Giá sàn xuất khẩu gạo đề xuất trong bối cảnh Tập đoàn Lộc Trời trúng thầu 60.000 tấn gạo Bulog với mức giá khá thấp
Trong cuộc họp mới đây của Bộ Công Thương về gỡ khó cho xuất khẩu nông sản, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã đề xuất đưa giá sàn vào trong xuất khẩu gạo.
Đề xuất này được đề cập trong bối cảnh Tập đoàn Lộc Trời vừa trúng thầu 60.000 tấn gạo Bulog của Indonesia với mức giá khá thấp. Do vậy, kỳ vọng áp giá sàn sẽ ngăn chặn hiện tượng doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh về giá, từ đó đảm bảo giá trị hạt gạo Việt.
Theo ý kiến chuyên gia, áp dụng giá sàn xuất khẩu gạo sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp như sau:
Thứ nhất, hầu hết doanh nghiệp đều tự chủ về nguồn vốn, giá thành và họ sẽ tự quyết định giá đầu ra như thế nào là hợp lý để không bị lỗ. Một khi đã tự quyết định rồi thì lời lỗ gì họ tự chịu.
Thứ hai, VFA đề xuất áp giá sàn với mục đích không để doanh nghiệp bán gạo giá thấp rồi quay về ép giá lúa nông dân, nhưng trên thực tế ngành lúa gạo đi từ nông dân đến doanh nghiệp xuất khẩu, chuỗi cung ứng gạo xuất khẩu có từ 4 - 5 mắt xích. Trước tiên là thương lái thu mua đến nhà máy sấy - xay xát, nhà máy lau bóng gạo thành phẩm, các kho doanh nghiệp và cuối cùng là doanh nghiệp xuất khẩu, họ phải bán gạo theo giá thị trường, do cung cầu thị trường quyết định nên không thể nói họ có thể ép giá lúa thấp đối với nông dân.
Thứ ba là tính thời điểm. Tại thời điểm thu hoạch nông dân đã bán lúa hết lúa tươi cho thương lái tại ruộng đâu còn lúa để ép giá thu mua, nếu thời điểm doanh nghiệp tham gia đấu thầu cuối vụ hoặc sau vụ thu hoạch.
Thứ tư, các nước mở thầu luôn ràng buộc doanh nghiệp tham gia phải có năng lực tài chính, và đã từng thực hiện các hợp đồng có quy mô ít nhất bằng 50% gói thầu họ trúng. Doanh nghiệp đi đấu thầu tập trung ngoài chứng minh năng lực tài chính, không có nợ xấu và phải ký quỹ nếu trúng thầu mà không thực hiện sẽ mất tiền cọc.
Vẫn theo chuyên gia này, VFA đề xuất giá sàn là muốn bảo vệ giá lúa của nông dân nhưng trên thực tế không như vậy, vì mắt xích nông dân rất xa đơn vị xuất khẩu.
Cuối cùng là quy mô của các gói thầu. Quy mô gói thầu của Lộc trời là 60.000 tấn, Việt Nam xuất khẩu từ 6,5 - 7 triệu tấn gạo/năm, chưa tới 1% tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước thì không thể nói gói thầu này ảnh hưởng đến mặt bằng giá thị trường. Lộc Trời bán gạo giá thấp chỉ ảnh hưởng tính hiệu quả của họ chứ không thể điều tiết thị trường.
Đó là chưa kể, trong trường hợp áp giá sàn cao hơn giá thị trường, doanh nghiệp bán hàng không kịp, tồn kho lớn sẽ hạn chế năng lực thu mua khi đến vụ thì giá lúa sẽ rớt, lúa tươi chậm tiêu thụ càng bị “neo” trên ruộng quá thời gian xử lý sấy sẽ hư hỏng nhiều và nông dân là bên chịu thiệt.
“Qua đó cho thấy, giá sàn không phải là giải pháp tiên quyết giúp nông dân có lợi, mà giải pháp căn cơ là phải có nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển thị trường xuất khẩu, đa dạng thị trường để luân chuyển tồn kho nhanh hơn. Khi có nhiều doanh nghiệp mua lúa gạo, nông dân bán lúa nhanh thì giá cả mới có lợi cho nông dân trồng lúa và các nhà máy sản xuất lúa gạo. Để duy trì mặt bằng giá lúa cao phải tạo điều kiện và kích thích nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng xuất khẩu gạo, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo”, vị chuyên gia này nói.
Giá gói thầu Lộc Trời không ảnh hưởng đến cục diện chung của toàn ngành gạo
Là doanh nghiệp lâu năm trong ngành gạo xuất khẩu, ông Nguyễn Văn Thành, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Phước Thành IV cho biết, việc Tập đoàn Lộc Trời bỏ gói thầu 60.000 tấn gạo thầu Bulog giá thấp hơn giá sàn của nước này khoảng 16 USD/tấn, tính ra khoảng 400 đồng/kg gạo cũng không có gì nghiêm trọng. Có thể trong giai đoạn khó khăn về dòng vốn, bỏ thầu giá thấp là giải pháp quay vòng vốn của Lộc Trời, đó là phương án kinh doanh của họ và không ảnh hưởng đến cục diện chung của toàn ngành gạo. Trong khi năm 2023, gạo trong nước trượt giá khoảng 2.000 đồng/ký, nhiều doanh nghiệp thua lỗ nhưng không thấy ai có ý kiến gì.
Mặt khác, làm sao xác định mức nào mới là giá sàn hợp lý và nếu áp giá sàn mà doanh nghiệp xét thấy cần phải bán để duy trì hoạt động họ sẵn sàng “đi đêm” bán gạo giá rẻ.
“Ví dụ, Việt Nam áp giá sàn 600 USD/tấn, dưới 600 USD doanh nghiệp không được bán. Sắp tới, vào tháng 8 hoặc tháng 9, Ấn Độ bầu cử xong họ cho mở cửa thị trường bán gạo thấp hơn giá sàn gạo Việt Nam, vậy Việt Nam có điều hành giá sàn nhanh không? Nếu không nhanh, doanh nghiệp không bán được sẽ không mua gạo dẫn tới tồn đọng lúa gạo trong dân, rủi ro này nông dân là người gánh chịu, nhưng ai là sẽ là người chịu trách nhiệm về thiệt thòi của nông dân?”, ông Thành nêu vấn đề.
Ngoài ra, ai sẽ trả lời cho câu hỏi của doanh nghiệp, “tại sao tôi bán gạo giá này có lời mà không cho bán, không bán được hàng dòng vốn không lưu thông, nợ xấu doanh nghiệp xảy ra ai sẽ chịu trách nhiệm?” Chưa kể trường hợp mua vào giá cao nhưng thị trường xuống giá phải cắt lỗ.
Cũng theo ông Thành, trước đây, Việt Nam đã từng được áp dụng giá sàn dẫn đến xuất khẩu gạo thường xuyên bị ách tắc, tồn kho lớn buộc chính phủ phải cho doanh nghiệp vay lãi suất 0% để thu mua tạm trữ hàng triệu tấn lúa mỗi năm. Từ khi bỏ giá sàn, xuất khẩu gạo trở nên thông thoáng nhà nước không cần cho vay 0% mua tạm trữ và tồn kho năm gạo hàng năm rất mỏng.
Chia sẻ quan điểm với Phước Thành IV, ông Nguyễn Chánh Trung, Giám đốc Công ty TNHH Gạo Hưng Việt cho rằng, nhìn từ thực tế thị trường, quy định giá sàn là không cần thiết. Mặt khác dễ xảy ra tình trạng thoả hiệp giữa nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu “lách” quy định giá sàn bằng các thủ thuật trong thanh toán, làm sai lệch về mặt bằng giá xuất khẩu mà Tổng cục Hải quan và giới chuyên môn đang thống kê và phân tích.
Hơn nữa, đặc thù gạo Việt Nam là nhiều giống và nhiều chủng loại, quy cách chất lượng và bao bì sản phẩm xuất khẩu khác nhau, điều kiện giao hàng và thời gian giao hàng khác nhau nên mức giá bán sẽ rất khác nhau. Vậy áp giá sàn có khả thi không và câu hỏi đặt ra là có ai đủ năng lực đưa ra mức giá hợp lý gọi là giá sàn không?
“Gói thầu của Lộc Trời thấp hơn giá thị trường trên, dưới 16 USD/tấn không là vấn đề lớn, ai cũng có kế hoạch kinh doanh riêng và lỗ hay lãi là chuyện của họ, không vì vậy mà đề xuất áp giá sàn rồi ràng buộc hàng trăm doanh nghiệp khác”, ông Trung nhận định.
Mặt bằng chung giá gạo Việt Nam đang ở mức cao và thế giới đang chấp nhận mức giá lương thực cao đang giúp nông dân có lãi và thế giới ngày càng chú trọng đến chất lượng gạo Việt Nam. Đây là điều tốt, hãy để ngành gạo phát triển tự nhiên theo xu thế thị trường, nhìn vào một trường hợp nào cụ thể mà ngăn chặn sự phát triển của toàn ngành là không nên.