Báo cáo Cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam do Liên chi hội Khách sạn Việt Nam công bố mới đây cho biết, hiện nay lao động của các cơ sở lưu trú du lịch có biến động, số lượng và chất lượng đều giảm sút. Tính đến hết năm 2019, số lượng lao động trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch khoảng 400.000 người. Chất lượng phục vụ khách tại các cơ sở lưu trú du lịch từ 3 sao trở lên tương đối tốt, cơ bản đáp ứng yêu cầu của khách du lịch quốc tế và nội địa.
Tuy nhiên, do tác động của dịch COVID-19, giai đoạn năm 2020-2021 có nhiều lao động phải tạm nghỉ vì khách sạn đóng cửa hoặc phải làm việc luân phiên do công suất phòng quá thấp. Lao động đã dừng hợp đồng lao động với cơ sở lưu trú du lịch và tìm việc khác chiếm tới 40-50% trong tổng số nhân lực trong hệ thống.
Từ đầu năm đến nay, khi cơ sở lưu trú du lịch hoạt động trở lại, đặc biệt là khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch (tháng 3/2022), nhiều lao động tại các khách sạn đã nghỉ việc trong năm 2020 và 2021 không quay trở lại làm việc, dẫn đến thiếu hụt lao động.
Tỷ lệ lao động tại các cơ sở lưu trú du lịch rất thấp. Cụ thể, hạng 1, 2 sao bình quân đạt 0,3 lao động/1 buồng; hạng 3 sao bình quân đạt 0,5 lao động/phòng; hạng 4 sao bình quân đạt 0,8 lao động/phòng; hạng 5 sao bình quân đạt 1 lao động/buồng. Đặc biệt, ngành khách sạn vẫn thiếu nhân lực ở các vị trí giám sát, quản lý cấp trung và cấp cao.
Đối với chất lượng lao động cũng giảm sút do cơ sở lưu trú du lịch phải tuyển dụng bổ sung nhân lực mới nên còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng phục vụ. Tỷ lệ nhân lực được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Thách thức của các cơ sở lưu trú du lịch chính là tuyển lao động có kinh nghiệm, chuyên môn tốt. Hầu hết phải tuyển gấp nhân sự tại địa phương chưa qua đào tạo, sau đó vừa đào tạo vừa phục vụ khách nên còn nhiều lúng túng. Một số nơi sử dụng sinh viên bán thời gian nhưng bị hạn chế thời gian đi làm.
Hơn hết, thực trạng này dẫn tới những rào cản về kinh nghiệm, trình độ và nhận thức của chủ đầu tư. Thực tế, có những người thành công ở lĩnh vực khác chuyển sang đầu tư khách sạn. Họ can thiệp sâu vào công tác điều hành trong khi thiếu kiến thức quản lý, chưa có định hướng phù hợp.Báo cáo cũng cho biết đến nay vẫn còn khoảng 30-40% cơ sở lưu trú du lịch chưa mở cửa hoặc dịch vụ tại nhiều đơn vị vẫn chưa hoạt động trở lại. Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhiều cơ sở lưu trú du lịch (đặc biệt là các cơ sở từ 2 sao trở xuống) bị xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân là do không có điều kiện để đầu tư, duy tu bảo dưỡng.
Theo thống kế, đến hết tháng 10/2022, lượng khách du lịch nội địa đã đạt 91,8 triệu lượt (vượt lượng khách du lịch nội địa cả năm 2019 là 8%), lượng khách quốc tế đạt 2,35 triệu lượt (chỉ đạt 13% so với cả năm 2019).
Ngoài ra, công suất phòng bình quân năm 2022 ước đạt 35%. Giá phòng bình quân năm 2022 giảm 30 - 40% so với năm 2019. Tổng thu đến hết tháng 10/2022 của cơ sở lưu trú du lịch toàn ngành ước đạt 425 nghìn tỷ đồng (đạt 60% so với tổng thu cả năm 2019).