Bộ Tài chính vừa có văn bản số 4315/BTC-ĐT, báo cáo tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn NSNN lũy kế 3 tháng, ước thực hiện 4 tháng kế hoạch năm 2023 với một số thông tin cập nhật về tình hình giải ngân đầu tư công trong giai đoạn.
Giải ngân vốn nước ngoài mới đạt 6,28% kế hoạch
Theo Bộ Tài chính, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/4/2023 là 110.633,6 tỷ đồng, đạt 14,66% kế hoạch (đạt 15,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Con số này thấp hơn so với tỷ lệ hoàn thành cùng kỳ của năm 2022 (đạt 17,09% kế hoạch và đạt 18,48% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Trong số trên, vốn trong nước là 108.877,97 tỷ đồng, đạt 14,98% kế hoạch và đạt 16,03% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Vốn nước ngoài là 1.755,6 tỷ đồng, mới đạt 6,28% kế hoạch.
Tới cuối tháng 4, mới có 3 bộ và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 20%; đứng đầu là Đồng Tháp (38,3%), tiếp đến là Bến Tre (36,96%), Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (36,66%), Tiền Giang (33,85%), Phú Thọ (32,99%).
Trong khi đó, còn tới 47 bộ, cơ quan trung ương và 27 địa phương giải ngân đạt dưới 15%. Trong đó, có 32 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương giải ngân đạt dưới 5% kế hoạch.
Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới giải ngân 0,25%; Bộ Giáo dục và Đào tạo giải ngân 1,1%; Bộ Khoa học và Công nghệ giải ngân 3,45%. Thậm chí, có bộ, cơ quan trung ương đến nay tỷ lệ giải ngân vẫn bằng 0 như Ủy ban Dân tộc; Kiểm toán Nhà nước…
Xét theo tỉnh thành, TP.HCM là địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp nhất, mới đạt 3,48% kế hoạch, tiếp đến là Đà Nẵng và Cao Bằng cùng đạt trên 6%.
Chiều ngược lại, Đồng Tháp và Bến Tre là hai địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, lần lượt đạt 38,3% và 36,96%.
Chậm giải ngân do nhiều nguyên nhân cố hữu
Bộ Tài chính cho biết, trong tháng 4, lãnh đạo Chính phủ đã tổ chức các đoàn kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, qua đó nhận thấy một số vướng mắc, tồn tại làm ảnh hưởng đến công tác giải ngân.
Về khách quan, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương đang tập trung triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án; hoàn thiện thủ tục đầu tư, tập trung thực hiện công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp.
Một số dự án có nhu cầu thực hiện chuẩn bị đầu tư trong năm 2023 nhưng không được bố trí vốn vì trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt không tách riêng vốn chuẩn bị đầu tư và vốn thực hiện dự án. Do vậy, dự án không có vốn để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt dự án đầu tư.
Về chủ quan, một số nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư còn chậm do vướng mắc về thủ tục đất đai, điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu đất xây dựng; công tác giải phóng mặt bằng chưa được chủ đầu tư chú trọng triển khai ngay từ khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời, chủ đầu tư chưa chủ động ngay từ khâu triển khai thực hiện dự án dẫn đến làm chậm tiến độ giải ngân.
Cùng với đó là vướng mắc do giá vật liệu xây dựng tăng, quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và quy định về phương án thiết kế đối với dự án không có cấu phần xây dựng.