Thương nhân Trung Quốc giảm mua gạo vì tồn kho lớn
Theo số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 5/2024, xuất khẩu gạo đạt 458.667 tấn, trị giá 285,897 triệu USD. Lũy kế, từ đầu năm đến 15/5/2024 đạt hơn 3,628 triệu tấn gạo, với kim ngạch 2,323 tỷ USD, tăng 11,12% về lượng nhưng tăng đến 34,92% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái nhờ giá xuất khẩu tăng.
Top 4 thị trường xuất khẩu gạo chính lần lượt là: Philippines, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc. Đáng chú ý, cả ba thị trường Philippines, Indonesia, Malaysia đều tăng trưởng rất tốt chỉ riêng thị trường Trung Quốc giảm mạnh và rơi xuống vị trí thứ tư.
Cụ thể, tháng 4/2024, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt 87.213 tấn, trị giá 51,251 triệu USD, giảm 47,67% về lượng và giảm 45,18% về kim ngạch so với tháng 4/2023. Lũy kế, 4 tháng đầu năm xuất khẩu gạo sang nước này đạt 168.861 tấn (chủ yếu là gạo nếp), trị giá 99,437 triệu USD, giảm 66,69% về lượng và giảm 66,01% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tháng 4/2024, Trung quốc nhập khẩu 180.000 tấn gạo, giảm 50,2% so với cùng kỳ năm ngoái, giá nhập khẩu là 4.202,61 nhân dân tệ/tấn. Lũy kế, 4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu 490.000 tấn gạo, so với cùng kỳ năm trước giảm 64,2%, giá nhập khẩu trung bình là 4.278,29 nhân dân tệ/tấn.
Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn ở TP. Hồ Chí Minh cho biết, khối lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm giảm mạnh đến 66,69% là do lượng gạo dự trữ của nước này còn khá lớn, vì vậy thương nhân Trung Quốc giảm mua và trả giá gạo Việt Nam rất thấp nên có nhiều doanh nghiệp không ký được hợp đồng. Từ đầu năm đến nay giá gạo xuất khẩu sang thị trường này tương đối thấp nên rất khó có lãi đôi khi hòa vốn, vì về nguyên tắc do giá gạo Việt Nam đang khá cao so với mong muốn của bên mua.
“Mặc dù tình hình xuất khẩu sang Trung Quốc từ đầu năm tới nay không thuận lợi như năm 2023 nhưng để giữ chân khách hàng doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải bán. Đó là những cái khó của việc bán gạo sang thị trường này”, vị doanh nghiệp này nói.
Đối với mặt hàng gạo nếp thì thương nhân Trung Quốc vẫn mua nếp của Việt Nam nhưng với giá khá thấp chỉ từ 580 - 590 USD/tấn, mức giá thấp hơn so với giá gạo IR 50404, và được giao dịch từ năm 2023 đến nay và hiện vẫn chưa tăng.
Mặc dù nếp Việt Nam vẫn bán được sang Philippines nhưng khối lượng không lớn, các năm trước Campuchia vẫn mua nhiều gạo nếp của Việt Nam nhưng năm nay lại không thấy mua. Thật ra, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chủ yếu của nếp Việt.
Nông dân bỏ vụ Hè Thu, chỉ làm vụ Thu Đông
Tuy bán gạo sang Trung Quốc có khó khăn nhưng với thị trường Philippines thì thuận lợi hơn nhiều và hiện nay có nhiều các doanh nghiệp lớn Philippines đến TP. Hồ Chí Minh tìm mua gạo, đáng chú ý là họ quan tâm đến là những công ty có nhà máy xay xát, chế biến gạo, vì những công ty này kiểm soát được chất lượng nguồn gạo và nguồn gạo của họ luôn ổn định, so với công ty thương mại chỉ đơn thuần mua và bán sẽ khó kiểm soát chất lượng dẫn đến mất uy tín với khách hàng.
“Để kinh doanh xuất khẩu gạo ổn định và tạo uy tín trên thị trường thì doanh nghiệp cần phải kiểm soát được chất lượng gạo bán ra, muốn vậy họ phải có nhà máy xay xát chế biến gạo xuất khẩu như thế sẽ ổn hơn, tuy nhiên để xây dựng một nhà máy đòi hỏi rất nhiều tiền đầu tư”, một doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.
Nhận định về tình hình thị trường gạo vụ Hè Thu, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV cho rằng, mặc dù dự báo năm nay thế giới sẽ thiếu từ 7 - 8 triệu tấn gạo nhưng về cơ bản trên thị trường toàn cầu vẫn chưa có diễn biến gì đặc biệt. Song, do năm nay là ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino gây khô hạn nên sản lượng và chất lượng gạo sẽ giảm và đầu năm nay cả nước cũng đã xuất khẩu một lượng gạo tương đối lớn rồi nên chắc chắn tồn kho không nhiều.
Các vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới đó là mọi người đều có chung nhận định Ấn Độ sẽ mở cửa xuất khẩu gạo trở lại sau khi nước này bầu cử tổng thống xong. Bên cạnh đó, chất lượng gạo vụ Hè Thu so với vụ Đông Xuân không bằng và các yếu tố này sẽ là một phần ảnh hưởng lên đầu ra của gạo Việt Nam.
“Tuy nhiên, vụ Hè Thu năm 2024 sẽ không thu hoạch rộ như vụ Đông Xuân do bà con “né” mặn và có những cánh đồng chỉ sản xuất hai vụ nên năm nay người nông dân bỏ vụ Hè Thu mà chỉ làm vụ Thu Đông. Vì vậy, vụ Hè Thu năm nay sẽ không thu hoạch rộ và không tạo áp lực lớn về vấn đề giá lúa”, Giám đốc Phước Thành IV nói.
Tính đến ngày 16/05/2024, theo số liệu của Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, vụ Hè Thu 2024 đã xuống giống được 982 ngàn ha/1,480 triệu ha diện tích kế hoạch.