Hồi cuối tháng 7, Ấn Độ, quốc gia chiếm hơn 40% nguồn cung gạo toàn cầu, dừng xuất khẩu thêm cả cám gạo đã tách dầu. Trước đó, nước này cấm xuất khẩu gạo trắng các loại trừ gạo Basmati - loại gạo phổ biến tại Nam Á. Bộ Lương thực và Các vấn đề tiêu dùng Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo trắng thường để ổn định giá bán lẻ trong nước.
Chỉ một tuần sau lệnh cấm của Ấn Độ, Nga và Dubai cũng đã thông báo ngừng bán gạo ra nước ngoài. Lệnh cấm xuất khẩu gạo có hiệu lực ngay lập tức khiến các thương nhân vô cùng lo lắng, chưa thể tìm giải pháp thay thế.
Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 4,24 triệu tấn, trị giá 2,26 tỷ USD (tăng 21,3% về lượng và tăng 32,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022). Giá xuất khẩu bình quân đạt 533USD/tấn, tăng 9% so với mức bình quân cùng kỳ năm 2022.
Theo ước tính của liên bộ, tính đến hết tháng 7/2023, Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, xuất khẩu gạo tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tại thị trường truyền thống, thị trường có FTA thế hệ mới, trong đó khu vực thị trường châu Á tiếp tục là thị trường khu vực xuất khẩu lớn nhất trong 6 tháng năm 2023, đạt gần 3,3 triệu tấn, chiếm 77,7% tổng lượng xuất khẩu, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Một số thị trường truyền thống tiếp tục tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, Philippines - thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 40,1% tổng lượng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2023 (tương đương xuất khẩu đạt gần 1,7 triệu tấn) tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022.
Đứng thứ 2 là Trung Quốc chiếm trên 16% trong tổng lượng xuất khẩu (tương đương 677,4 nghìn tấn) tăng 60,7% so với cùng kỳ năm 2022. Indonesia đứng thứ 3, chiếm 11,6% trong tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước (tương đương 492,8 nghìn tấn) tăng 15 lần về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022).
Đến hết tháng 7/2023, Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD. Ảnh minh họa.
Dự kiến năm nay cả nước gieo trồng được 7,1 triệu ha, năng suất trung bình đạt 6.07 tấn/ha, sản lượng đạt trên 43,1 triệu tấn, tăng 452.000 tấn so với năm 2022.
Hiện các địa phương đẩy nhanh tiến độ gieo cấy vụ mùa và vụ thu đông và thu hoạch vụ hè thu. Diện tích vụ thu đông tăng 50.000 ha lên mức 700.000 ha. Các địa phương cũng đã thu hoạch gần 3,7 triệu ha, giảm 0,8ha so với cùng kỳ năm 2022. Năng suất bình quân đạt 65,7 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha nên sản lượng lúa thu hoạch 7 tháng đạt trên 24,1 triệu tấn, tăng 0,4%.
“Lượng thóc dành cho xuất khẩu khoảng trên 15,1 triệu tấn, tương đương trên 7,5 triệu tấn gạo”, báo cáo nêu.
"Coi chừng gậy ông đập lưng ông"
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết hiện nay là thời cơ đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo trong điều kiện cho phép nhằm mang lại giá trị, hiệu quả cao nhất cho người sản xuất, người kinh doanh. Đây cũng là thời cơ để mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu hạt gạo Việt Nam, tiến tới mở rộng thị trường mới.
Tuy nhiên, ông Diên cảnh báo, hiện một số nước xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan đều có động thái về cấm xuất khẩu gạo, vì vậy Việt Nam cần thận trọng.
"Khi chúng ta thừa thế xông lên mà người ta dừng lệnh đó thì đội hình đằng sau quay. Người đi đầu trở thành người đi sau. Khi chúng ta đã quá đà xuất khẩu cả về sản lượng và giá trị, chất lượng hạt gạo chưa chắc được đảm bảo, thương hiệu gạo chưa được khẳng định, giá lại cao hơn của họ, thì sẽ mất các đơn hàng cụ thể. Liền sau đó là mất thị trường. Và mất trong cuộc này là mất hẳn, có quay trở lại được cũng không phải dễ", ông Diên nêu.
Lãnh đạo Bộ Công Thương nói tiếp: "Trong lúc này thừa thế xông lên thì coi chừng gậy ông đập lưng ông. Một quốc gia nổi tiếng sản xuất lúa gạo mà lại lâm vào tình trạng thiếu gạo, giá gạo lên quá cao, để người dân khổ thì không thể chấp nhận được".
Tổng hợp.