Trong nghị quyết vừa công bố, ACV cho biết đã ký kết văn kiện tín dụng với Vietcombank với tư cách là ngân hàng đầu mối và đại lý quản lý tài sản đảm bảo, đồng thời ký với VietinBank và BIDV (các ngân hàng cho vay hợp vốn) để tài trợ cho dự án trên.
Theo đó, ACV dự kiến vay tổng cộng 1.8 tỷ USD trong thời gian 20 năm. Biện pháp đảm bảo là tài sản hình thành từ dự án (các hạng mục được phép thế chấp) cho dù các tài sản này đang có hay sẽ hình thành trong tương lai.
Sân bay Long Thành đang là dự án trọng điểm được Chính phủ quan tâm và thúc đẩy. Dự án giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư khoảng 110.000 tỷ đồng (tương đương hơn 4,6 tỷ USD), bao gồm 4 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 3 gồm các công trình thiết yếu trong cảng hàng không do ACV làm chủ đầu tư.
Dự kiến sân bay Long Thành bắt đầu đi vào hoạt động vào năm 2026. Kế đó, trong giai đoạn 2, sân bay được xây thêm một đường cất hạ cánh cấu hình mở và nhà ga để đạt công suất 50 triệu khách/năm.
Giai đoạn 3 sẽ hoàn thành hạng mục còn lại để sân bay đạt công suất 100 triệu khách/năm và trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai.
Ngày 6/5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) - ông Lê Anh Tuấn cùng đoàn công tác của Bộ GTVT có buổi kiểm tra thực tế và làm việc với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty quản lý bay Việt Nam, các nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát... về tiến độ thi công dự án sân bay Long Thành.
Tại công trường, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đánh giá cao việc các nhà thầu huy động số lượng lớn nhân sự, máy móc đẩy nhanh thi công. "Dù thời tiết khắc nghiệt nhưng các kỹ sư, công nhân cùng nhau vượt nắng nóng để hoàn thành nhiệm vụ, nhờ vậy nhiều công việc đã đạt và vượt tiến độ đề ra. Thời gian tới các nhà thầu tiếp tục tận dụng những ngày cuối mùa khô cùng tăng tốc, đẩy nhanh các hạng mục tiếp theo", ông Tuấn nói.