Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công điện số 13/CĐ-TTg ngày 8/2 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, báo cáo đầy đủ các dự án đầu tư có khó khăn, vướng mắc, tồn đọng kéo dài để kịp thời tháo gỡ, triển khai ngay các dự án.
Theo nội dung công điện, thời gian quan, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát các dự án có khó khăn vướng mắc, tồn đọng kéo dài, khẩn trương có giải pháp xử lý dứt điểm để triển khai ngay các dự án, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, không để lãng phí tài sản, tiền của nhà nước, doanh nghiệp, người dân và xã hội.
![dji-20241030160701-0013-d-9948-1736233400.jpg](https://tttctt.1cdn.vn/2025/02/10/dji-20241030160701-0013-d-9948-1736233400.jpg)
Để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các công việc cụ thể và thường xuyên, Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đã được thành lập theo Quyết định số 1568/QĐ-TTg ngày 12/12/2024 do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình làm trưởng ban.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đề nghị các đơn vị liên quan gửi báo cáo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20/1. Tuy nhiên, đến ngày 7/2, mới có 33 địa phương gửi báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Do đó, Thủ tướng phê bình và yêu cầu các bộ và 30 địa phương chưa gửi báo cáo kiểm điểm xác định rõ trách nhiệm cá nhân trước ngày 17/2. Đồng thời báo cáo kết quả rà soát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cho Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/2 để Bộ Tài chính tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
“Sau ngày 15/2, các bộ, cơ quan, địa phương chưa gửi báo cáo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án về Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ sẽ giao Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra để xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm theo quy định của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực Trung ương”, công điện nêu rõ.
Các bộ, địa phương chưa gửi báo cáo, gồm: Bộ Ngoại giao; Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp; Bộ Tài chính; Bộ Công Thương; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Ủy ban Dân tộc; Thanh tra Chính phủ. Các địa phương, gồm: Hà Nội, Cần Thơ, Tuyên Quang, Lào Cai, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Khánh Hòa, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Bình Phước, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu.