Là giống cây bản địa Đông Nam Á, sầu riêng thích hợp với khí hậu nhiệt đới, nhiều nắng và độ ẩm cao. Do đó, Trung Quốc được cho là không thích hợp để canh tác loại cây này và phải nhập khẩu sầu riêng từ nước ngoài.
Người tiêu dùng Trung Quốc đam mê loại quả được mệnh danh là “vua của các loại trái cây” chỉ có lựa chọn duy nhất: mua sầu riêng nhập khẩu với giá hơn 7 USD/múi tại các siêu thị nước này.
Do giá thành thu mua cao, nông dân nhiều quốc gia Đông Nam Á không ngừng mở rộng diện tích vùng trồng, thậm chí phá rừng để trồng sầu riêng như ở Malaysia, để phục vụ nhu cầu thưởng thức của đất nước đông dân nhất thế giới.
Nhập khẩu sầu riêng chững lại
Theo Nikkei Asia, không ai biết được khi nào “cơn sốt sầu riêng” ở Trung Quốc sẽ hạ nhiệt. Nếu Trung Quốc ngừng nhập khẩu, nông dân ở các nước đang theo đuổi xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề.
Theo Hải quan Trung Quốc, năm 2021, 821 nghìn tấn sầu riêng tươi trị giá 4,2 tỷ USD được Trung Quốc nhập khẩu, tăng 42,7% so với năm 2020.
Tuy nhiên, sang năm 2022, lượng sầu riêng tươi nhập khẩu vào Trung Quốc chỉ đạt 825 nghìn tấn, hầu như không tăng so với cùng kỳ năm trước, báo động nhu cầu nhập khẩu có thể bắt đầu đi xuống.
Nguyên nhân giảm nhập khẩu sầu riêng không rõ có phải do kinh tế suy yếu ảnh hưởng tới sức mua của người Trung Quốc. Nhưng rõ ràng câu chuyện “Trung Quốc không thể trồng được sầu riêng” giờ đây không còn đúng nữa.
Trung Quốc mở rộng diện tích trồng sầu riêng
Nỗ lực trồng sầu riêng tại Trung Quốc đã bắt đầu từ những năm 1950, nhưng không thành công do kỹ thuật gieo trồng kém.
Mọi sự thay đổi vào năm 2019, khi hơn 40 cây sầu riêng tại tỉnh đảo Hải Nam “bỗng dưng” ra trái sau 4 năm trồng làm cảnh.
Đến nay, ông Du Baizhong, tổng giám đốc công ty Hainan Youqi Agricultural cho biết các cây sầu riêng doanh nghiệp trồng đều phát triển tốt, với hơn 100 cây đã cho thu hoạch.
Tương tự, ông Gan Hanjiang của Huasheng Ecological Agriculture Base cũng cho biết sầu riêng của họ cho trái đều đặn, năm sau nhiều hơn năm trước, quả lớn nhất nặng khoảng 5 kg.
Từ những cây sầu riêng đầu tiên, hiện Hải Nam có hơn 2.000 ha trồng sầu riêng, dự kiến sẽ đạt sản lượng từ 45-75 nghìn tấn từ năm 2024, theo báo cáo của Hainan Satellite TV. Con số này còn nhiều hơn lượng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc năm 2022 (41 nghìn tấn), theo số liệu Hải quan.
Sầu riêng trồng ở tỉnh Hải Nam dự kiến xuất ra thị trường từ năm 45 – 75 nghìn tấn mỗi năm. Ảnh: tropicalhainan
Sau tỉnh Hải Nam, Quảng Đông là tỉnh thứ hai của Trung Quốc thành công trong việc trồng thử giống cây trứ danh xứ nhiệt đới.
Các cây sầu riêng non ở một vùng trồng thử nghiệm quy mô 20 hecta ở phía nam tỉnh Quảng Đông cũng bắt đầu ra hoa. Tại đây, giống sầu riêng Musang King và Black Thorn được bắt đầu trồng từ năm 2018.
Vùng trồng này hiện có khoảng 200 nghìn cây sầu riêng non, một số cây cho thu hoạch sớm vào tháng 10 năm ngoái. Đại diện của vùng trồng này cho biết hy vọng có thể mở rộng hơn trong tương lai.
Vị thế xuất khẩu của Thái Lan và Việt Nam bị đe dọa
Trong các nước xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, Malaysia có vẻ tự tin hơn cả. Nước này có giống sầu riêng Musang King - được cho là chỉ có thể trồng tại Malaysia.
Bên cạnh giá trị thương hiệu, Malaysia cũng không cần cạnh tranh về sầu riêng tươi, vì nước này mới chỉ xuất sang Trung Quốc sầu riêng đông lạnh. Sản phẩm cơm sầu riêng được ưa chuộng đem ra chế biến nhiều món ăn như lẩu hay bánh crepe với nhu cầu không ngừng tăng.
Các loại bánh có thành phần là sầu riêng đã phổ biến trong thực đơn tại các nhà hàng hạng sang ở Trung Quốc. Lớp kem bên trong lẫn bên ngoài đều có sầu riêng. Ảnh: Nikkei Asia
Tuy nhiên, hai nước Thái Lan và Việt Nam chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi sầu riêng Trung Quốc tự trồng đạt sản lượng ngày càng lớn, vì không có được lợi thế về giống đặc sản như Malaysia.
Sau những thử nghiệm thành công tại Trung Quốc, cần khoảng 7 năm để một lượt cây sầu riêng ra trái ổn định. Diện tích trồng sầu riêng tại Trung Quốc có thể được mở rộng nếu đợt trồng này thành công. Việc cạnh tranh với sầu riêng xuất khẩu từ Thái Lan, Việt Nam là hoàn toàn có thể, đặc biệt với lợi thế công nghệ canh tác hiện đại, chi phí và thời gian vận chuyển tối ưu.
“Sầu riêng ngon nhất là ăn khi tươi”, Steel Zhao, giám đốc tiếp thị du lịch Trung Quốc của Malaysia từng nhận xét. Người tiêu dùng sành sỏi Trung Quốc chắc hẳn sẽ lựa chọn hàng nội địa khi mà sầu riêng địa phương tươi ngon hơn nhờ không cần nhiều thời gian vận chuyển.
Tại Việt Nam, từ khi trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, diện tích trồng sầu riêng đã liên tục được mở rộng, lên tới khoảng 80.000 ha, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp. Trong khi quy hoạch vùng trồng sầu riêng đến năm 2030 chỉ vào khoảng 65.000 - 75.000 ha.