Đó là nhận định của TS. Trần Mỹ An – Phó chủ tịch phụ trách Kỹ thuật Tập đoàn Qualcomm về những cơ hội, lợi thế của Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số tại Talkshow The Next Power ngày 29/12.
Là người gốc Việt có hơn 21 năm kinh nghiệm làm việc tại Qualcomm, tại talkshow, TS. Trần Mỹ An đã chia sẻ góc nhìn của mình xoay quanh tương lai của công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam; cũng như những thách thức, cơ hội của quá trình chuyển đổi này...
Trong khoảng thời gian đối thoại cùng host Trương Lý Hoàng Phi, từ khoá "chuyển đổi số" được bà An nhấn mạnh nhiều lần. Vị tiến sĩ gốc Việt cho rằng: "Tương lai sẽ rất đáng sống với sự phát triển của công nghệ", cũng như tin tưởng, trong 5 – 10 năm tới, những công nghệ mà Qualcomm đang phát triển tại nhiều lĩnh vực sẽ mang lại những lợi ích cho quá trình chuyển đổi số của Việt Nam.
Cơ hội cho Việt Nam rất đa dạng và hầu như không có hạn chế
Tại cuộc đối thoại, bà Trần Mỹ An đánh giá rất cao lợi thế phát triển cũng như tiềm năng thành công của quá trình chuyển đổi số của Việt Nam. Chuyên gia gốc Việt cho rằng với nhiều khu vực chưa được xây dựng, các cơ hội dành cho Việt Nam rất đa dạng và hầu như không có sự hạn chế.
"Việt Nam có rất nhiều khu vực chưa được xây dựng, nên chúng ta có thể ứng dụng những công nghệ mới nhất khi bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng ở đây. Đôi khi phá bỏ cái cũ còn khó hơn là xây mới ngay từ đầu. Tôi nghĩ Việt Nam có rất nhiều cơ hội, và hầu như không có hạn chế nào cả”, TS. Trần Mỹ An nói.
Cũng theo bà An, phá bỏ những rào cản cũ đã khó, nhưng áp lực của việc phải đưa ra lựa chọn và đầu tư đúng đắn ngay từ bước đầu tiên còn nặng hơn. Và với vị thế là một tập đoàn công nghệ hàng đầu, Qualcomm có thể giúp Việt Nam lựa chọn những công nghệ tốt nhất để sớm tận dụng được các lợi thế, đón đầu thành công các cơ hội.
Nữ tiến sĩ cũng cho rằng khi xây dựng cơ sở hạ tầng hay ứng dụng một công nghệ mới, Việt Nam cần có những kế hoạch phát triển xa hơn trong tương lai. Khi áp dụng bất kỳ công nghệ tiên tiến nào vào các sản phẩm, dự án, cơ sở hạ tầng, các nhà đầu tư cần cân nhắc tính linh hoạt của công nghệ này cần phải đủ để nâng cấp về sau.
“Nếu chúng ta quá thiển cận và đưa vào một công nghệ mà không nâng cấp được hay không sử dụng được, thì quá trình loại bỏ nó lại rất tốn kém. Vậy nên đưa ra lựa chọn và đầu tư đúng đắn ngay từ ban đầu là điều rất quan trọng”, TS. Mỹ An cho biết.
Bà An cũng nhìn nhận, một trong những lợi thế của môi trường công nghệ Việt Nam là được hưởng lợi từ sự kết nối sâu rộng với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
"Nếu các startup biết tận dụng những hỗ trợ công nghệ của Qualcomm, giải quyết các vấn đề ở Việt Nam, sức lan tỏa của những thành công này sẽ không giới hạn tại thị trường trong nước mà có thể ảnh hưởng ở Đông Nam Á và khắp nơi trên thế giới", bà An nói.
Theo TS. An, việc nhiều tập đoàn công nghệ lớn đang dần dịch chuyển cung ứng về Việt Nam đang mang lại lợi thế cho các công ty trong nước và giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.
Đại diện Qualcomm tin rằng, bối cảnh hiện nay mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam, khi càng nhiều công ty quy tụ, nhu cầu cơ sở hạ tầng càng tăng và các công nghệ nền tảng để hỗ trợ càng trở nên cần thiết. Việt Nam hiện cũng sở hữu lợi thế về mặt nhân sự có trình độ và sự quyết tâm cao. TS. An cho biết, bà ấn tượng với sự thân thiện và kiên cường của người Việt Nam.
"Điều chúng tôi ấn tượng về nhân lực Việt Nam là sự tận tâm với công việc. Người Việt Nam rất cần cù, chịu khó, quyết tâm hoàn thành công việc một cách tốt nhất, không chỉ vì tiền lương mà còn vì niềm tự hào khi làm tốt công việc của mình", Phó chủ tịch phụ trách Kỹ thuật của Qualcomm nhấn mạnh.
Việt Nam là trọng tâm trong chiến lược đầu tư của Qualcomm tại Đông Nam Á
Là một người phụ nữ gốc Việt, xuyên suốt quá trình trao đổi, bà Trần Mỹ An luôn thể hiện mối quan tâm đặc biệt với thị trường Việt Nam. Theo bà An, Việt Nam là điểm đến ở Đông Nam Á đầu tiên mà Qualcomm triển khai hợp tác nghiên cứu đại học và Chương trình đổi mới sáng tạo dành cho startup.
Theo đó, chính thức khởi động và tổ chức từ cuối 2019, Việt Nam là điểm đến thứ ba của cuộc thi Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam (QVIC), sau Ấn Độ và Đài Loan. Qualcomm kỳ vọng QVIC có thể trở thành nền móng kiến tạo tầm nhìn đổi mới sáng tạo công nghệ tại Việt Nam thông qua việc nuôi dưỡng và phát triển các startup công nghệ trong nước.
Theo bà An, cách Qualcomm đồng hành cùng hành trình chuyển đổi số, thúc đẩy các công ty công nghệ vừa và nhỏ phát triển các sản phẩm liên quan đến kết nối 5G, IoT, trí tuệ nhân tạo, thành phố thông minh... cũng gắn liền và đúng với định hướng từ Chương trình Chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ.
Vị tiến sĩ gốc Việt cho rằng, tinh thần Việt trong chiến lược phát triển của Qualcomm được thể hiện rõ nét khi tập đoàn này thành lập một đội ngũ kỹ thuật riêng để hỗ trợ các đối tác trong hệ sinh thái ở Việt Nam để họ tự thiết kế và xây dựng được các giải pháp kỹ thuật.
TS. Trần Mỹ An và host Trương Lý Hoàng Phi tại Talkshow The Next Power.Trong cuộc trao đổi, host Trương Lý Hoàng Phi nhìn nhận Việt Nam đang là điểm đến đầu tư đáng mong đợi của các "ông lớn" công nghệ khi các doanh nghiệp này dần dịch chuyển chuỗi cung ứng về Việt Nam trong bối cảnh nước ta giành được thị phần đáng kể trong xuất khẩu điện thoại và chip xử lý.
Về câu chuyện này, TS. Trần Mỹ An chia sẻ, khi càng nhiều công ty quy tụ về Việt Nam thì nhu cầu về cơ sở hạ tầng của họ càng tăng. Đây sẽ là cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam và cả Qualcomm trong thúc đẩy tăng tốc chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, khi nói về phong cách quản trị để xây dựng một đội ngũ nhân viên tiềm năng tại Việt Nam, TS. Trần Mỹ An cho rằng người lãnh đạo cần dành thời gian quan sát, tìm hiểu thế mạnh, năng lực cũng như mối quan tâm của các nhân viên trong đội ngũ. Từ đó, có thể bố trí nhân viên vào vị trí phù hợp, nơi họ có thể thể hiện khả năng của mình. Theo bà An, nếu làm được điều này, đội ngũ nhân sự sẽ nỗ lực cống hiến cho sự phát triển của doanh nghiệp.
“Tôi luôn khuyến khích các bạn nhân viên phát biểu ý kiến. Nếu trong một cuộc họp để xem xét một thiết kế mà không có ai tranh luận, tôi sẽ thấy lo lắng vì điều đó có nghĩa là mọi người không quan tâm đến nó...”, TS. Trần Mỹ An chia sẻ.