Vượt trung bình ngành
Tính đến cuối quý III/2024, tổng dư nợ tín dụng (bao gồm cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp) của TPBank đạt 247.650 tỷ đồng, tăng 14% so với hồi đầu năm, vượt xa mức tăng trưởng trung bình ngành (8,53%).
Động lực chính của điều này đến từ nhu cầu vay mua ô tô và bất động sản, bất chấp thị trường bán lẻ còn nhiều thách thức.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), tăng trưởng tín dụng của TPBank sẽ tiếp tục tích cực nhờ việc tập trung vào nhóm khách hàng khá giả, với hai sản phẩm chủ chốt là cho vay mua xe và mua nhà.
Tháng 8/2024, Chính phủ phê duyệt giảm 50% lệ phí đăng ký đối với ô tô lắp ráp trong nước. Chính sách hỗ trợ từ Chính phủ kỳ vọng thúc đẩy nhu cầu vay mua ô tô. Lịch sử cho thấy, chính sách tương tự vào nửa cuối năm 2020 và nửa đầu năm 2022 đã giúp doanh số bán xe phục hồi mạnh.
Ví dụ, doanh số nửa cuối năm 2020 tăng 76% so với nửa đầu năm, trong khi doanh số nửa đầu năm 2022 đã tăng tới 36% so với cùng kỳ. Dự báo, thị trường ô tô sẽ phục hồi mạnh trong nửa cuối năm 2024, tạo điều kiện cho TPBank đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.
Song song, mảng cho vay thế chấp bất động sản được kỳ vọng khởi sắc nhờ các quy định pháp luật mới như Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 và Luật Nhà ở 2023.
Những luật này tập trung vào việc thiết lập cơ chế định giá đất dựa trên thị trường, điều này sẽ giúp đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và thu phí sử dụng đất, thúc đẩy sự phát triển nhanh hơn của các dự án bất động sản. Dữ liệu về cung, cầu và tỷ lệ hấp thụ đang cho thấy các tín hiệu phục hồi tích cực, đặc biệt là ở phía Bắc.
Luật Các Tổ chức Tín dụng 2024 cũng sẽ cho phép các ngân hàng xử lý nợ xấu bằng cách chuyển nhượng một phần các dự án bất động sản để thu hồi nợ, cung cấp cho họ các tùy chọn giải quyết bổ sung và mở khóa dòng tiền. Thêm vào đó, TPBank cũng sẽ giới thiệu các gói vay thế chấp cạnh tranh với lãi suất thấp.
MBS dự báo tín dụng của TPBank sẽ tăng 16% trong năm 2025, với đà tăng trưởng mạnh mẽ từ cho vay bán lẻ nhờ nhu cầu tiêu dùng gia tăng và thu nhập cá nhân cải thiện.
Tận dụng chuyển đổi số
9 tháng đầu năm, mảng tín dụng tiếp tục đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính khi thu nhập lãi thuần tiếp tục đà tăng hai con số (10%), đạt 9.838 tỷ đồng.
Đồng thời, mảng dịch vụ cũng chứng minh vai trò ngày càng quan trọng khi đóng góp gần 2.455 tỷ đồng, tương đương chiếm tỷ trọng 19% tổng thu nhập của toàn hàng.
Tổng thu nhập hoạt động (TOI) của TPBank đạt 12.916 tỷ đồng sau 9 tháng, tăng trưởng 9,6% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí hoạt động lại được tiết giảm 7,6% giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng tới 21,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của TPBank được cải thiện rõ rệt từ 41,2% xuống còn 34,7% nhờ hoạt động hiệu quả đi kèm vận hành tiết kiệm nhờ số hóa toàn diện, quản lý chi phí chặt chẽ.
NIM của ngân hàng được kỳ vọng vẫn duy trì trong nửa cuối năm 2024, đạt 3,87% trong năm 2024 do TPBank vẫn tiếp tục duy trì lãi suất thấp để thu hút khách hàng. Ngoài ra, chi phí vốn được dự báo vẫn sẽ vẫn ở mức thấp được hỗ trợ bởi lợi thế CASA mạnh mẽ của TPBank.
Xếp thứ 7 trong ngành về tỷ lệ CASA, TPBank đã tận dụng chiến lược chuyển đổi số dẫn đầu để thu hút thành công nhóm khách hàng trẻ. NIM của ngân hàng được kỳ vọng sẽ phục hồi trong năm 2025 nhờ vào việc lợi suất tài sản cải thiện, mặt bằng lãi suất cao hơn và nhu cầu vay bán lẻ tăng sẽ mang lại lợi suất cho vay cao hơn. Trong khi đó, chi phí vốn được dự báo sẽ tăng chậm hơn do môi trường lãi suất thấp trong năm 2024.
Chất lượng tài sản của TPBank được kỳ vọng sẽ cải thiện nhẹ những tháng cuối năm nhờ nền kinh tế hồi phục và các hoạt động sản xuất kinh doanh cải thiện.