Những ngày cuối tháng 6, Bộ Tài chính đã liên tiếp phát đi thông tin liên quan đến kết quả thanh tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm gồm: Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife.
Trong thông cáo báo chí phát đi chiều 30/6 về kết quả thanh tra này, Bộ Tài chính cho biết, việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới.
Đáng chú ý, tại Kết luận thanh tra số 809/KLBTC thanh tra chuyên đề bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và nội dung liên quan tại Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife - Bộ Tài chính đã chỉ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng của doanh nghiệp này.
Điển hình, quy trình đào tạo và tư vấn bảo hiểm chưa có quy định cụ thể về phân cấp, ủy quyền về nhiệm vụ, quyền hạn của từng cá nhân, bộ phận và cơ chế phối hợp giữa các cá nhân, các bộ phận trong việc triển khai từng hoạt động theo đúng quy định pháp luật.
Tỷ lệ hủy hợp đồng lên tới gần 40% sau... 1 năm
BIDV Metlife được thành lập vào ngày 21/07/2014 theo Giấy phép thành lập và hoạt động số 72GP/KDBH của Bộ Tài chính, có lĩnh vực hoạt động là kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, kinh doanh tái bảo hiểm, quản lý quỹ, đầu tư vốn theo quy định pháp luật.
Năm 2021, BIDV Metlife triển khai bán bảo hiểm thông qua 1 tổ chức tín dụng là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2021 và số liệu báo cáo của BIDV Metlife, doanh thu phí bảo hiểm triển khai bán thông qua BIDV đạt hơn 1.553,278 tỷ đồng, tương ứng 99,2% tổng doanh thu phí (hơn 1.565.224 tỷ đồng).
Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới triển khai bán thông qua BIDV đạt hơn 452,627 tỷ đồng, tương ứng 98,3% tổng doanh thu phí khai thác mới (460,397 tỷ đồng).
Đáng chú ý, theo kết luận thanh tra, riêng năm 2021, công ty phát hành mới 21.123 hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) qua kênh Bancassurance. Trong đó, tỷ lệ hủy ngay sau năm thứ nhất là 39,4%.
Đại lý, nhân viên mắc nhiều sai phạm
Về các sai phạm, theo Bộ Tài chính, quy trình đào tạo và tư vấn bảo hiểm của BIDV Metlife chưa có quy định cụ thể về phân cấp, ủy quyền về nhiệm vụ, quyền hạn của từng cá nhân, bộ phận và cơ chế phối hợp giữa các cá nhân, các bộ phận trong việc triển khai từng hoạt động theo đúng quy định tại khoản 2, Điều 12 Thông tư số 50/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Chính vì vậy, qua công tác thanh tra, Bộ Tài chính đã phát hiện nhiều đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng không thực hiện đúng quy định pháp luật. Thanh tra chọn mẫu phát hiện 21 trường hợp đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định trong quá trình triển khai bán bảo hiểm.
Cụ thể, có 01 đại lý bảo hiểm chưa thực hiện đúng theo quy định của công ty về sử dụng nhãn hiệu, tên thương mại; Có 02 đại lý bảo hiểm và 01 nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định về thu thập, kê khai thông tin khách hàng do công ty ban hành; Có 01 đại lý bảo hiểm cá nhân không tuân thủ quy trình khai thác, tư vấn sản phẩm bảo hiểm theo quy định của công ty.
Đồng thời, có 09 đại lý bảo hiểm và 01 nhân viên ngân hàng không thực hiện đúng quy định về kê khai, hoàn thiện hồ sơ, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra thông tin trong các tài liệu, hồ sơ yêu cầu bảo hiểm của khách hàng theo quy định của công ty.
Cùng với đó, có 02 đại lý bảo hiểm cá nhân chậm trễ trong việc hỗ trợ khách hàng làm thủ tục liên quan đến hợp đồng bảo hiểm; Có 04 đại lý bảo hiểm chưa thực hiện đúng quy định về kê khai số điện thoại trên hồ sơ yêu cầu bảo hiểm của khách hàng.
Chưa kể, công ty có 03 cán bộ thực hiện nhiệm vụ đào tạo đại lý bảo hiểm nhưng căn cứ để chứng minh về kiến thức pháp luật chưa rõ ràng để đảm bảo thực hiện đúng quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 87 Nghị định 73/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Hạch toán, khấu trừ thuế sai quy định hơn 174 tỷ đồng
Cũng theo kết luận thanh tra, BIDV Metlife đã hạch toán các khoản chi phí liên quan đến hoạt động bancass là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN năm 2021 chưa đúng quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật về thuế với tổng số tiền là hơn 174,243 tỷ đồng.
Cụ thể, chi phí thưởng kinh doanh, khoản thưởng theo chương trình thi đua chi trả cho đại lý bảo hiểm cá nhân với tổng số tiền là hơn 85,683 tỷ đồng.
Chi phí hỗ trợ cố định, phụ cấp hoạt động và bảo hiểm sức khỏe cho đại lý bảo hiểm cá nhân tổng số tiền là hơn 33,704 tỷ đồng.
Chi phí dịch vụ cho các nhân viên ngân hàng số tiền là hơn 54,855 tỷ đồng.
Yêu cầu khắc phục toàn bộ những sai phạm
Sau khi chỉ ra những sai phạm, Bộ Tài chính đã yêu cầu Tổng giám đốc BIDV Metlife thực hiện kiến nghị xử lý tài chính đối với kỳ kế toán năm 2021: Hạch toán giảm chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN năm 2021 số tiền hơn 174 tỷ đồng kể trên
Đối với các khoản chi có nội dung, tên gọi, cách thức chi trả, hồ sơ chứng từ và tài liệu có liên quan tương tự như các khoản chi nêu tại kết luận thanh tra thuộc các kỳ kế toán liên quan, đề nghị công ty điều chỉnh hạch toán kế toán, xác định, tính toán lại, kê khai bổ sung thuế TNDN tương ứng, không phân bổ các chi phí do doanh nghiệp bảo hiểm chi trả, hạch toán không đúng theo quy định pháp luật vào các quỹ chủ hợp đồng.
Bộ Tài chính giao Tổng cục Thuế chỉ đạo Cục thuế TP Hà Nội và các đơn vị có liên quan tiến hành đôn đốc, rà soát việc BIDV Metlife thực hiện kê khai, tuân thủ quy định pháp luật về thuế, hóa đơn đối với các khoản chi nêu tại kết luận thanh tra.
Đồng thời, đề nghị Tổng giám đốc BIDV Metlife thực hiện rà soát, tăng cường công tác quản lý việc triển khai bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để kiểm soát tình trạng hủy hợp đồng bảo hiểm nhằm đảm bảo quyền lợi của người mua bảo hiểm, an toàn tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm.
Rà soát, hoàn thiện, công tác đào tạo đại lý bảo hiểm, xây dựng tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ đào tạo đại lý bảo hiểm, đảm bảo cán bộ đào tạo đại lý bảo hiểm phải có kiến thức chuyên môn về bảo hiểm, kiến thức pháp luật và kỹ năng sư phạm theo đúng quy định.
Trong quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin, kiến nghị, phản ánh của khách hàng tham gia bảo hiểm, trường hợp phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ, tài liệu đến cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật.
"Tổng giám đốc Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các kiến nghị nêu trên, khắc phục toàn bộ những tồn tại trong kết luận này. Báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện về Bộ Tài chính" - kết luận thanh tra của Bộ Tài chính chỉ rõ.
Liên quan đến BIDV Metlife, theo BCTC đã kiểm toán của doanh nghiệp này năm 2022, BIDV Metlife có doanh thu thuần từ hoạt động bảo hiểm đạt hơn 1.720 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, LNST thu nhập doanh nghiệp là gần 85,3 tỷ đồng, tăng gần 230% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, chỉ phí bồi thường và trả tiền bảo hiểm là 1.013,55 tỷ đồng, tương đương với giá trị chi trả của năm 2021.
Vừa qua, sau những lùm xùm liên quan lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, Bộ Tài chính đã thành lập đoàn thanh tra, tiến hành thanh tra bước đầu tại 4 công ty gồm: Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife.
Kết quả thanh tra cho thấy, việc triển khai bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng có nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới.
Đồng thời, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên đề bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 10 doanh nghiệp bảo hiểm.