ông Phạm Minh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, dù việc chuẩn bị đón khách Trung Quốc vào thị trường Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng đã sẵn sàng, từ cơ sở hạ tầng, các gói Combo du lịch với có những sản phẩm đặc thù. Song, để lượng khách này trở lại như trước dịch Covid-19 (năm 2019 Việt Nam đón hơn 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc, chiếm hơn 30% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam) thì cần có thời gian dài. Bởi, sau 3 năm dịch COVID-19, thị hiếu và nhu cầu của khách Trung Quốc đã có sự thay đổi. Vì vậy, cần có thời gian để sự tiếp cận thị trường để hiểu được.
"Các doanh nghiệp cần trong tâm thế chủ động đem đến cho du khách dịch vụ tốt nhất và giá cả phải chăng nhất", ông Nhựt đề nghị.
Tại báo cáo về du lịch của Ngân hàng HSBC mới đây, các chuyên gia của ngân hàng này nhận định với tỉ lệ khách du lịch Trung Quốc không nhỏ (chiếm 30% tổng khách quốc tế đến trước Covid-19), Việt Nam có thể cũng sẽ là một nước hưởng lợi lớn trong khu vực, chỉ sau Thái Lan, khi tiếp nhận "cú hích" từ sự trở lại của khách du lịch Trung Quốc.
Nếu có thể giải quyết những hạn chế về chuyến bay và nới lỏng thêm các yêu cầu về thị thực nhập cảnh, tỉ lệ trở lại của du khách Trung Quốc tới Việt Nam có thể đạt 50% - 80% so với mức trước đại dịch (3 triệu đến 4,5 triệu).
Vì vậy, với việc Việt Nam sẽ đón khách du lịch Trung Quốc theo đoàn nhiều chuyên gia kỳ vọng mục tiêu đạt 8 triệu lượt khách quốc tế mà Việt Nam đề ra trong năm 2023 là hoàn toàn khả thi.