Trước sự biến động khôn lường của các kênh đầu tư, nhiều khách hàng hoang mang không biết đầu tư vào kênh nào. Mặc dù nhiều người cho rằng tiền mặt trong thời điểm này là “vua”, nhưng với thực tế lãi suất ngân hàng liên tục tăng cũng khiến khách hàng thêm lo ngại.
Anh Nguyễn Thắng Lợi (Cầu Giấy, Hà Nội) có 3 tỷ đồng tiền nhàn rỗi băn khoăn không biết đầu tư vào kênh nào trong thời điểm này. Một người bạn rủ anh cùng tham gia đầu tư chung cư, vì người bạn đó cho rằng tới đây Luật Nhà ở sẽ có sự thay đổi, chung cư sẽ có niên hạn sử dụng nên tranh thủ mua lúc này khi các giao dịch vẫn theo Luật Nhà ở năm 2014.
Anh Lợi cho rằng, đầu tư chung cư thời điểm này không thích hợp, do giá 2 tháng gần đây tăng từ 10-15%, nguồn cung mới ra thị trường nhỏ giọt, trong khi chung cư đã sử dụng đắt lên từng ngày. Còn đất nền cũng đang chững lại thanh khoản, nhưng giá ở mức rất cao.
Qua tìm hiểu thêm các kênh đầu tư khác, anh Lợi lại càng “hoang mang” hơn, khi thị trường chứng khoán thời gian gần đây gia tăng rủi ro cho nhà đầu tư. Từ đầu năm đến nay, thị trường này giảm hơn 30% và ngay từ hồi giữa tháng 9 đến giờ, xu hướng giảm tiếp tục gia tăng, khiến nhiều nhà đầu tư bị âm vào vốn rất nhiều.
Đối với vàng, đây chỉ là kênh trú ẩn an toàn chứ khó đầu tư vì từ đầu năm đến nay giá vàng liên tục đi xuống theo xu hướng chung của vàng thế giới… Còn duy nhất gửi tiết kiệm ngân hàng là kênh có khả năng mang lại lợi nhuận cho anh. Tuy nhiên, với lãi suất 7-7,5%/năm, tính ra 1 năm anh thu về được 70 -75 triệu đồng cũng không phải là lợi nhuận tốt.
Trao đổi với anh Phạm Thanh Tùng, Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại Hoài Đức (Hà Nội) được biết, trong thời điểm này nhà đầu tư cần cân nhắc các kênh. Riêng với anh Tùng, trước khó khăn của thị trường bất động sản, giá tăng cao, thanh khoản kém, anh đã tìm về đất nền ven thành phố của các tỉnh để đầu tư. Bởi hiện nay giá đất của khu vực này vẫn rất thấp, nếu có 3 tỷ đồng mua được lô đất có diện tích lớn, chỉ chờ 2-3 năm khi thị trường ấm lên thì có lời hơn rất nhiều nếu gửi tiết kiệm.
Thực tế đất nền tại các tỉnh sau năm 2021 có một cơn sốt đất chạy dài suốt từ bắc vào nam, đâu đâu giá đất nền cũng tăng, hiện nay đang rơi vào trầm lắng. Thời điểm đó, đại dịch COVID-19 đang ở đỉnh điểm, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đều ngừng trệ, người dân có tiền nhàn rỗi đã đem đầu tư đất nền, người nọ bán qua tay người kia giá đất bị thổi lên một cách bất thường. Nếu như năm 2021 hàng đoàn xe ô tô của nhà đầu tư nối dài đến các dự án đất nền các tỉnh, thì nay cảnh này trái ngược, vắng như chùa bà đanh.
Còn nhớ, năm 2020-2021, ngay đất tại vùng đất Tây Nguyên cũng tăng với “chiêu” thổi giá Măng Đen (Đắk Nông) là Hạ Long trên cạn, khiến nhiều nhà đầu tư tại các thành phố lớn đổ xô đến mua, rồi giới đầu tư, môi giới thổi giá, giá đất đã tăng chóng mặt. Có những căn biệt thự bỏ hoang giá hơn 2 tỷ đồng, chỉ trong vòng vài tháng đã đội lên 8-9 tỷ đồng/lô. Sau khi kiếm được lời, giới đầu cơ đã rút chân ra khỏi vùng đất này, để lại cho người đến sau ôm một “cục nợ”.
Và nay khi đất nền các tỉnh rơi vào trầm lắng, thì một vòng quay mới lại bắt đầu với việc mua đất nền rẻ, chờ một “cơn sóng” khác. Đây chính là “chân lý” của các nhà đầu tư, giới đầu cơ bất động sản.
Trước đó, tại buổi báo cáo thị trường bất động quý 3/2022 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho rằng, hiện nay lực cầu chủ yếu đến từ nhu cầu thực. Nhu cầu đầu tư lướt sóng cũng đã dè dặt hơn khi giá thị trường vẫn neo cao, thanh khoản thấp dù các chủ đầu tư đưa ra nhiều hình thức khuyến mãi, tặng quà, chiết khấu...
“Hiện tượng sốt đất, bong bóng gần như không còn xuất hiện, đặc biệt là với sản phẩm đất nền bởi hoạt động đầu cơ giai đoạn này gần như bị triệt tiêu. Mặc dù có dấu hiệu sụt giảm nhưng thị trường bất động sản chưa rơi vào suy thoái”, VARS nhấn mạnh.