Ngành hồ tiêu Việt Nam viết nên câu chuyện “cổ tích thần kỳ” khi vào năm 2014, lần đầu tiên xuất khẩu hạt tiêu đạt 1,21 tỷ USD, tăng 34,72% so với 2013, và được góp mặt vào nhóm ngành hàng xuất khẩu trên tỷ đô!
Câu chuyện cổ tích này chỉ tồn tại đúng 3 năm, sau đó là chuỗi dài tụt dốc và mãi cho đến nay ngành hồ tiêu vẫn chưa thể quay lại nhóm ngành hàng tỷ đô.
Giá xuất khẩu bình quân tăng mạnh cứu kim ngạch hạt tiêu
Theo số liệu thống kê vừa mới công bố của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu năm 2022 đạt 228.699 tấn, trị giá 970,608 triệu USD, giảm 12,4% về lượng, nhưng tăng 3,5% về trị giá so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân năm 2022 ước đạt 4.257 USD/tấn, tăng 18,5% so với năm 2021.
Xuất khẩu hạt tiêu năm 2022 giảm do nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu toàn cầu giảm, cùng với đó là tình hình lạm phát tăng cao và chính sách “zezo COVID” của Trung Quốc. Dù vậy, giá hạt tiêu năm 2022 lại cao hơn so với năm 2021 dẫn đến trị giá nhập khẩu từ nhiều thị trường tăng.
Còn theo thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong tháng 12/2022, các doanh nghiệp xuất khẩu được 20.481 tấn tiêu các loại, trong đó, tiêu đen đạt 18.287 tấn, tiêu trắng đạt 2.194 tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 74,1 triệu USD, tiêu đen đạt 62,9 triệu USD, tiêu trắng đạt 11,2 triệu USD, so với tháng trước lượng xuất khẩu tăng 24,7%, kim ngạch tăng 21,5%.
Cộng dồn cả năm 2022, xuất khẩu được 231.988 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 201.995 tấn, tiêu trắng đạt 29.993 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 985,3 triệu USD, tiêu đen đạt 811,5 triệu USD, tiêu trắng đạt 173,8 triệu USD. So với năm 2021, lượng xuất khẩu giảm 12,0% tương đương 31.704 tấn, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu tăng 3,9% tương đương 36,5 triệu USD.
Năm 2022, xuất khẩu được 231.988 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 201.995 tấnCác thị trường xuất khẩu chính
Hoa Kỳ, Trung Quốc, khối các nước Ả Rập là các thị trường xuất khẩu chính của hồ tiêu Việt Nam trong tháng 12, trong đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ đứng đầu đạt 5.864 tấn. Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu vẫn bao gồm Olam, Trân Châu và Nedspice.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam đạt 54.686 tấn, giảm 8,5%. Tiếp theo là xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 20.498 tấn, giảm 46,4%; UAE: 16.103 tấn, tăng 2,7%; Ấn Độ: 12.297 tấn, giảm 2,1%, Đức: 9.655 tấn, giảm 18,1%; … Một số thị trường lớn có lượng xuất khẩu giảm bao gồm: Pakistan giảm 51,2%; Pháp giảm 46,2%; Úc giảm 45,3%; Ai Cập giảm 43,7%; Thổ Nhĩ Kỳ giảm 35,9%; Nam Phi giảm 32,0%; Anh giảm 15,9%.
Tuy nhiên cũng có một số thị trường có lượng nhập khẩu tăng như: Singapore tăng 717,6%; HongKong tăng 611,1%; đặc biệt là thị trường Nga mặc dù đang bị ảnh hưởng bởi xung đột Đông – Âu nhưng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang thị trường này vẫn tăng 21,1% đạt 6.291 tấn. Các thị trường nhập khẩu tiêu trắng hàng đầu: Mỹ: 4.877 tấn, Đức: 4.223 tấn, Hà Lan: 2.856 tấn, Thái Lan: 2.324 tấn.
Năm 2022, năm thứ 2 liên tiếp Công ty Olam - doanh nghiệp FDI xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu Việt Nam đạt 29.152 tấn, so với năm ngoái lượng xuất khẩu tăng 8,4%.
Thứ hai là Công ty Trân Châu với khối lượng xuất khẩu đạt 25.717 tấn, tăng 8,0%; Nedspice: 16.845 tấn, giảm 16,6%; Phúc Sinh: 14.829 tấn, giảm 11,1%; Haprosimex JSC: 12.710 tấn, tăng 4,4%.
Nhu cầu hạt tiêu thế giới sẽ giảm mạnh trong quý 1/2023
Theo Cục xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, nhu cầu hạt tiêu sẽ giảm mạnh vào quý I/2023 với mùa đông rất khó khăn ở khu vực EU, do cuộc khủng hoảng năng lượng. Dự báo cả năm 2023, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn trong bối cảnh giá xuất khẩu thế giới chịu áp lực do nhu cầu tiêu thụ thấp.
Hiện đang là thời điểm trùng với hàng vụ tiêu mới của Việt Nam được đưa ra thị trường. Do đó, ngành hạt tiêu Việt Nam cần tăng khả năng hợp chuẩn theo các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là về các khía cạnh như dư lượng hóa chất, các tiêu chí sản xuất bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm mới giúp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Sau 6 năm xuất khẩu hạt tiêu chưa thể quay lại nhóm ngành 1 tỷ USD
Ngành hồ tiêu Việt Nam viết nên câu chuyện “cổ tích thần kỳ” khi vào năm 2014, lần đầu tiên xuất khẩu hạt tiêu đạt 1,21 tỷ USD, tăng 34,72% so với 2013, và được góp mặt vào nhóm ngành hàng xuất khẩu trên tỷ đô!
Năm 2015, xuất khẩu hồ tiêu đạt 132.619 tấn với kim ngạch 1,266 tỷ USD, so với năm 2014 giảm 14,4% về lượng nhưng tăng 5% về giá trị.
Năm 2016, xuất khẩu hạt tiêu đạt 177.893 tấn, và kim ngạch mang về lên đến 1,429 tỷ USD, so với năm 2015 tăng mạnh 35,3% về lượng nhưng kim ngạch chỉ tăng nhẹ 13,5%.
Sang năm 2017, tuy vẫn nằm trong nhóm ngành hàng tỷ đô nhưng ngành hồ tiêu bộc lộ xu hướng đi xuống khi xuất khẩu đạt 214.885 tấn, so với năm 2016 tăng mạnh về lượng gần 21%, nhưng kim ngạch xuất khẩu giảm đến 22% chỉ đạt 1,118 tỷ USD.
Năm 2018, ngành hồ tiêu chính thức rớt mốc 1 tỷ USD, khi khối lượng xuất khẩu tăng mạnh đạt 232.750 tấn, nhưng kim ngạch chỉ đạt 758,823 triệu USD, so với năm 2017 tăng 8,3% về lượng nhưng giảm 32,1% về kim ngạch.
Năm 2019, xuất khẩu đạt 283.836 tấn, trị giá 714,139 triệu USD, tăng 21,9 % về lượng nhưng giảm 5,9 % về kim ngạch.
Năm 2020, xuất khẩu đạt 285.292 tấn, trị giá 660,569 triệu USD, tăng 0,4 % về lượng nhưng giảm 7,5% về kim ngạch.
Năm 2021, xuất khẩu đạt 260.989 tấn, trị giá 937,849 triệu USD, giảm 8,5 % về lượng nhưng tăng 42% về kim ngạch nhờ giá xuất khẩu tăng.
Năm 2022, 228.699 tấn, trị giá 970,608 triệu USD, giảm 12,4% về lượng, nhưng tăng 3,5% về trị giá so với năm 2021.
Từ năm 2007 đến năm 2015, giá hồ tiêu luôn giữ ổn định ở mức 180.000-200.000đ/kg, gây ra cơn ‘sốt’ hồ tiêu ở Tây Nguyên, so với cà phê và cao su cây tiêu cho thu nhập cao gấp hàng chục lần, nên bằng mọi giá người dân bỏ tiền đầu tư trồng tiêu dù biết là mạo hiểm. Trong khi đó thị trường hồ tiêu thế giới cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, khả năng rớt giá sâu do cung vượt cầu hoàn toàn có thể xảy ra trong vài năm tới.
Đến năm 2016 và các năm sau đó do cung vượt cầu dẫn đến giá hạt tiêu trên thị trường toàn cầu sụt giảm mạnh, và câu chuyện của ngành hồ tiêu Việt Nam là bài học.
Từ khi ngành hồ tiêu gia nhập ngành hàng tỷ đô, giá hồ tiêu trong nước tăng cao có lúc lên đến 180.000 – 200.000 đồng/kg, cũng là lúc nông dân ồ ạt mở rộng diện tích khiến ngành hồ tiêu Việt Nam đối mặt với khủng hoảng thừa, do cung vượt cầu. Nhìn con số xuất khẩu trong năm 2018 sẽ dễ dàng nhận biết tình hình của ngành hàng này, và là năm xuất khẩu hồ tiêu trượt dốc không phanh khi kim ngạch mang về chỉ tăng nhẹ là nhờ khối lượng xuất khẩu tăng mạnh.
Ồ ạt phát triển diện tích không theo quy hoạch, ngành hồ tiêu ngậm trái đắng
Trong quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu, năm 2020 và tầm nhìn 2030 của Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, diện tích cả nước duy trì ổn định ở mức 50.000ha, sản lượng đạt 140.000 tấn/năm. Tuy nhiên, khi giá hạt tiêu trên thị trường bắt đầu vượt mức 150.000 đồng/kg, đã kích thích nông dân Tây Nguyên mở rộng diện tích bằng mọi giá, họ chặt bỏ cây cà phê, cây cao su để trồng tiêu, và hậu quả là đến nay diện tích cây tiêu đã tăng trên 130.000 ha.
Do tăng mạnh diện tích nên sản lượng hồ tiêu Việt Nam tăng lên gấp đôi, dẫn đến nguồn cung dư thừa và gặp nhiều rủi ro không mong muốn. Bởi khi sản lượng tăng nhanh thị trường hồ tiêu sụp đổ mà đến nay ngành hàng này vẫn chưa hồi phục. Đây cũng là bài học “nhãn tiền” để ngành nông nghiệp và bà con nông dân suy ngẫm khi diện tích cây sầu riêng cũng đang bùng nổ.