Nhu cầu nhà ở xã hội (NOXH) của người dân là rất cao, tuy nhiên, trong nhiều năm qua, việc thiếu nguồn cung NOXH vẫn luôn là bài toán chưa có lời giải.
Cần tăng nguồn cung
Phát biểu tại tọa đàm “Tháo gỡ điểm nghẽn nhà ở xã hội” tổ chức sáng nay (31/5), ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, để giải quyết tận gốc vấn đề, giải pháp là làm sao tăng được nguồn NOXH. Khi nguồn cung đáp ứng tương đối đầy đủ được nhu cầu thực tế thì các vấn đề tiêu cực như "cò mồi", thổi giá, tiền chênh… trong phân phối NOXH mới có thể giảm xuống.
“Để có được nguồn cung thì việc tạo quỹ đất, thủ tục hành chính, nguồn vốn… phải được khơi thông. Đồng thời, cần có cơ chế hỗ trợ tốt hơn, thực chất hơn cho chủ đầu tư mới thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia.
Như định mức lợi nhuận hiện nay cao nhất là 10%, nhưng trong tương lai các mức ưu đãi cao hơn như 15%, 20%... thì cần nghiên cứu xem xét sao cho thực chất, đúng mức. Tuy nhiên, cũng cần làm cho doanh nghiệp hiểu về vai trò, nghĩa vụ chính trị đối với xã hội”, ông Hưng nêu ý kiến.
Về vấn đề có nên mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách NOXH, ông Hưng cho rằng, với 10 nhóm hiện hành đã là rất lớn. Trước mắt, cần tập trung giải quyết thấu đáo rồi mới rà soát, nghiên cứu sau.Cũng theo Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, gần đây, trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất với Chính phủ trình ra Quốc hội hỗ trợ nhiều chính sách ưu đãi thực chất hơn cho doanh nghiệp tham gia phát triển NOXH trong giai đoạn tiếp theo.
“10 nhóm đối tượng được ưu tiên mua NOXH như quy định hiện hành cũng đã được rà soát, nghiên cứu rất kỹ càng trước khi đưa vào Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH, nhà ở công nhân đã được Thủ tướng phê duyệt”, ông Hưng nói.
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, nhu cầu của các địa phương rà soát đăng ký gửi Bộ là khoảng 1,8 triệu căn hộ, nhưng từ nay đến năm 2030 cần tập trung giải quyết được ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH. Với điều kiện kinh tế, xã hội như hiện nay, để giải quyết được mục tiêu 1 triệu căn hộ NOXH cũng không đơn giản, phải là sự nỗ lực quyết tâm, cố gắng phối hợp của nhiều cơ quan, ban, ngành, địa phương…
Ngân hàng đã sẵn sàng
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết dòng vốn vào thị trường bất động sản đến từ nhiều nguồn (chủ đầu tư, nguồn mua nhà…), vốn ngân hàng chỉ là một phần thúc đẩy phát triển NOXH.
“Về phía ngành ngân hàng, chúng tôi đã và đang triển khai thêm gói 120.000 tỷ đồng, đã rất sẵn sàng và tích cực, mong muốn là sớm giải ngân được cho các đối tượng”, bà Giang cho biết.
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế khẳng định, phát triển NOXH là chủ trương lớn của Chính phủ và NHNN cũng xác định ưu tiên nguồn vốn vay. Trong thời gian qua, NHNN đã phối hợp với Bộ Xây dựng để xây dựng chính sách cũng như tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện.
“Vướng mắc hiện nay chủ yếu nằm trong quy định, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, quỹ đất, ưu đãi thu hút nhà đầu tư… Ở góc độ ngân hàng, chúng tôi cho rằng cần có giải pháp tổng thể để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, để tăng thanh khoản cho thị trường, khi mà có nguồn cung thì dòng vốn cho NOXH sẽ được khơi thông”, bà Giang đề xuất.
Tại Nghị quyết 33 của Chính phủ và văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng đã giao quyền các tỉnh, thành phố lên danh mục, phê duyệt danh mục dự án NOXH. Theo đó, lãnh đạo NHNN cho biết mong muốn các địa phương khẩn trương rà soát phê duyệt danh mục các dự án để đăng công khai, từ đó các ngân hàng thương mại có cơ sở xem xét cho vay.
Điểm lại một số chương trình tín dụng đã triển khai thời gian qua đối với NOXH, bà Giang nêu rõ, Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai tích cực cho vay mua NOXH theo Nghị định 100 và Nghị định 49, có chính sách về vốn cả người mua nhà và chủ đầu tư. Nhưng trên thực tế, ngân sách nhà nước mới bố trí được nguồn lực để triển khai cho người mua nhà. Đến quý 1/2023, chương trình này đạt gần 11.000 tỷ đồng, trong đó hơn 4.000 tỷ đồng được bổ sung theo chương trình phục hồi kinh tế của Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11.
Còn đối với các ngân hàng chỉ định, Nghị định 100 quy định rõ nguồn cho vay phát triển NOXH thông qua các ngân hàng thương mại chỉ định và ngân sách nhà nước sẽ cấp bù lãi suất cho vay. Tuy nhiên, đến nay các ngân hàng thương mại chưa bố trí được để cho vay chủ đầu tư, chưa có kết quả.
Chương trình thứ hai là tín dụng cho vay đối với hộ nghèo để hỗ trợ. Toàn bộ chương trình này là do Bộ Xây dựng chủ trì và NHNN đã tích cực phối hợp để triển khai chính sách.
Gần đây nhất là thực hiện Nghị quyết 33 của Chính phủ, NHNN đã chủ chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai cho vay đối với chủ đầu tư, người mua nhà, đầu tư cải tạo nhà mới với mức lãi suất thấp hơn từ 1,5 - 2%, thấp hơn lãi suất ngân hàng thương mại, được hướng dẫn triển khai từ 1/4, xác định điều kiện, đối tượng cho vay mua nhà…
Bà Giang khẳng định, ngành ngân hàng, cụ thể là 4 ngân hàng nhà nước đã sẵn sàng nguồn lực triển khai chương trình, tuy nhiên đến nay chưa phát sinh kết quả.