.jpg)
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15-16%
Về kế hoạch kinh doanh năm 2025, HĐQT VietinBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng từ 5 - 10%. Các chỉ tiêu về dư nợ tín dụng, lợi nhuận trước thuế, cổ tức và tỷ lệ an toàn hoạt động theo phê duyệt của NHNN hoặc các cơ quan có thẩm quyền. Nguồn vốn huy động dự kiến tăng trưởng phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo các chỉ số an toàn thanh khoản.
Ông Nguyễn Trần Mạnh Trung, Tổng Giám đốc ngân hàng cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước phân bổ hạn mức tín dụng cho VietinBank khoảng 15%, nếu nền kinh tế tăng trưởng tốt thì mức tăng trưởng có thể trên 16%.
Năm nay, ngân hàng đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8%, phấn đấu trong khoảng 1,2% - 1,5%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu khoảng 150 - 200%. Tỷ lệ CASA sẽ cố gắng duy trì mức 25%. ROE dự kiến đạt 16-18%, ROA trên 1%, CIR duy trì quanh 30%.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Ban lãnh đạo VietinBank cho biết sẽ tổ chức triển khai các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối, triển khai phương án cơ cấu lại theo định hướng, chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.
Đồng thời, tiếp tục tăng trưởng quy mô bền vững, quản trị hiệu quả cân đối vốn, tập trung nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng nguồn vốn đảm bảo an toàn thanh khoản, chú trọng tăng trưởng CASA và nguồn vốn có chi phí thấp.
Ngân hàng cũng tăng tỷ trọng thu ngoài lãi, đẩy mạnh công tác thu hồi nợ xử lý rủi ro và xử lý nợ xấu; nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, quản trị chi phí hiệu quả.
Nhận định tình hình năm 2025 sẽ khó khăn hơn rất nhiều, khi chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ và các biến động toàn cầu gia tăng, áp lực điều hành với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và cả hệ thống tổ chức tín dụng chắc chắn sẽ lớn hơn, ông Lê Thanh Tùng - Thành viên HĐQT cho biết, VietinBank sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của cơ quan điều hành để giữ vững mặt bằng lãi suất huy động và cho vay.
Về biên lãi ròng, lãnh đạo VietinBank cho biết, NIM hợp nhất quý IV/2024 của ngân hàng đạt mức 2,92%, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, NIM năm nay chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng do diễn biến phức tạp của thị trường, chi phí vốn tăng nhẹ trong khi ngân hàng vẫn phải hỗ trợ theo định hướng của Chính phủ.
Theo đó, để cải thiện NIM, ngân hàng sẽ kiểm soát chi phí vốn thông qua việc ứng dụng công nghệ, thu hút tệp khách hàng có tiềm năng cao, các dự án tăng hiệu suất sinh lời tài sản, tăng hiệu quả bán chéo, điều hành cân đối vốn hài hoà phù hợp và đặc biệt kiểm soát tốt chất lượng tài sản.
Lợi nhuận quý I tăng trưởng 6%
Cập nhật kết quả kinh doanh, lãnh đạo ngân hàng cho biết, kết thúc quý I/2025, tổng tài sản của VietinBank ước tăng 3,9% so với cuối năm 2024; Dư nợ tín dụng ước tăng 4,7%; nguồn vốn huy động thị trường 1 ước tăng 3,9% so với cuối năm 2024; Lợi nhuận trước thuế tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm 2024.
Về chất lượng tài sản, lãnh đạo ngân hàng cho biết, tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 31/2024/TT-NHNN được kiểm soát ở mức 1,3%.
“Hiện tại, nợ xấu, nợ tiềm ẩn có xu hướng tăng nhưng chúng tôi cũng kỳ vọng ở kịch bản lạc quan là các nền kinh tế lớn sẽ đạt được thoả thuận kinh tế thì sẽ không có sự tăng đột biến. Năm 2025, chúng tôi sẽ đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8% và cố gắng nỗ lực kiểm soát ở mức khoảng 1,2 - 1,3%”, lãnh đạo ngân hàng cho biết.
Cũng theo đại diện VietinBank, thu hồi nợ ngoại bảng là một trụ cột quan trọng tạo ra lợi nhuận hàng năm cho ngân hàng, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh lãi suất. Trong năm 2024, VietinBank đã thu hồi xử lý rủi ro khoảng 8.000 tỷ đồng và kỳ vọng năm nay đạt khoảng 10.000-15.000 tỷ đồng.
Tiếp tục tăng vốn điều lệ
Cũng tại đại hội, HĐQT trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021, 2022 và giai đoạn 2009 – 2016.
Theo đó, VietinBank dự kiến phát hành tối đa gần 2,4 tỷ cổ phiếu, tương đương tỷ lệ phát hành là 44,64% (tỷ lệ cụ thể sẽ thực hiện theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) cho cổ đông hiện hữu. Vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến sẽ tăng từ mức 53.699 tỷ đồng hiện tại lên 77.670 tỷ đồng.
Đại hội đồng cổ đông sẽ uỷ quyền cho HĐQT quyết định thời điểm phát hành cụ thể sau khi được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết toàn bộ số vốn tăng thêm sẽ được dùng để phục vụ kinh doanh, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ và mở rộng hoạt động tín dụng, đầu tư, các hoạt động kinh doanh khác.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2024, ngân hàng cho biết, sau khi trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (10%, tương đương 2.400 tỷ đồng), trích quỹ dự phòng tài chính (10%, tương đương 2.400 tỷ đồng) quỹ đầu tư phát triển (2%, tương đương 480 tỷ đồng), quỹ khen hưởng, phúc lợi (3.123 tỷ đồng), thì lợi nhuận còn lại là 15.596 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến dùng toàn bộ số lợi nhuận này để chia cổ tức bằng cổ phiếu nếu được sự phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch VietinBank cho biết, vốn điều lệ của VietinBank hiện vẫn khá khiêm tốn so với nhu cầu tăng trưởng. Do đó để đảm bảo an toàn vốn và tăng trưởng, ngân hàng cần tăng vốn điều lệ.
“Hiện VietinBank chưa có mục tiêu dài hạn về chia cổ tức, trong trung hạn là 3 năm, chúng tôi hướng tới chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. Tuy nhiên, VietinBank không chủ động việc này được vì còn phụ thuộc vào ý kiến của các bộ ngành chủ quản”, ông Bình cho biết.
VietinBank cũng đã đề xuất các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương cho phép ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024 - 2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.