Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố Báo cáo thường niên chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022. Trong Top 5 đầu bảng xếp hạng, bên cạnh những địa phương quen thuộc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Tháp,…đã xuất hiện những địa phương lần đầu tiên như Bắc Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Cuộc thi “hiến kế” cải thiện môi trường kinh doanh
Năm 2022, Bắc Giang có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) chưa từng có, ước đạt 19,8% (gấp 2,5 lần bình quân chung cả nước) và cao thứ 2 cả nước. Đáng chú ý, trong năm 2022, tỉnh này có hơn 1.400 doanh nghiệp và 130 chi nhánh, văn phòng đại diện thành lập mới, tăng 22% so với năm 2021. Các hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi và phát triển mạnh mẽ.
Để có kết quả này, ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, trong những năm gần đây, tỉnh đã tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp qua nhiều kênh giao tiếp, nhằm lắng nghe ý kiến đề xuất, kịp thời giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
“Địa phương cũng đã lập tổ công tác gồm đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và các địa phương nơi các doanh nghiệp đó dự kiến đầu tư với nhiệm vụ chính là hỗ trợ các điều kiện, thủ tục giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn gặp phải trong quá trình đầu tư của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài”, ông Sơn nêu rõ.
Những nỗ lực của Bắc Giang cũng đã được ghi nhận trong báo cáo của PCI năm 2022. Theo đó, với điểm số ấn tượng 72,80, Bắc Giang đã có bước cải thiện mạnh mẽ với 29 bậc và xếp ở vị trí thứ hai. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đánh giá rất tích cực chủ trương nhất quán “đồng hành cùng doanh nghiệp” của chính quyền tỉnh.
Tỉnh Bắc Giang xếp ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng PCI 2022
Bắc Giang cũng là tỉnh hiếm hoi trong cả nước tổ chức các cuộc thi để các viên chức trong tỉnh “hiến kế” cải thiện môi trường môi trường đầu tư, kinh doanh trong năm 2021 và 2022. Tỉnh cũng duy trì chuyên mục “Hỏi – đáp pháp luật” trên Hệ thống thông tin pháp luật tỉnh Bắc Giang để kịp thời trợ giúp doanh nghiệp về pháp lý.
Nhờ đó, một số chỉ tiêu đánh giá về tính minh bạch và thiết chế pháp lý của tỉnh có sự cải thiện đáng kể trong PCI 2022. Chẳng hạn, điểm trung bình chỉ tiêu “mức độ dễ dàng trong tiếp cận tài liệu pháp lý” của tỉnh Bắc Giang xếp hạng 7/63 địa phương, tăng 28 bậc so với kết quả PCI 2021.
Coi doanh nghiệp như người bạn
Cũng theo báo cáo PCI 2022, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu góp mặt trong Top 5 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế của PCI ở vị trí thứ tư với 70,26 điểm. Trước đó, vị trí cao nhất của tỉnh là vị trí 6/63 trong PCI 2011.
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xếp ở vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng PCI 2022
Cụ thể, địa phương có một số mô hình cải cách hành chính đáng chú ý được nhân rộng sau khi áp dụng thành công ở cấp huyện, xã như mô hình “Ngày thứ Năm không chờ”, “Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói” và “Ký số bản đồ khổ lớn”.
Chẳng hạn, với “Ngày thứ Năm không chờ”, các cơ quan, đơn vị sẽ chọn ra những thủ tục hành chính đơn giản để tập trung giải quyết xong trong ngày, sớm hơn quy định pháp luật, nhờ đó giúp người dân và doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần làm thủ tục.
Chia sẻ về những cách làm này, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, các cấp chính quyền địa phương coi doanh nghiệp như những người bạn và luôn tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp đến và đầu tư. Trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn, bất kỳ lúc nào liên hệ với tỉnh, thì đều tiếp và xử lý.
“Hàng tuần, Chủ tịch UBND, lãnh đạo công an tỉnh bố trí một lần để tiếp các doanh nghiệp phản ánh những khó khăn và quan tâm đến kế hoạch đầu tư của họ. Hàng ngày, lãnh đạo tỉnh dành thời gian trong khoảng 7h30-8h30 sáng để lắng nghe những khó khăn của doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn ngay cho doanh nghiệp”, ông Thọ thông tin.
Tỉnh cũng thiết lập trang thông tin PCI và fanpage PCI trên mạng xã hội để phổ biến thông tin về các hoạt động đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh.
Những nỗ lực của chính quyền tỉnh đã góp phần thăng hạng điểm số của 5/10 chỉ số thành phần của tỉnh so với kết quả PCI 2021, trong đó có những chỉ số thành phần đạt thứ hạng cao như “Tính năng động và tiên phong của chính quyền địa phương” (12/63), “Cạnh tranh bình đẳng” (7/63), “Tiếp cận đất đai” (4/63) và “Chi phí không chính thức” (4/63).
Chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy kiến tạo
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI, để giành được vị trí dẫn đầu và lọt vào nhóm có chất lượng điều hành kinh tế tốt, chính quyền địa phương phải chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy kiến tạo, thiết lập môi trường kinh doanh tốt nhất cho hoạt động của doanh nghiệp.
“Việc cải thiện môi trường kinh doanh nằm trong tầm tay của chính quyền các địa phương và có thể thực hiện ngay với chi phí thấp nhưng hiệu quả đem lại vô cùng lớn cho phát triển kinh tế tư nhân, giải quyết việc làm cho người lao động và tăng trưởng kinh tế”, ông Tuấn nêu rõ.
Ông Đậu Anh Tuấn , Phó Tổng thư ký VCCI
Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, khiến đơn hàng của doanh nghiệp giảm sút, và tỷ lệ doanh nghiệp rời bỏ thị trường rất cao. Những năng động, những chủ động của các cấp chính quyền địa phương trong cải thiện môi trường kinh doanh sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp, bù đắp cho bất ổn và trục trặc trên thế giới gây ra.
Bởi, theo ông Tuấn, việc tiết giảm chi phí thời gian thông qua cải cách thủ tục hành chính (TTHC) có ý nghĩa hiệu quả với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không kém gì những chương trình hỗ trợ.
Nếu địa phương thực hiện hiệu quả như thay vì thanh tra kiểm tra quá nhiều thì nay giảm bớt, thay vì thực hiện TTHC nhiều tuần thì thực hiện vài ngày, …những yếu tố như vậy giúp tiết giảm được chi phí, từ đó doanh nghiệp có thể tồn tại trong trong giai đoạn hiện nay.
"Việc luôn xác định nâng cao chỉ số PCI là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục và triển khai sáng kiến một cách bài bản, khoa học sẽ giúp lãnh đạo các tỉnh tìm được “điểm nghẽn” trong điều hành kinh tế cũng như lựa chọn những giải pháp phù hợp để cải cách điều hành một cách hiệu quả", ông Tuấn nhấn mạnh.
10 địa phương có chỉ số PCI 2022 thấp nhất lần lượt là An Giang, Tây Ninh, Kiên Giang, Lai Châu, Cà Mau, Quảng Trị, Đắk Lắk, Bạc Liêu, Điện Biên, Cao Bằng.
Đáng chú ý, trong năm qua, các trung tâm kinh tế lớn như TP HCM, Hà Nội, và Đà Nẵng đều sụt hạng.
Cụ thể, TP HCM giảm 13 bậc, rơi xuống vị trí thứ 27 từ vị trí thứ 14 của năm trước. Theo đó, 2 chỉ số có kết quả thấp nhất là "tính năng động của chính quyền tỉnh" đứng thứ 62/63 tỉnh thành của cả nước. Bên cạnh đó, chi phí không chính thức xếp thứ 60 cho thấy sự đánh giá bộ máy hành chính còn nhũng nhiễu, phiền hà.
Tương tự, Hà Nội tụt 10 bậc, xếp vị trí thứ 20, rời khỏi top 10 PCI sau nhiều năm liền góp mặt. Hai chỉ số xếp thứ 5 từ dưới lên là Gia nhập thị trường và Tiếp cận đất đai khiến Hà Nội giảm điểm mạnh. Bên cạnh đó, tính năng động của chính quyền tỉnh cũng bị đánh giá chỉ ở mức 53/63 tỉnh, thành phố.
Còn TP Đà Nẵng tụt 5 hạng, đứng ở vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố.