Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 3, xuất khẩu gạo đạt 900.000 tấn, tương đương 480 triệu USD, tăng 70% về lượng và tăng 82% về giá trị so với tháng 3/2022.
Lũy kế quý 1/2023, xuất khẩu gạo đạt 1,7 triệu tấn, tương đương 952 triệu USD, tăng 19% về lượng và tăng 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong 12 năm trở lại đây
Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), sản lượng lúa vụ Đông Xuân 2022 - 2023 ước đạt khoảng 9,1 triệu tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2022; năng suất lúa ước đạt 67,1 tạ/ha, tăng 1,1 tạ/ha. Với kết quả trên cho thấy đây là vụ lúa vừa được mùa vừa được giá.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, hiện các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam như Philippines, Trung Quốc và châu Phi vẫn có nhu cầu mua gạo lớn từ Việt Nam nên giá lúa, gạo xuất khẩu diễn biến khá đồng điệu với thương mại gạo thế giới.
Hiện giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm thường của Việt Nam được chào 468 USD/tấn (tăng 10 USD/tấn so với tuần trước), Thái Lan giá 480 USD/tấn, Ấn Độ giá 432 USD/tấn và Pakistan là 458 USD/tấn.
Gạo loại 25% tấm của Việt Nam đứng ở mức 448 USD/tấn, Thái Lan giá 456 USD/tấn, Ấn Độ giá 417 USD/tấn và Pakistan giá 433 USD/tấn.
Đáng chú ý, trong số các thị trường, xuất khẩu gạo sang Indonesia ghi nhận tăng trưởng đột biến trong hai tháng đầu năm 2023.
Cụ thể, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 2/2023, xuất khẩu gạo sang Indonesia đạt 57.861 tấn, trị giá 26,37 triệu USD, tăng 135,72 lần về lượng và tăng 119,34 lần về giá trị so với tháng 2/2022.
Cộng dồn 2 tháng đầu năm đạt 143.786 tấn, với kim ngạch 67,30 triệu USD, tăng 338,32 lần về lượng và tăng 304,55 lần về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái tăng. Tuy nhiên, bình quân giá gạo xuất khẩu sang Indonesia đạt 468 USD/tấn đã giảm 10%.
Đại diện Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nhận định, trước những khó khăn và thách thức về thị trường xuất khẩu ngành nông nghiệp phải đối mặt trong năm 2023 thì những kết quả đạt được trong quý 1/2023 là tương đối khả quan.
Trong đó, lúa gạo và rau quả là hai nhóm ngành hàng có kết quả sản xuất, xuất khẩu tốt nhất trong quý. Đây cũng là quý mặt hàng gạo có khối lượng và kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong 12 năm trở lại đây.
Nhu cầu thị trường tốt đẩy giá gạo xuất khẩu luôn duy trì ở mức cao
Theo Agromonitor Viettraders, sau 3 tháng đầu năm khá im ắng thì nay có nhiều thương nhân quốc tế bắt đầu hỏi mua lai rai gạo thành phẩm OM18 vụ Xuân Đông 2022 – 2023 để giao hàng đi châu Phi. Mặt khác, khách hàng Philippines hỏi mua nhiều gạo OM18, trong khi sức mua gạo ST từ Trung Quốc đang chậm lại.
“Nhu cầu thị trường tốt là yếu tố đẩy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn duy trì ở mức cao và trong tháng 3/2023 hầu hết các loại gạo đều có xu hướng tăng với mức tăng từ 15 – 20 USD/tấn”, đại diện Agrimonitor Viettraders nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch VFA, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Intimex Group cho biết, nhu cầu nhập khẩu gạo của thị trường Trung Quốc vẫn đang tốt và đang tạo điều kiện để thương nhân tăng nhập khẩu gạo nếp và gạo ST. Dù vậy, phía Trung Quốc vẫn không tăng cấp giấy phép nên số lượng doanh nghiệp được cấp giấy phép xuất khẩu gạo sang thị trường này vẫn chỉ có 22 đơn vị.
Theo ông Phó chủ tịch VFA, mặc dù Trung Quốc đang có nhu cầu cao đối với gạo ST của Việt Nam nhưng các thương nhân Trung Quốc đang ép giá gạo ST, trước thực trạng này nếu các doanh nghiệp Việt Nam đồng lòng không bán ra thì giá gạo ST sẽ tăng lên, vì thật ra lượng gạo ST trong nước không nhiều chỉ đủ bán nội địa, sẽ không đủ cung ứng cho thị trường Trung Quốc.
"2023 được dự báo tiếp tục là năm thắng lợi nữa của ngành gạo, có thể giá gạo xuất khẩu năm nay sẽ tăng 10% nhưng lượng gạo chắc chắn sẽ giảm so với năm trước và đạt tối đa khoảng 6,5 triệu tấn.
Lượng gạo xuất khẩu giảm vì nông dân giảm diện tích lúa vụ ba do điều kiện sản xuất không phù hợp với cây lúa, mặt khác có một số diện tích đất lúa đang chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn”, Phó chủ tịch VFA nói.