Cầu dài hơn 300 m, rộng 9 m, vốn đầu tư 150 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách TP Hà Nội. Theo kế hoạch, dự án hoàn thành và đưa vào khai thác trong tháng 6/2022. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Covid-19 cùng những khó khăn trong việc di chuyển công trình ngầm khiến dự án bị chậm tiến độ.
Theo thiết kế, cầu vượt kết cấu thép lắp ghép, trực thông dạng chữ C theo hướng từ Chùa Bộc đến Phạm Ngọc Thạch, tổ chức giao thông hai chiều cho ô tô, xe máy.
Cầu vượt chữ C nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch thông xe. Ảnh: Bộ GTVT
Cầu có kết cấu dầm hộp thép liên hợp bản bê tông cốt thép, chiều cao 1,2m, rộng 9m. Dự án do Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Long, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) và Công ty Cổ phần Xây dựng và dịch vụ kỹ thuật Việt Hưng thi công.
Sau lễ thông xe sáng 30/6, cơ quan chức năng tổ chức giao thông qua khu vực cầu vượt. Theo đó, cấm các phương tiện quay đầu trên đường Phạm Ngọc Thạch (theo hướng từ cầu vượt đến nút giao Lương Định Của), cấm các phương tiện ô tô trên đường Phạm Ngọc Thạch (hướng từ Đào Duy Anh đi Chùa Bộc) rẽ trái vào phố Lương Định Của.
Các phương tiện ô tô từ Phạm Ngọc Thạch rẽ trái vào Lương Định Của đi theo các hướng Phạm Ngọc Thạch - Đào Duy Anh - Hoàng Tích Trí - Lương Định Của hoặc Phạm Ngọc Thạch - Đông Tác - Lương Định Của hoặc quay đầu tại điểm mở dải phân cách trên đường Phạm Ngọc Thạch (gầm cầu vượt) đi Lương Định Của.
Tổ chức giao thông trên tuyến đường Hoàng Tích Trí được điều chỉnh, ô tô đi một chiều đoạn từ Đào Duy Anh đến Lương Định Của. Phương tiện tham gia giao thông đường bộ đi qua trung tâm nút gầm cầu vượt Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch theo sự điều khiển và hướng dẫn của hệ thống đèn tín hiệu giao thông, sơn kẻ, biển báo trên đường hiện trạng.