Trong tổng số gần 4,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 5 tháng đầu năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt hơn 4 triệu lượt người, chiếm 88% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 12,6 lần cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt 503,2 nghìn lượt người, chiếm 10,9% và gấp 11,3 lần; bằng đường biển đạt 50,9 nghìn lượt người, chiếm 1,1% và gấp 535,5 lần.
Xét theo quốc gia và vùng lãnh thổ, lượng khách du lịch đến từ châu Á cao nhất với hơn 3,4 triệu lượt khách, tăng 14,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái; tiếp sau là châu Âu là hơn 621 nghìn lượt khách, gấp 9,5 lần; châu Mỹ là 396 nghìn lượt, gấp 8 lần; châu Úc với hơn 172 lượt người, gấp 9,7 lần và châu Phi là hơn 10,5 nghìn lượt, gấp 6,6 lần.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Với việc các đường bay giữa hai nước mở lại hoàn toàn, thuận lợi, khách đến từ Hàn Quốc vẫn duy trì đà tăng và Hàn Quốc vẫn là thị trường gửi khách hàng đầu tới Việt Nam với 247.538 lượt khách. Tính chung 5 tháng đầu năm, Việt Nam đón 1.317.833 lượt khách Hàn Quốc.
Đáng chú ý, tín hiệu tích cực đến từ thị trường Trung Quốc sau khi nước này mở lại tour du lịch theo đoàn đến Việt Nam từ ngày 15/3, giúp thị trường này đạt hơn 146.755 lượt trong tháng 5, tăng 34,8% so với tháng 4. Theo đó, thị trường gửi khách từ Trung Quốc đã vươn lên ở vị trí thứ hai với 398.891 lượt khách trong 5 tháng đầu năm.
Đứng thứ 3 là thị trường Mỹ với 307.007 lượt khách đến Việt Nam.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, doanh thu du lịch lữ hành 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 11,6 nghìn tỷ đồng, tăng 89,4% so với cùng kỳ năm trước do trong tháng có nhiều ngày nghỉ lễ.
Doanh thu 5 tháng đầu năm 2023 của một số địa phương so với cùng kỳ năm trước như sau: Đà Nẵng gấp 3,5 lần; Hải Phòng gấp 3,2 lần; Hà Nội gấp 3 lần; Bình Thuận tăng 75,2%; Khánh Hòa tăng 71,5%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 43,5%; Cần Thơ tăng 32,6%; Quảng Ninh tăng 28,6%; Lâm Đồng tăng 18,7%.
Sẽ vượt mục tiêu 8 triệu lượt khách trong năm 2023
Cuối tuần trước, ngày 27/5, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Dự thảo luật cũng bổ sung nhiều quy định để tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam. Cụ thể, bổ sung quy định để nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần.
Sửa đổi, bổ sung quy định mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ trên cơ sở đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phù hợp với chính sách đối ngoại và phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của Luật.
Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nhất trí với quy định thị thực điện tử (ký hiệu EV) có giá trị nhiều lần thay vì chỉ có giá trị một lần như trước đây; nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng.
"Các quy định mới sẽ mang lại sự ưu ái đặc biệt cho khách nước ngoài và thuận lợi trong việc thực hiện trình tự, thủ tục của cơ quan quản lý, tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, làm ăn tại Việt Nam, góp phần phục hồi, phát triển ngành du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung…", Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhìn nhận.
Còn theo ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch cho biết, trong năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế, đến nay, cả nước đã đón được gần 4,6 triệu lượt. Như vậy, trong 7 tháng còn lại của năm nay, cả nước hoàn toàn có thể đạt và vượt mục tiêu đã đề ra.
Không chỉ vậy, nếu mở rộng các nước được cấp thị thực điện tử và kéo dài thời gian lưu trú cho du khách khi lưu trú tại Việt Nam thì sẽ là cơ hội tuyệt vời cho các nhà kinh doanh du lịch phát triển du lịch một cách bền vững không chỉ ở giai đoạn phục hồi mà còn lâu dài về sau. Đây là mong muốn của các doanh nghiệp du lịch nói riêng và ngành du lịch Việt Nam nói chung.
"Nếu được Quốc hội thông qua ngay trong kỳ họp này sẽ là cơ hội vàng để thu hút khách du lịch quốc tế, tăng khả năng cạnh tranh của điểm đến Việt Nam so với các nước trong khu vực. Tôi tin chắc con số 8 triệu lượt khách quốc tế sẽ đạt được và thậm chí là vượt", ông Thủy nhấn mạnh.