Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất toàn tập đoàn quý II/2024. Theo đó, doanh thu quý II của EVN đạt 154.046 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn bán hàng là 145.518 tỷ đồng, do đó, EVN ghi nhận lợi nhuận gộp đạt 8.527 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gộp gần 5.900 tỷ đồng.
Nguyên nhân có thể do điều kiện thuỷ văn thuận lợi giúp chi phí sản xuất điện được tiết giảm. Bên cạnh đó, mùa nắng nóng năm nay không làm tăng nhu cầu tiêu thụ điện ở mức cao, do đó ở miền Bắc không phải huy động thêm điện than, nhiệt điện dầu với chi phí cao để đảm bảo đủ điện. Theo thống kê, nhiệt điện dầu huy động ước tính có giá xấp xỉ 5.000 đồng/kWh, điện khí khoảng 2.800 đồng/kWh.
Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm gần một nửa còn 1.638 tỷ đồng, trong khi đó, chi phí tài chính lại tăng hơn 35% lên 6.594 tỷ đồng. Chi phí bán hàng cũng tăng 19% còn chi phí quản lý không có nhiều thay đổi.
Kết quả, EVN lỗ sau thuế 1.890 tỷ đồng trong quý II/2024, trong khi cùng kỳ lỗ gần 12.511 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, EVN ghi nhận doanh thu thuần đạt 282.908 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế 8.098 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ cùng kỳ, lỗ đến 29.107 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6/2024, lỗ lũy kế của EVN ở mức 52.016 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản của EVN đạt 653.187 tỷ đồng, tăng hơn 4.200 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản của EVN (63%) là tài sản cố định, ở mức 391.447 tỷ đồng, giảm gần 17.300 tỷ đồng.
Lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của EVN đạt gần 74.500 tỷ đồng, giảm khoảng 6.800 tỷ đồng so với số đầu năm. EVN thu về gần 993 tỷ đồng lãi tiền gửi, tiền cho vay trong 6 tháng đầu năm.
Nợ phải trả của EVN ở mức 465.440 tỷ đồng, trong đó nợ vay là 314.167 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu của EVN đạt mức 187.747 tỷ đồng.
EVN chưa tăng giá điện trong 9 tháng gần đây
Lần gần nhất EVN tăng giá điện từ ngày 9/11/2023 cũng là lần tăng giá điện thứ 2 trong năm 2023 của tập đoàn này với mức tăng 4,5%. Giá bán lẻ điện bình quân sau đó được tăng lên 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Mặc dù 2 lần tăng giá điện trong 1 năm nhưng năm 2023, EVN lỗ sau thuế 26.772 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD), trong khi năm 2022 lỗ 20.747 tỷ đồng, riêng công ty mẹ lỗ gần 27.900 tỷ đồng.
Đầu tháng 1/2024, lãnh đạo Bộ Công Thương từng kiến nghị xem xét điều chỉnh giá điện để đảm bảo phản ánh biến động của các thông số đầu vào của giá điện, đồng thời để EVN có nguồn thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện.
Tuy nhiên, từ lần tăng giá gần nhất vào tháng 11/2023, cho đến nay (tháng 8/2024), EVN chưa được tăng giá điện.
Mặc dù, quyết định thay thế Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân ban hành vào tháng 3/2024 đã cho phép rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 6 xuống 3 tháng. Tức là, mỗi năm có thể sẽ có 4 đợt thay đổi giá. Bộ Công Thương cho rằng, khi thời gian rút xuống 3 tháng đảm bảo chi phí không bị dồn tích, gây ảnh hưởng tới cân bằng tài chính của EVN, và dần đưa giá điện theo thị trường.