Chính yếu tố bất lợi tại thị trường Trung Quốc năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của ngành rau quả Việt Nam, và kéo tụt kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước, vì thị trường số 1 này chiếm tỷ trọng trên dưới 50%.
Sang năm 2023, ngành rau quả được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và đặt mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD, sau khi Chính phủ Trung Quốc gỡ bỏ chính sách “zero COVID” và có thêm nhiều mặt rau quả được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và các quốc gia khác.
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả chìm trong sụt giảm
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 12/2022 đạt 312,505 triệu USD, tăng 2,1% so với tháng trước, và tăng 4,38% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên khi cộng dồn 12 tháng xuất khẩu rau quả vẫn trong xu thế giảm, giảm 5,1% so với năm 2021 và đạt kim ngạch 3,364 tỷ USD.
Nhìn lại kim ngạch xuất khẩu ngành rau quả qua từng quý năm 2022 cho thấy quý 1 xuất khẩu rau quả chỉ đạt 848.971.331 USD, giảm 12% so với cùng kỳ.
Sang quý 2, xuất khẩu rau quả đạt 830.228.481 USD, cộng dồn 2 quý đầu năm 2022 kim ngạch xuất khẩu đạt 1,679 tỷ USD, giảm đến 17,1% so với cùng kỳ.
Trong quý 3/, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 766.750.238 USD, giảm 8,27% so với quý trước và giảm 5,87% so với quý 3/2021. Cộng dồn 3 quý đầu năm xuất khẩu rau quả lại tiếp tục giảm 11,0% so với cùng kỳ và kim ngạch xuất khẩu đạt 2,446 tỷ USD.
Quý 4/2022, đạt 918.633.522 USD, tăng 19,8% so với quý trước và tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước nhờ kim ngạch xuất khẩu trong tháng 12 tăng.
Thị trường Trung Quốc lệch hẳn trong top 5
Top 5 thị trường xuất khẩu rau quả chủ lực của Việt Nam trong năm 2022 lần lượt là: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Thái Lan và Nhật Bản. Trong đó chỉ có thị trường Trung Quốc giảm gần 20%, hầu hết các thị trường còn lại đều đạt tăng trưởng so với năm trước.
Cụ thể, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc trong tháng 12/2022 đạt 159,433 triệu USD tăng 3,85% so với tháng 12/2021. Tuy nhiên, cộng dồn 12 tháng kim ngạch xuất khẩu rau quả sang nước này đạt 1,527 tỷ USD, giảm 19,94% so với năm ngoái và chiếm tỷ trọng 45,38% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước.
Kế đến là thị trường Hoa Kỳ với kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 247,769 triệu, tăng 11,15% so với năm trước.
Đứng thứ ba là thị trường Hàn Quốc với kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 180,764 triệu tăng 14,83% so với năm trước.
Nhật Bản đứng thứ tư với kim ngạch xuất khẩu đạt 165,084 triệu USD, tăng 7,74% so với năm rồi.
Thứ năm là thị trường Thái Lan với kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 168,055 triệu, tăng 14,10% so với năm 2021.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, sau khi trải qua một năm nhiều biến động ngành rau quả Việt Nam có nhiều cơ hội thị trường đang mở ra phía trước, và Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn dự kiến kim ngạch xuất khẩu rau quả đến năm 2025 đạt 5 tỷ USD.
Còn theo dự báo của Vinafruit, năm 2023 kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước ít nhất cũng đạt được 4 tỷ USD, năm 2024 sẽ tăng lên 4,5 tỷ đến năm 2025 sẽ đạt 5 tỷ USD như mục tiêu của Bộ.
Sở dĩ Vinafruit đưa ra con số dự báo 4 tỷ USD vào năm 2023 vì có nhiều thuận lợi và những cơ sở vững chắc so với năm 2022 để ngành rau quả hướng mục tiêu trên.
Thứ nhất, Trung Quốc là thị trường rất quan trọng và chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước, chính thị trường này sẽ quyết định giá cả các mặt hàng rau quả ở Việt Nam, và thương lái chờ thị trường Trung Quốc mua như thế nào họ mới tính ra giá mua trong nước. Trung Quốc gỡ bỏ chính sách “zero COVID” sẽ thúc đẩy lượng rau quả xuất khẩu sang thị trường này tăng mạnh.
“Từ khi có thông tin Trung Quốc mở cửa các loại rau quả trong nước như xoài, thanh long, mít, chuối... đều tăng giá. Bên cạnh đó, giá rau quả trong nước tăng giá là do mùa hè năm 2022 ở Trung Quốc hạn hán rất nghiêm trọng, các sông hồ bị cạn nước nên các loại cây trồng như thanh long, bưởi xoài... là những loại cây trồng cần nhiều nước tưới bị chết khiến diện tích rau quả ở Trung Quốc bị sụt giảm nghiêm trọng.
Nguồn cung thiếu hụt buộc Trung Quốc tăng nhập khẩu nhiều loại trái cây từ Việt Nam cho tiêu dùng nội địa. Chính vì vậy đã góp phần vào việc thúc đẩy nhập khẩu rau quả của nước này từ Việt Nam”, Tổng thư ký Vinafruit nói.
Thứ hai, mùa đông ở Trung Quốc rất lạnh cây thanh long không cho trái, và Trung Quốc cũng như Việt Nam vào dịp Tết người dân cần có một dĩa trái cây đặt trên bàn thờ gia tiên, nên họ nhập khẩu rất nhiều xoài và thanh long. Chính lực hút từ thị trường Trung Quốc khiến nhiều loại trái cây ở Việt Nam tăng giá kể cả sầu riêng.
Trước khi có Nghị định thư với Trung Quốc sầu riêng chỉ khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg, hiện nay giá sầu riêng đã lên 80.000 đồng/kg thậm chí loại đẹp xuất khẩu có giá 100.000 đến 120.000 đồng/kg. Nhìn chung giá trái cây hiện nay ở Đồng bằng sông Cửu Long đang tăng gấp 2, gấp 3 lần so với trước. Do vậy, có nhiều ý kiến cho rằng xuất khẩu rau quả trong năm 2023 sẽ có nhiều thuận lợi hơn so với năm 2022.
Thứ ba, các Nghị định thư mới ký và sắp ký sẽ tạo điều kiện cho rau quả vào thị trường Trung Quốc được thuận lợi hơn.
Nghị định thư góp phần tăng xuất khẩu rau quả vào Trung Quốc
Việt Nam đã đàm phán xuất khẩu chính ngạch 12 loại trái cây sang Trung Quốc, nhưng chỉ có 04 loại trái cây gồm măng cụt, sầu riêng, chuối và khoai lang là có Nghị định thư, còn lại 8 loại chưa có Nghị định thư và theo kế hoạch của Cục Bảo vệ thực vật, những mặt hàng đã có giấy phép xuất khẩu chính ngạch mà chưa có Nghị định thư như thanh long, chôm chôm, nhãn... sẽ được ưu tiên đàm phán ký trước.
Mặc dù có giấy phép xuất khẩu chính ngạch nhưng mặt hàng nào chưa ký Nghị định thư Trung Quốc sẽ kiểm tra 100% sản phẩm khi trước khi xuất vào nội địa, làm tăng thêm thời gian kiểm tra và chi phí chờ đợi. Những mặt hàng có Nghị định thư phía Trung Quốc chỉ lấy mẫu kiểm tượng trưng.
Do vậy, khi các Nghị định thư mới được ký cùng với những Nghị định thư cũ sẽ giúp rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc được nhiều hơn, cộng với việc nước này bỏ “zero COVID” cũng như người dân Trung Quốc tăng cường tiêu thụ trái cây để tăng sức đề kháng chống lại bệnh COVID, thúc đẩy thương nhân Trung Quốc tăng nhập khẩu trái cây.
Các doanh nghiệp xuất khẩu chuối cho biết lực hút chuối từ thị trường Trung Quốc tăng lên rất mạnh, trong nước có bao nhiêu cũng không đủ cung ứng. Chuối cũng là mặt hàng đã ký Nghị định thư nên tần suất xuất khẩu chuối sang Trung Quốc đang rất tốt.
“Dựa vào các Nghị định thư Việt Nam ký với phía Trung Quốc tôi đoán năm 2023 kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt 4 tỷ USD, năm 2024 là 4,5 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc tăng theo số Nghị định thư Việt Nam ký với Trung Quốc.
Bên cạnh đó mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói ngày càng nhiều sẽ thúc đẩy xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh, khi kim ngạch xuất khẩu rau quả sang đây tăng cao sẽ kéo được kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước, vì thị trường này chiếm trên dưới 50% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước”, Tổng thư ký Vinafruit nhận định.