Quay về eMagazine

Báo chí "đối đầu" mạng xã hội: Đừng bỏ quên khác biệt

Facebook, YouTube, TikTok… càng bành trướng sức ảnh hưởng ở Việt Nam, thì lĩnh vực báo chí cũng ngày càng đối mặt nhiều sóng gió.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhiều toà soạn đối mặt sự sụt giảm đáng kể doanh thu quảng cáo, phát hành, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống nhân sự. Lao động nghề báo thay đổi chóng mặt, bị cuốn theo mạng xã hội. Nhà báo liên tục chịu áp lực tứ bề, từ thời gian lên tin bài trong “cuộc đua” bất tận về tốc độ thông tin, tới kiểm chứng thông tin, sự giám sát của độc giả, cộng đồng, sự so sánh giữa các tờ báo, cũng như giữa báo chí và mạng xã hội…

Điểm mạnh riêng có

Giữa cơn hoang mang, nhiều người bắt đầu nói về việc báo chí “tự bắn vào chân mình” với cách làm báo như viết “tút” trên mạng xã hội. Không ít bài báo không khác gì một chia sẻ trên Facebook, không đảm bảo tiêu chí thông tin báo chí như nguồn tin, kiểm chứng, tính khách quan. Dấu ấn tác nghiệp của phóng viên cũng nhạt nhoà. Không ít tin bài vô thưởng vô phạt được ví như “rác” trên mặt báo. Những sai sót nghiệp vụ của phóng viên càng bị soi xét, xoáy sâu, khi bạn đọc, cộng đồng có thể dễ dàng phản biện qua nhiều kênh tương tác, trong đó có mạng xã hội đóng vai trò chủ yếu.

Nhìn nhận về câu chuyện này, nhà báo Vũ Minh Hoàn đề cập đến mệnh đề “báo chí giải pháp”. Theo ông, giải pháp ở đây dựa trên cơ sở khoa học, được trích dẫn từ các nhà quản lý, chuyên gia uy tín, không phải kết luận chủ quan do phóng viên tự đưa ra theo những cách rất cũ, như “thiết nghĩ”, “nên chăng”…

“So với mạng xã hội, báo chí vẫn luôn sở hữu một lợi thế quan trọng: các nguyên tắc và khả năng duy trì các nguyên tắc trong việc sản xuất nội dung!” - Nhà báo, chuyên gia truyền thông Đinh Đức Hoàng.

Vị nhà báo kỳ cựu cho rằng khách quan không có nghĩa là chỉ nêu sự việc. Thế là chưa đủ. Khách quan còn là trách nhiệm với việc lựa chọn tin tức thế nào. Báo chí giải pháp cũng là dạng thông tin có trách nhiệm. Thay vì đưa thông tin đơn thuần cho bạn đọc, trong khả năng và quyền lực của mình, báo chí có thể tìm ra những cách thức giải quyết hạn chế, méo mó của cuộc sống.

Đồng tình với quan điểm của đồng nghiệp Vũ Minh Hoàn, nhà báo, chuyên gia truyền thông Đinh Đức Hoàng nói, báo chí sở hữu những điểm mạnh riêng có khi so sánh với mạng xã hội, trong sứ mệnh phụng sự bạn đọc.

“So với mạng xã hội, báo chí vẫn luôn sở hữu một lợi thế quan trọng: các nguyên tắc và khả năng duy trì các nguyên tắc trong việc sản xuất nội dung! Những phóng viên tác nghiệp với một bộ kỹ thuật được đào tạo, với nguyên tắc kiểm chứng, đối chiếu nguồn tin. Một hội đồng biên tập đóng vai trò “bộ lọc” trong lựa chọn chủ đề, thông tin và góc nhìn đến độc giả. Một cơ quan chủ quản với những tôn chỉ mục đích cụ thể trong phụng sự xã hội”, ông Hoàng nói. “Với nhiều người, đó có thể là những rào cản. Nhưng tôi tin rằng độc giả ngày nay sẽ ngày càng cảm nhận rõ hơn tầm quan trọng của việc “có nguyên tắc” trong các sản phẩm nội dung”.

Ông phân tích, với việc sản xuất nội dung tự phát, từ tin tức đến góc nhìn, mạng xã hội có thể đánh bại báo chí về tốc độ, nhưng không thể đảm bảo các nguyên tắc - thứ mà đôi khi chúng ta diễn đạt bằng thuật ngữ “tính chính thống”. Sự tự phát này thường xuyên làm mất niềm tin, thậm chí hoang mang cho công chúng.

Vì vậy, các tờ báo cần nắm chặt lấy điểm khác biệt này, và tạo ra niềm tin, bằng những phát hiện chuẩn xác, những phân tích cẩn trọng, những thông điệp xác đáng. “Chúng ta vẫn đang sở hữu những tòa soạn được thiết kế riêng biệt cho mục tiêu đó, hơn hẳn so với cá nhân tự phát trên mạng xã hội”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Vượt qua rào cản

Tuy nhiên, trong khi mạng xã hội với lợi thế về công nghệ triệt để thu thập và khai thác dữ liệu về người dùng nhằm tạo ra doanh thu, liên tục cải tiến chất lượng dịch vụ, thì báo chí dường như bỏ ngỏ mảng này.

Nhờ dữ liệu về độc giả, các tờ báo có thể hiểu chi tiết về độc giả của mình, hành vi tiêu thụ tin tức của họ thế nào, để từ đó đưa ra các chiến lược nội dung phù hợp. Song, lãnh đạo nhiều toà soạn thừa nhận, tờ báo mỗi ngày phục vụ, tương tác với vô số độc giả, nhưng “không biết họ là ai”. Đây cũng có thể xem là một “tử huyệt” của báo chí so với mạng xã hội.

Ông Bùi Công Duyến - Giám đốc sản phẩm Giải pháp toà soạn hội tụ OneCMS - Công ty Cổ phần Công nghệ Neko cho biết: “Có rất nhiều cách để thu thập dữ liệu độc giả. Nếu báo của bạn có đội ngũ công nghệ mạnh thì tự xây dựng hệ thống thu thập và phân tích dữ liệu của riêng mình. Hoặc chúng ta cũng có thể sử dụng các công cụ sẵn có, miễn phí như Google Analytics, Microsoft Clarity… hoặc trả phí như Chartbeat, Marfeel”.

Theo ông Duyến, hiện tại hầu hết tờ báo đều gắn mã Google Analytics nhưng mới chỉ sử dụng và quan tâm đến chỉ số về “view”, mà chưa quan tâm đầy đủ đến các chỉ số khác. Việc phân tích dữ liệu từ độc giả để từ đó đưa ra các chiến lược biên tập, sản xuất nội dung còn hạn chế, và các cơ quan báo chí cần cải thiện việc này.

Hiểu được tầm quan trọng của dữ liệu, nhiều cơ quan báo chí tại Việt Nam đã và đang xây dựng kho dữ liệu độc giả của riêng mình.

Hiểu được tầm quan trọng của dữ liệu, nhiều cơ quan báo chí tại Việt Nam đã và đang xây dựng kho dữ liệu độc giả của riêng mình. Các tờ báo khuyến khích độc giả đăng nhập để định danh được chính xác, lưu lại lịch sử truy cập, hành vi trên trang web của báo, từ đó kết hợp với các hệ thống phân tích dữ liệu để đưa ra khuyến cáo cho ban biên tập, kết hợp với các hệ thống gợi ý nội dung để cá nhân hóa nội dung cho độc giả hoặc quảng cáo đến đúng đối tượng.

Ông Duyến cho biết hiện nay, một số cơ quan báo chí lớn trong nước bắt đầu cung cấp tin tức cá nhân hoá dựa theo dữ liệu độc giả. Đây là cách làm khả thi và đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, việc cung cấp tin tức cá nhân hóa cho độc giả muốn chính xác, mang lại tỷ lệ đọc cao, thì điều kiện cần là tờ báo đó cần phải có lượng truy cập/dữ liệu đủ lớn để các hệ thống gợi ý hoạt động hiệu quả.

Theo Thời Đại

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE