Đến thời điểm hiện tại, dù thừa nhận quyết định mua căn nhà đầu tiên của 8 năm trước đầy mạo hiểm nhưng vợ chồng chị N.M (Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng: “Không có bước đệm đó, chắc không có ngày hôm nay”.
Hai vợ chồng chị N.M cùng quê Nam Định và kết hôn năm 2013. Đến năm 2014, vợ chồng chị sinh con đầu lòng. Nghĩ cảnh phải ở trọ trong căn nhà 18m2 tại Phú Đô, Mỹ Đình, Hà Nội, năm 2015, biết đến gói vay 30.000 tỷ, vợ chồng chị quyết định mua nhà. Gom toàn bộ tiền tiết kiệm cả nhà đủ 30 triệu đồng, chị N.M và chồng đi cọc tiền mua căn hộ.
Theo quy định phía sàn môi, 30 triệu mới đủ tiền cọc. Để ngân hàng giải ngân 70% giá trị căn nhà, vợ chồng chị phải vay mượn 30% còn lại. Căn nhà trên hợp đồng mua bán trị giá 1,02 tỷ đồng, vợ chồng chị N.M vay mượn người thân, họ hàng thêm 300 triệu đồng.
“Tôi chỉ nhớ năm 2016 về nhà mới, hai vợ chồng không có tiền làm nội thất, kê đúng cái bàn và bếp ga từ nhà trọ mang sang. Đó thời điểm ăn đong từng bữa, rất chật vật”, chị N.M kể.
(Ảnh minh hoạ)
May mắn, từ năm 2017, công việc trong lĩnh vực thang máy của chồng chị N.M phát triển tốt. Thu nhập gia tăng đột biến và liên tục. “Chúng tôi cuối cùng trả được hết nợ 300 triệu đồng từ người thân. Sau đó, đến khoảng cuối năm 2017 dư ra 40 triệu đồng, vợ chồng tôi lắp đặt nội thất cơ bản. Đến năm 2018, vợ chồng tôi tiết kiệm khoản tiền nhỏ vài trăm triệu và mua lô đất nhỏ ở Sóc Sơn. Đến năm 2019, tôi bán lô đất này và lãi gấp đôi và trả được gần hết tiền lãi ngân hàng. Đến cuối năm 2019, tôi mua thêm 2 lô đất nhỏ ở Hà Đông. Năm 2021, tôi bán một lô lãi 50%. Lần nào mua đất, chúng tôi đều phải vay ngân hàng”.
Đến cuối năm 2022, vợ chồng chị N.M tính toán khoản tiền tích luỹ từ công việc chính và tiền bán đất và mảnh đất hiện đang có đã dư được vài tỷ đồng. Nếu tính cả giá trị căn nhà tôi đang ở tổng tài sản hai vợ chồng lên gần 5 tỷ đồng.
“Tôi nghĩ gia đình mình khá may mắn. Nhưng điều quan trọng nhất, theo tôi, đừng bao giờ đợi đủ tiền mới mua bất động sản. Với căn nhà đầu tiên thì hãy liều. Với những bất động sản sau đó, hãy cố gắng và cân đối thu chi”.
Câu chuyện của anh Đức Anh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng tương tự. Năm 2017, vợ chồng anh Đức Anh cầm 250 triệu đồng mua căn chung cư trị giá 980 triệu đồng. Đến năm 2020, anh Đức Anh bán chung cư với giá 1,3 tỷ đồng. Sau khi tất toán toàn bộ tiền ngân hàng, vợ chồng anh dư chưa tròn 1 tỷ đồng.
Nghĩ mua nhà đất có lời, anh Đức Anh và vợ quyết định mua căn nhà đất trong ngõ tại Dương Nội (Hà Đông) với giá 2,1 tỷ đồng. Khoản vay nợ lên tới 1,1 tỷ đồng. Đến cuối năm 2022, do nhu cầu chuyển nhà gần với nơi con học tập, anh Đức Anh bán căn nhà đất với giá 2,8 tỷ đồng. Trừ các khoản nợ, tổng tài sản của vợ chồng anh có tới 2,05 tỷ đồng. Đến đầu năm 2023, anh và vợ quyết định mua căn nhà đất ở Nam Từ Liêm với giá 3 tỷ đồng.
Anh Đức Anh tiết lộ, tổng thu nhập của vợ chồng anh chỉ khoảng 20 triệu đồng/tháng. Nếu có nhận thêm việc ngoài, thu nhập chỉ tăng đột biến thêm 30-40 triệu đồng/tháng.
“Mỗi lần mua nhà vay ngân hàng đều đau đầu nhưng mức lương của hai vợ chồng thực tế tăng không bằng giá nhà đất tăng. Đơn cử như căn nhà đầu tiên, nếu cứ đợi đủ tiền, thu nhập 20 triệu đồng/tháng, chúng tôi không chi tiêu ăn uống cũng mất tới 5 năm mới mua được. Nhưng từ năm 2017, vì liều mua nên chúng tôi được ở trong căn chung cư rộng rãi 2 phòng ngủ. Gần 4 năm sau, chúng tôi bán lãi được khoảng hơn 300 triệu đồng, tức tương đương với hơn 1 năm tổng thu nhập.
Hay như căn nhà thứ hai, chỉ sau 2 năm, vợ chồng tôi bán lời 700 triệu đồng. Tiền tăng nhà đất chắc chắn hơn tiền tăng của thu nhập. Đổ tiền vào ngân hàng mua nhà về bản chất cũng là dạng đầu tư và tích luỹ”.
Theo những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, sử dụng đòn bẩy tài chính để mua bất động sản là cách để gia tăng tài sản nhanh chóng. Mặc dù vậy, bài toán mua bất động sản và vay ngân hàng cần dựa trên thu nhập của gia đình. Ông Vũ Trường Thắng, Tổng giám đốc Winhousing cho biết mua nhà có thể vay 50% giá trị căn hộ. Tuy nhiên khoản gốc lãi phải trả không nên quá 50% tổng thu nhập.