Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn vừa ký báo cáo gửi Quốc hội kết quả kiểm toán trong năm 2022 về tình hình quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2021.
Báo cáo dẫn lại báo cáo tài chính năm 2021 và dự toán thu chi Quỹ bảo hiểm xã hội 3 năm 2022-2024 cho biết, kết dư Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm 2021 là 100.178 tỷ đồng, số dư Quỹ bảo hiểm xã hội chuyển năm sau 962.808 tỷ đồng, dự kiến giai đoạn 2022-2024 Quỹ bảo hiểm xã hội sẽ tiếp tục thặng dư, năm 2022, 2023, 2024 thặng dư lần lượt là 66.893 tỷ đồng, 76.111 tỷ đồng, 81.736 tỷ đồng.
Qua kiểm toán, số kết dư Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2021 là 100.170 tỷ đồng và số dư Quỹ bảo hiểm xã hội chuyển năm sau là 962.800 tỷ đồng tương ứng giảm 8 tỷ đồng so với số báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Đáng chú ý, kết quả kiểm toán cho thấy đã thu bảo hiểm xã hội bắt buộc không đúng đối tượng 220 trường hợp là chủ hộ kinh doanh với số tiền 3,5 tỷ đồng và 78 trường hợp đã nghỉ hưu với số tiền 350 triệu đồng, thu bảo hiểm xã hội bắt buộc trùng đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 4.815 trường hợp với số tiền 30,2 tỷ đồng.
Với Quỹ bảo hiểm y tế, theo báo cáo tài chính năm 2021 và dự toán thu chi Quỹ bảo hiểm y tế 3 năm 2022-2024, kết dư Quỹ bảo hiểm y tế trong năm 2021 là 23.067 tỷ đồng, số dư Quỹ bảo hiểm y tế chuyển năm sau là 59.015 tỷ đồng.
Dự kiến giai đoạn 2022-2024, Quỹ bảo hiểm y tế sẽ tiếp tục bội chi, năm 2022, 2023, 2024 dự kiến lần lượt bội chi là 6.634 tỷ đồng, 6.197 tỷ đồng, 5.557 tỷ đồng. Qua kiểm toán, số kết dư Quỹ bảo hiểm y tế năm 2021 là 22.695 tỷ đồng và số dư Quỹ bảo hiểm y tế chuyển năm sau là 58.643 tỷ đồng tương ứng giảm 373 tỷ đồng so với số báo cáo của đơn vị.
Cơ quan kiểm toán cũng phát hiện cơ quan bảo hiểm thu bảo hiểm y tế không đúng đối tượng 220 trường hợp là chủ hộ kinh doanh với số tiền 590 triệu đồng và 78 trường hợp đã nghỉ hưu với số tiền 86 triệu đồng.
Thu bảo hiểm y tế trùng đối tượng do cấp trùng 8.027 thẻ bảo hiểm y tế với số tiền 6,4 tỷ đồng. Thu bảo hiểm y tế đối với 100.099 trường hợp trùng giữa ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng với các đối tượng khác đóng là 39,2 tỷ đồng.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước chỉ ra bảo hiểm y tế thanh toán không đúng quy định đối với dịch vụ kỹ thuật 2,9 tỷ đồng, tiền giường 5,6 tỷ đồng, tiền thuốc 673 triệu đồng, tiền khám bệnh 267 triệu đồng; bác sỹ chỉ định khám, chữa bệnh từ 2 cơ sở y tế trở lên trong cùng một ngày 2,1 tỷ đồng...
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tổng chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa được thanh, quyết toán từ năm 2021 trở về trước do vượt trần, vượt dự toán, vượt tổng mức thanh toán hoặc có vướng mắc về hồ sơ thanh toán là 8.801 tỷ đồng.
Từ năm 2019, nhiều cơ sở y tế vẫn tiếp tục ký hợp đồng máy mượn, máy đặt không đúng quy định theo Thông báo số 1039/TB-BYT-BHXHVN ngày 02/10/2018 của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhưng chưa được Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam phát hiện, xử lý.
Về quản lý nợ đọng, chậm đóng, Tổng Kiểm toán cho hay, đến 31/12/2021, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam có 5.748.228 lao động tại 205.961 đơn vị sử dụng lao động nợ bảo hiểm với số tiền nợ gốc là 12.757 tỷ đồng (tăng 1.773 tỷ đồng so với năm 2020), nợ lãi là 3.593 tỷ đồng (tăng 433 tỷ đồng so với năm 2020) chiếm 3,09% và 0,87% số thu bảo hiểm của năm 2021.
Số tiền nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm y tế đến thời điểm 31/12/2021 là 1.507 tỷ đồng (trong đó, nợ gốc là 1.404 tỷ đồng, nợ lãi là 103 tỷ đồng). Bảo hiểm xã hội Việt Nam cơ bản đã tổ chức theo dõi, quản lý nợ đọng, chậm đóng theo quy định song số nợ đọng của các doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ nước ngoài bỏ trốn hiện nay chưa có quy định, hướng dẫn xử lý.
Tổng Kiểm toán kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo cơ quan có thẩm quyền để có hướng giải quyết đối với các trường hợp thu, chi bảo hiểm xã hội là chủ hộ kinh doanh không đúng đối tượng đóng, đối tượng thụ hưởng theo quy định Luật Bảo hiểm xã hội.