Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/6, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc lợi dụng sự khan hiếm nhà ở xã hội để bán kiếm tiền chênh lệch và giải pháp để chấn chỉnh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thừa nhận, thời gian qua một số dự án nhà ở xã hội ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Đăk Lăk... có hiện tượng trung gian, cò mồi lợi dụng khan hiếm để rao bán nhà nhằm trục lợi.
“Chúng tôi xác định hành vi này là một trong những hành vi chưa đúng các quy định pháp luật về nhà ở, đặc biệt là các chính sách nhà ở xã hội.”, Thứ trưởng Sinh đánh giá.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng
Trước tình hình như vậy, thời gian qua Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản yêu cầu các địa phương nơi xảy ra hiện tượng như trên có kiểm tra làm rõ các thông tin tiêu cực mà các cơ quan báo chí, truyền thông phản ánh; trên cơ sở đó có giải pháp khắc phục, chấn chỉnh và xử lý kịp thời.
“Nếu phát hiện thấy sai phải thu hồi nhà ở xã hội đã bán không đúng đối tượng.”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Đối tượng và điều kiện được mua nhà ở xã hội
Thứ trưởng Sinh khẳng định, các chính sách về nhà ở xã hội được quan tâm với nhiều ưu đãi, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp tiếp cận được nhà ở.
Theo đó, đối tượng được mua nhà ở xã hội là người có công với cách mạng; thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại đô thị; lao động làm việc tại doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an và quân đội; cán bộ, công chức, viên chức; người đã trả nhà công vụ; hộ gia đình, cá nhân thuộc diện thu hồi đất và phá dỡ nhà ở mà chưa được bồi thường bằng nhà ở, đất ở.
Người mua nhà xã hội cần đáp ứng đủ điều kiện là chưa có nhà ở (hoặc có nhà nhưng diện tích bình quân 10 m2/người); có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú một năm trở lên tại tỉnh, thành có dự án; không thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân (từ thu nhập dưới 11 triệu, sau khi giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu/người). Mỗi gia đình, cá nhân chỉ được mua nhà ở xã hội một lần.
Sở Xây dựng sẽ cập nhật danh sách người được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội lên Cổng thông tin điện tử của địa phương và Bộ Xây dựng để các cơ quan giám sát.
"Những quy định này nhằm minh bạch, tránh trục lợi trong thực thi chính sách, đảm bảo nhà ở xã hội đến đúng người cần thụ hưởng", Thứ trưởng Sinh nêu rõ.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm
Về lâu dài, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, trong thời gian tới phải tăng cường đầu tư, phát triển nhà ở xã hội ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt đề án 1 triệu nhà ở xã hội cho công nhân giai đoạn 2021 - 2030.
Theo đó, đã có nhiều chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và các bộ ngành đã tham gia rất tích cực để đôn đốc cùng các địa phương triển khai nhiều giải pháp.
Thứ nhất, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương phải khẩn trương triển khai tốt đề án này theo đơn vị, chỉ tiêu của từng địa phương, làm sao tăng nguồn cung, đáp ứng được nhu cầu về nhà ở xã hội trong thời gian tới, giảm hiện tượng như báo chí đã nêu.
Thứ hai, Bộ Xây dựng cũng đã yêu cầu các địa phương công bố công khai các điều kiện, tiêu chuẩn, đối tượng mua nhà ở xã hội.
Thứ ba, tiếp tục tổ chức quản lý chặt chẽ, theo dõi việc mua bán nhà ở xã hội theo đúng quy định pháp luật về nhà ở.
Thứ tư, các địa phương thanh tra, kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm mua bán nhà ở xã hội trên địa bàn. Phải cương quyết có biện pháp khắc phục trong trường hợp phát hiện đối tượng và những trường hợp mua bán không đúng đối tượng, buộc thu hồi nhà ở, đảm bảo đúng đối tượng được thụ hưởng chính sách này.
"Chúng tôi cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp, chủ đầu tư khi thực hiện các dự án xác định đúng đối tượng cũng như tiêu chí cũng như các quy định pháp luật về nhà ở đã đề ra. Đặc biệt, nắm bắt thông tin về việc mua – bán nhà ở xã hội của dự án mình không đúng, ví dụ mua sau 5 năm mới được bán nhưng bán trước thì phải có biện pháp kiểm tra thường xuyên và ngăn chặn tình trạng này.", Thứ trưởng Sinh nêu rõ.