Tôm cũng là mặt hàng có kim ngạch cao nhất trong số các sản phẩm thủy sản xuất khẩu và chiếm tỷ trọng 40%/ tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Để đạt được 4,4 tỷ USD, xuất khẩu tôm sẽ phải mang về thêm 600 triệu USD trong 2 tháng còn lại trong năm nay, và thông thường các tháng cuối năm cũng là thời điểm các doanh nghiệp xuất khẩu tôm tăng tốc giao hàng các hợp đồng đã ký, nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong các dịp lễ, tết ở các nước, trong khi bình quân xuất khẩu tôm đạt 380 triệu USD/tháng.
Như vậy, dự kiến xuất khẩu tôm sẽ sớm đạt 4,4 tỷ USD.
Biến thách thức thành cơ hội
2022 là năm có nhiều biến động và khó khăn đối với ngành xuất nhập khẩu, trong đó có ngành thuỷ sản, nhưng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp thủy sản, biến thách thức thành cơ hội và tận dụng lợi thế của các hiệp định FTA cũng như nhu cầu của thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hết hết tháng 10, xuất khẩu thuỷ sản đã mang về 9,5 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt gần 3,8 tỷ USD, tăng 19%. Dự kiến năm nay xuất khẩu tôm sẽ đạt trên 4,4 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2021, đến năm 2025 sẽ đạt 6 tỷ USD.
Bà Lê Hằng – Phó giám đốc Trung tâm VASEP.PRO cho biết, năm 2022 VASEP dự kiến xuất khẩu tôm đạt trên 4,4 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2021. Sản phẩm tôm xuất khẩu chính là tôm chân trắng, chiếm 75% với khoảng trên 3,2 tỷ USD, tôm sú chiếm khoảng 13% với gần 1,5 tỷ USD.
Theo VASEP, tính từ đầu năm đến 15/10, top 5 thị trường xuất khẩu tôm chính gồm:
Khối thị trường CPTPP đạt gần 1 tỷ USD, tăng 35,7% và chiếm tỷ lệ 28,1%.
Thị trường Mỹ đứng thứ hai đạt 700,551 triệu USD, giảm 15,2%, chiếm tỷ lệ 19,7%.
Thứ ba là thị trường EU với kim ngạch đạt 594,286 triệu USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ và chiếm tỷ lệ 16,7%.
Thứ tư là thị trường Trung Quốc với kim ngạch đạt 513,908 triệu USD, tăng 61,4% so với cùng kỳ và chiếm tỷ lệ 14,4%.
Thứ năm là Hàn Quốc với kim ngạch đạt 382,439 triệu USD, tăng 37,6% so với cùng kỳ, chiếm tỷ lệ 10,7%.
Nếu xét các thị trường riêng khối CPTPP thì Nhật Bản là thị trường có kim ngạch xuất khẩu tôm lớn nhất với 538,661 triệu USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ và chiếm tỷ lệ 15,1%. Thị trường lớn thứ hai trong khối là Úc, với kim ngạch xuất khẩu đạt 213,82 triệu USD, tăng 62,3%, chiếm tỷ lệ 6%. Thị trường lớn thứ ba trong khối là Canada với giá trị xuất khẩu đạt 200,622 triệu USD, tăng 50,4% và chiếm tỷ lệ 5,6%.
Xuất khẩu tôm sang Úc tăng trưởng tốt nhất
Bà Phùng Thị Kim Thu - Chuyên gia thị trường ngành hàng tôm Trung tâm VASEP.PRO cho biết, tính tới 15/10/2022, xuất khẩu tôm sang Úc đạt gần 214 triệu USD, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong top các thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam.
Úc là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ hai của Việt Nam trong khối thị trường CPTPP, chiếm 21% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam sang khối thị trường này. Úc cũng là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 5 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 6%.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Úc trong 9 tháng đầu năm nay liên tục tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, thị trường Úc rất ưa chuộng các sản phẩm tôm chế biến, tôm chế biến chiếm 40% trong cơ cấu các sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
Các sản phẩm tôm chính của Việt Nam hiện đang được xuất khẩu nhiều sang Úc gồm: Tôm chân trắng luộc, bỏ đầu, bỏ đuôi đông lạnh; tôm chân trắng bỏ đầu bỏ đuôi PD tươi đông lạnh, tôm chân trắng bỏ đầu còn đuôi PDTO tươi đông lạnh, tôm chân trắng PD IQF đông lạnh…
Vừa qua, Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Úc có thông báo bổ sung tôm tẩm bột/ breaded, battered, or crumbed (BBC) và tôm siêu chế biến chưa được làm chín/ highly processed (HP) vào danh sách các mặt hàng được hưởng ưu đãi theo Chương trình can thiệp ưu đãi (CBIS) - Cơ chế dành ưu đãi cho hàng hóa là thực vật nhập khẩu vào Úc được hưởng tỷ lệ kiểm tra an toàn sinh học ít hơn. Quy định nới lỏng này của Úc kỳ vọng sẽ giúp cho xuất khẩu tôm chế biến từ Việt Nam sang thị trường này từ nay đến cuối năm tăng trưởng tốt hơn.
Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), nhập khẩu tôm của Úc trong 7 tháng đầu năm nay ghi nhận tăng trưởng tốt với giá trị nhập khẩu đạt gần 234 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu tôm vào Úc từ Việt Nam ghi nhận tăng trưởng tốt nhất 51%.
Úc xu hướng giảm nhập khẩu tôm từ Thái Lan, Trung Quốc - các đối thủ cạnh tranh chính của tôm Việt Nam trên thị trường này. Sản xuất tôm Trung Quốc gặp khó khăn, sản lượng giảm lại thêm chính sách zero COVID của chính phủ nước này nên hoạt động xuất khẩu tôm của Trung Quốc sang Úc ghi nhận giảm.
“Úc nhập nhiều các sản phẩm tôm chế biến sâu trong khi trình độ chế biến của Thái Lan chưa cao bằng Việt Nam, trong khi Úc lại là thị trường khó tính và có quy định khắt khe về các điều kiện hàng hóa nhập khẩu nhằm bảo vệ các quy định về an toàn thực phẩm tại nước này. Vì vậy, để có thể phát triển tốt tại thị trường Úc các doanh nghiệp tôm phải chủ động nâng cao quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm xuất khẩu sang đây”, Chuyên gia thị trường ngành hàng tôm Trung tâm VASEP.PRO nói.
Mặc dù lạm phát tại Úc tăng cao nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của chính phủ và kinh tế Úc dự báo vẫn có thể tránh được suy thoái trong năm nay. Cùng với trợ lực từ các Hiệp định RCEP, CPTPP mà Việt Nam và Úc có tham gia, Úc được coi là thị trường rất tiềm năng của tôm Việt Nam trong thời gian tới.