Số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 7,8%).
Trong đó, ngành khai khoáng giảm 2,8% (cùng kỳ năm 2022 tăng 4,1%), làm giảm 0,5 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành chế biến, chế tạo giảm 2,1% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,5%), làm giảm 1,5 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,5% (cùng kỳ năm 2022 tăng 7%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,5% (cùng kỳ năm 2022 tăng 1,7%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2023 của một số ngành trọng điểm cấp II giảm so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 9,6%; sản xuất xe có động cơ giảm 8,5%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 7,9%; sản xuất trang phục giảm 7,4%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 5,1%; sản xuất kim loại giảm 5%; dệt giảm 4,9%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 4,6%.
Ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành tăng so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 14,3%; khai thác quặng kim loại tăng 14,1%; sản xuất đồ uống tăng 11,1%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 10,6%; sản xuất sản phẩm thuốc lá và hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải; tái chế phế liệu cùng tăng 7,2%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 6,8%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 6,1%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 52 địa phương và giảm ở 11 địa phương trên cả nước. Trong đó, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao như Cao Bằng (tăng 26,3%); Lai Châu (22%); Đắk Lắk (21,9%); Tuyên Quang (21%); Gia Lai (17,5%); Hải Phòng (15%); Quảng Ninh (14,1%).
Trong khi đó, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm như Quảng Nam giảm 33,4%; Bắc Ninh giảm 18,6%; Vĩnh Long giảm 16,1%; Sóc Trăng giảm 15,5%.
Trong 4 tháng đầu năm 2023 có một số sản phẩm công nghiệp chủ lực giảm so với cùng kỳ năm trước như: Ô tô giảm 19,3%; thép thanh, thép góc giảm 15,1%; điện thoại di động giảm 13%; xe máy giảm 12,3%; phân u rê giảm 12,2%; vải dệt từ sợi tự nhiên giảm 11,1%; quần áo mặc thường giảm 10,4%; linh kiện điện thoại giảm 10,1%; xi măng giảm 4,8%; thép cán giảm 4,5%; dầu thô khai thác giảm 4%; khí hóa lỏng LPG giảm 3,7%.
Bên cạnh đó, cũng có một số sản phẩm tăng so với cùng kỳ năm trước như: Đường kính tăng 23,2%; xăng dầu tăng 15,1%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 12,2%; phân hỗn hợp NPK tăng 10,4%; thuốc lá điếu tăng 7,2%; sơn hóa học tăng 6,1%.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số IIP 4 tháng đầu năm giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước do kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn dẫn đến đơn hàng sản xuất giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm (kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 108,6 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước).
Dù tính chung 4 tháng đầu năm 2023 chỉ số IIP giảm so với cùng kỳ nhưng trong tháng 4, chỉ số IIP đã có sự hồi phục nhẹ. Theo đó, chỉ số IIP tháng 4/2023 ước tính tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, ngành khai khoáng giảm 2,1%; ngành chế biến, chế tạo tăng 0,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 4,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,3%.