Những "đám mây đen" che phủ nền kinh tế

Lạm phát phi mã, gián đoạn chuỗi cung ứng, khủng hoảng năng lượng và lương thực, tăng trưởng ngừng trệ - đó là những "đám mây đen" phủ bóng lên bức tranh kinh tế toàn cầu 2022.

Nhiều gam màu ảm đạm, trong bối cảnh hầu hết các quốc gia đã mở cửa khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội sau thời gian đại dịch.

Cuối năm 2021, giới chuyên gia đánh giá sau hai năm chao đảo vì đại dịch COVID-19, kinh tế thế giới dự báo sẽ vững bước hơn trên con đường quay lại quỹ đạo tăng trưởng trong năm 2022. Tuy nhiên, đà tăng trưởng mong manh của nền kinh tế thế giới hồi đầu năm đã bị "những đám mây đen”, từ các đợt bùng phát dịch COVID-19 do biến thể phụ của Omicron tới cuộc xung đột Ukraine, che phủ, kéo theo đó là “cơn bão” lạm phát “càn quét” khắp các nền kinh tế, suy giảm tăng trưởng ở Mỹ và Trung Quốc-hai đầu tàu kinh tế thế giới. Tất cả đã và đang “bóp nghẹt” đà tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.

Theo phân tích của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2022, lạm phát đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, tác động đến toàn bộ các nước tiên tiến, gần 90% số các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Khoảng 2/3 các nền kinh tế tiên tiến và hơn một nửa các thị trường mới nổi có mức lạm phát cao hơn mức lạm phát mục tiêu vào năm 2021.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, trong một phát biểu hồi tháng 10, đánh giá môi trường kinh tế hiện tại đang trong “giai đoạn lịch sử mong manh”. IMF liệt kê 6 rủi ro lớn có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022. Một là xung đột tại Ukraine và tác động của giá năng lượng.

Hai là giá năng lượng tăng cộng với tình trạng thiếu lương thực làm gia tăng lạm phát. Nếu lạm phát tiếp tục tăng trong một thời gian dài, nguy cơ kinh tế tăng trưởng chậm lại hoặc suy thoái kết hợp với lạm phát phi mã có thể xảy ra. Ba là nguy cơ tạo ra giảm phát do việc liên tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Bốn là nguy cơ nợ nần do điều kiện tài chính thắt chặt hơn ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Năm là tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc và cuối cùng là sự phân mảnh hơn nữa của nền kinh tế thế giới.

Trên thực tế, hàng loạt diễn biến bất ổn đã khiến kinh tế thế giới năm 2022 rơi vào tình trạng “mất đà”. Trong báo cáo cập nhật mới nhất, IMF tiếp tục điều chỉnh dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2022 xuống 3,2%, giảm mạnh 1,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 1.

Tương tự, WB giảm mức dự báo tăng trưởng toàn cầu từ 4,1% vào đầu năm xuống 2,8%. IMF và WB thậm chí cảnh báo khó khăn chồng chất khiến 1/3 nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ trải qua ít nhất 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp trong năm nay và năm sau, gây thiệt hại khoảng 4.000 tỷ USD từ nay đến năm 2026 - tương đương với quy mô GDP của Đức.

Tăng trưởng giảm tốc được ghi nhận tại hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, kể cả các nền kinh tế lớn nhất. Sau khi suy giảm lần lượt 1,6% và 0,6% trong hai quý đầu năm, Mỹ đã đạt tăng trưởng GDP trong quý 3 là 2,6%. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cảnh báo điều đó không có nghĩa là nền kinh tế đã thoát khỏi nguy cơ rơi vào suy thoái.

Kinh tế Trung Quốc cũng trải qua 2 quý đầu năm với mức tăng trưởng kém. Dù nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã phần nào phục hồi từ mức 0,4% trong quý 2 lên 3,9% trong quý 3 và Trung Quốc đang dần nới lỏng các biện pháp hạn chế để chống dịch, song tình hình dịch bệnh khó lường, cũng như nguy cơ suy thoái trên toàn cầu đang thách thức những nỗ lực đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% mà nước này đề ra cho năm 2022. Theo giới chuyên gia, bất kỳ sự suy yếu nào của nền kinh tế đóng góp từ 35-40% GDP toàn cầu này cũng có thể tác động tới kinh tế thế giới.

Quảng cáo

Chịu ảnh hưởng nặng nề của xung đột tại Ukraine, sức tăng trưởng của nền kinh tế châu Âu đang ngày càng đuối, trong khi lạm phát hầu như chưa có dấu hiệu giảm nhiệt và cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn trầm trọng. Giá năng lượng tăng vọt đã làm giảm sức mua của các hộ gia đình, đẩy chi phí sản xuất tăng cao.

Lạm phát ở 19 quốc gia Eurozone trong tháng 9 lên tới gần 10%, gấp 5 lần so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). IMF cảnh báo tăng trưởng sụt giảm ở nhiều nước châu Âu hiện nay có thể sẽ dẫn đến "suy thoái sâu sắc hơn" trên toàn châu lục.

Trong bức tranh chung khá u ám như vậy thì kinh tế khu vực Trung Đông và Bắc Phi cùng châu Á có thể coi là những “điểm sáng” hiếm hoi. Trong báo cáo mới nhất về kinh tế khu vực Trung Đông và Bắc Phi, IMF giữ nguyên dự báo khu vực tăng trưởng 5%.

mua-sam-131222-73.jpg

Người dân mua hàng tại một khu chợ ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 6/7/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương về tổng thể cũng được đánh giá tăng trưởng tích cực. Cụ thể, IMF dự báo tăng trưởng của khu vực ở mức 4% trong năm nay. IMF cũng đánh giá các nước Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vẫn phục hồi mạnh trong năm nay nhờ dịch vụ, tiêu dùng và xuất khẩu tăng mạnh trở lại. Theo IMF, Việt Nam đang vươn mình trở thành trung tâm của các nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng, trong khi Indonesia, Malaysia và Ấn Độ có thể sẽ đạt tốc độ tăng trưởng từ 4%-6%.

Đặc biệt, kinh tế Việt Nam được WB đánh giá là “tăng trưởng phi thường" nhờ sự khởi sắc của ngành xuất khẩu và lạm phát được giữ trong tầm kiểm soát. WB đã nâng mức dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam lên 7,2%, tăng đáng kể so với mức 5,3% đưa ra tháng 4.

Tại cuộc gặp của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 tại Bangkok (Thái Lan) cuối tháng 11 vừa qua, người đứng đầu IMF khẳng định kinh tế Việt Nam vẫn là điểm sáng về tăng trưởng và ổn định tại khu vực. Theo dự báo của IMF tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay đạt 7% - là mức tăng trưởng kỳ tích và đứng đầu ASEAN. Trong 3 quý đầu năm, tăng trưởng GDP của Việt Nam đã đạt 8,83%.

Có thể thấy, nền kinh tế thế giới đã phải trải qua một năm đầy sóng gió khi phải liên tiếp hứng chịu hết cú sốc này đến cú sốc khác. Tới cuối năm, những yếu tố bất lợi như cuộc khủng hoảng năng lượng, lạm phát toàn cầu hay cạnh tranh địa chính trị vẫn đang là những vấn đề nan giải. Đấy là chưa kể những diễn biến khó lường của dịch bệnh cũng như tác động ngày một nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu, khi bão lũ, nắng nóng, hạn hán và cháy rừng năm 2022 đã gây thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 115 tỷ USD trên phạm vi toàn thế giới.

Tất cả những yếu tố này đang trở thành lực cản cho sự phát triển của nền kinh tế thế giới trong năm tới. Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva đầu tháng này cảnh báo ngày càng có nhiều nguy cơ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 dưới mức 2% - từng xảy ra trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, trong bối cảnh các nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm lại.

Theo Báo Tin tức Sao chép

Cùng chuyên mục Thị trường 3

Chỉ số S&P 500 và Nasdaq nối dài chuỗi kỷ lục

Tại thị trường chứng khoán Phố Wall, chỉ số S&P 500 ghi nhận mức đóng cửa cao kỷ lục phiên thứ năm liên tiếp trong phiên 9/7, trong khi chỉ số Nasdaq đóng cửa ở mức cao kỷ lục phiên thứ sáu liên tiếp.

S&P 500 và Nasdaq đồng loạt tăng lên mức cao nhất mọi thời đại sau báo cáo CPI thấp hơn dự kiến Cổ phiếu Nvidia đảo chiều giúp chỉ số Nasdaq thoát khỏi sắc đỏ

Người mua chờ đợi điều gì từ nay đến cuối năm?

Cuối năm 2024, nhiều dự đoán tích cực về thị trường bất động sản đang tạo tâm lý phấn khởi cho người mua nhà. Song, việc “cân đo đong đếm” giữa các yếu tố khiến không ít người người “gác” chuyện mua nhà sang thời điểm cuối năm 2024.

Nhà đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản 2,47 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm Chung cư là phân khúc 'nóng' nhất thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm

Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất vào Mỹ

Top 5 thị trường xuất khẩu hạt tiêu chủ lực có đến 4 thị trường tăng trưởng mạnh về khối lượng và trị giá, chỉ riêng thị trường Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất là giảm lượng nhập khẩu.

Thêm vụ nghi lừa đảo khi xuất khẩu hồ tiêu và nhân điều sang thị trường Dubai-UAE Diện tích ngày một giảm, đe dọa vị trí nước xuất khẩu hồ tiêu số 1 thế giới của Việt Nam

Nghịch lý ngành phân bón: Sản xuất dư thừa, nhập siêu vẫn tăng mạnh

Năng lực sản xuất ure của 4 nhà máy trong nước là: Phú Mỹ, Cà Mau, Ninh Bình và Hà Bắc khoảng 3 triệu tấn. Nhu cầu ure cho sản xuất nông nghiệp trong nước từ 1,6 – 1,8 triệu tấn/năm. Sản xuất dư thừa doanh nghiệp phải đẩy mạnh xuất khẩu để giảm tồn kho, trong khi đó nhập khẩu ure vẫn tăng.

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau: Cung ứng tối đa nội địa, hướng mạnh xuất khẩu Phân bón Cà Mau ký hợp tác với Tập đoàn Yetak, đẩy mạnh thị phần tại Campuchia