Hơn 10.200 tỷ đồng nợ đọng bảo hiểm xã hội
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, hết tháng 9/2022, toàn quốc có hơn 17,24 triệu người tham gia BHXH (đạt 89,91% kế hoạch ngành). Con số này tăng gần 2,7 triệu người so với cùng kỳ, tăng hơn 697.200 người so với hết năm 2021.
Theo BHXH Việt Nam, công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế của toàn ngành vẫn có thể vượt số thu theo kế hoạch năm 2022, nhưng tỉ lệ nợ cũng đang ở mức khá cao, cần có các giải pháp quyết liệt để bảo đảm hạ mức 2,5%-3% số phải thu.
Tính đến cuối tháng 7/2022, tính riêng TP.Hà Nội có gần 76.000 đơn vị sử dụng lao động nợ BHXH hơn 4.905 tỷ đồng (tăng hơn 142 tỷ đồng so cùng kỳ năm trước). Trong đó, số nợ của các đơn vị ngừng, dừng giao dịch, thuộc diện không thể thu hồi gần 1.367 tỷ đồng (chiếm 27,9% tổng số nợ).
Tương tự, tại TP.HCM hiện còn gần 400 tỷ đồng nợ BHXH của khoảng 7.500 đơn vị sử dụng lao động có chủ bỏ trốn, mất tích, giải thể, phá sản, dừng hoạt động.
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy đến cuối năm 2021, tổng số nợ BHXH bắt buộc trong cả nước là hơn 10.200 tỷ đồng, trong đó khoảng 1/3 (hơn 3.200 tỷ đồng, gồm gần 2.300 tỷ đồng nợ gốc và khoảng 930 tỷ đồng lãi chậm nộp phát sinh) là khoản nợ rất khó đòi do hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản, giải thể hay chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn... Do đó, quyền lợi chính đáng của hàng trăm ngàn người lao động có nguy cơ bị mất trắng.
Tại phiên họp, lần thứ 7 của Ủy ban Xã hội của Quốc hội mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay từ năm 2018 đến hết tháng 8/2022 đã có 42/63 BHXH tỉnh, thành phố thực hiện việc kiến nghị khởi tố doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tới cơ quan có thẩm quyền.
Tổng số vụ cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố là 382, trong đó có 362 vụ liên quan đến hành vi trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Trong giai đoạn đầu kiến nghị khởi tố, có 56 vụ bị cơ quan điều tra trả lại hồ sơ, không thụ lý giải quyết với lý do sau khi mời đơn vị sử dụng lao động lên làm việc thì họ có cam kết khắc phục tình trạng nợ đọng và trả nợ theo lộ trình.
Đối với số vụ còn lại, kết quả xử lý của cơ quan điều tra là 118 vụ đang trong thời hạn giải quyết, 10 vụ bị tạm đình chỉ giải quyết, 186 vụ không khởi tố vụ án, 12 vụ đã khởi tố vụ án (gồm 10 vụ đang trong giai đoạn điều tra truy tố, 2 vụ bị tạm đình chỉ). Đối với số vụ quyết định không khởi tố vụ án thì lý do là cơ quan điều tra xác định hành vi vi phạm chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định.
Đến nay mới chỉ có 6 vụ được xét xử xong, có bản án, quyết định của tòa án và đã có hiệu lực pháp luật. Số tiền cơ quan BHXH thu hồi được từ thi hành án là hơn 1,9 tỷ đồng trong tổng số 2,2 tỷ đồng theo tòa phán quyết.
Cần những giải pháp mạnh
Tại buổi thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện chế độ chính sách BHXH của Ủy ban Xã hội Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay kết quả xử lý doanh nghiệp nợ BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự còn hạn chế là do vẫn còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đặc biệt là thiếu căn cứ pháp lý để xác định hành vi.
Chẳng hạn, Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định một trong những dấu hiệu bắt buộc để xử lý hình sự đơn vị sử dụng lao động trốn đóng BHXH là "đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp mà còn vi phạm" nhưng hầu hết các trường hợp đề nghị khởi tố đã bị cơ quan BHXH ra quyết định xử phạt hành chính là đối với hành vi "Chậm đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp" nên cơ quan điều tra không thể khởi tố.
Hay như việc xác định hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc thủ đoạn khác để không đóng, không đóng đầy đủ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động cũng khiến BHXH các tỉnh, thành phố lúng túng do chưa có hướng dẫn cụ thể. Khi bị điều tra, khởi tố, doanh nghiệp nợ đều cho rằng họ không dùng thủ đoạn cũng không cố ý không đóng mà do gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Thêm vào đó, việc thu thập hồ sơ, tài liệu xác định tội danh hình sự về trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do các đơn vị, doanh nghiệp không phối hợp, không cung cấp...
Trước tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề xuất, cần có giải pháp xử lý phù hợp đối với các doanh nghiệp phá sản không có khả năng thu hồi nợ BHXH. Đối với tình trạng doanh nghiệp đã chây ì, dẫn đến khó khắc phục nợ, cần phân loại ra và giao cho ngành BHXH cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Xã hội trình Quốc hội để xin ý kiến xử lý.
“Chúng ta tính toán khoản nợ không có khả năng thu hồi khoảng trên 2.000 tỷ và lãi khoảng 900 tỷ. Theo tôi cần sử dụng kết dư các quỹ để giải quyết vấn đề này để đảm bảo quyền lợi người lao động”, ông Dung kiến nghị.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định nếu tiếp tục duy trì cách xử lý hành vi chậm đóng, nợ đóng BHXH như hiện nay thì không bao giờ xử lý tận gốc được. Do vậy, Bộ trưởng đề nghị khi sửa đổi Luật BHXH, ngoài chú trọng điều chỉnh các hành vi mua bán sổ BHXH, rút BHXH 1 lần, cần quan tâm đến các quy định xử lý hành vi trốn đóng, nợ đóng BHXH của người sử dụng lao động.