CTCP Cảng Xanh VIP (mã CK: VGR) vừa công bố Báo cáo tài chính quý 1/2024 với doanh thu thuần đạt 242 tỷ đồng, tăng gần 28% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 119 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ và biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 39,4% lên 49,3%.
Trừ đi các chi phí, Cảng Xanh VIP lãi trước thuế 106 tỷ, tăng 93% so với cùng kỳ và lãi sau thuế hơn 94 tỷ, tăng hơn 97%.
Cảng Xanh VIP cho biết nguyên nhân khiến lợi nhuận tăng cao là vì sản lượng container qua Cảng tăng 22,65% nên dẫn đến doanh thu tăng so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, chi phí khấu hao giảm do TSCĐ hết khấu hao.
VGR thành lập tháng 10/2014 bởi 2 cổ đông lớn là CTCP Container Việt Nam (Viconship – mã VSC) và CTCP vận tải xăng dầu Vipco, với vốn điều lệ ban đầu 450 tỷ. Năm 2015, đối tác chiến lược Evergreen Marine Corp (Taiwan) Ltd – một hãng tàu lớn của Đài Loan (Trung Quốc), đã mua 12,5 triệu cổ phiếu từ đợt phát hành riêng lẻ của VGR qua đó trở thành cổ đông lớn.
Cơ cấu cổ đông VGR thay đổi lớn sau khi Viconship mua lại toàn bộ phần vốn góp của Xăng dầu Vipco tháng 4/2016, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu lên 74,34%. Đến tháng 4/2018, VGR đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM với vốn điều lệ 632,5 tỷ đồng cùng mức định giá ban đầu hơn 1.100 tỷ. 2 cổ đông lớn của VGR đến nay vẫn là Viconship (74,34%) và Evergreen Marine (21,74%).
Theo giới thiệu trên website, Cảng Xanh VIP đang hoạt động với 2 bến với tổng chiều dài 400m, 5 thiết bị xếp dỡ tuyến cầu tầu với sức nâng từ 45 tấn tới hơn 100 tấn, năng suất xếp dỡ bình quân 28 moves/ giờ/ thiết bị. Bãi container có sức chứa 12.000 teus, được quy hoạch riêng cho hàng nhập, hàng xuất, khu vực hàng trung chuyển/ quá cảnh, … và đồng bộ với 2.000 phích cắm container lạnh. Cảng Xanh VIP có thể phục vụ cho các tàu có tải trọng lên đến 42.000 DWT (2.500 TEU) với chiều dài tàu 226M ra vào 24/7.
Viconship cho biết, thông lượng qua cụm cảng Hải Phòng đã có tín hiệu cải thiện rõ rệt từ giữa năm 2023 do các cảng ở đây ít phụ thuộc vào các tuyến tàu đi Mỹ, châu Âu so với các cảng ở miền Nam; và thị trường nội Á đóng góp cao hơn, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia có chính sách tiền tệ lỏng hơn Mỹ, châu Âu và hoạt động giải phóng hàng tồn kho ít mạnh mẽ hơn.
Từ khi lên sàn chứng khoán, VGR chưa năm nào quên chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông, đặc biệt là tỷ lệ cổ tức còn liên tục tăng qua từng năm. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, cổ đông Cảng Xanh VIP đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 với tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền là 70%, mức cổ tức cao nhất của VGR kể từ khi lên sàn. Trước đó, VGR đã tạm ứng 10% cổ tức vào ngày 14/6/2023. 60% còn lại sẽ được thanh toán vào ngày 15/4 tới đây.
Kế hoạch kinh doanh năm 2024 của Cảng Xanh VIP với mục tiêu doanh thu 774 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 240 tỷ đồng, lần lượt giảm 14% và 22% so với thực hiện năm 2023. Sau quý 1, Công ty đã hoàn thành được 31% kế hoạch doanh thu và 44% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.
Trên sàn chứng khoán, kết phiên 11/4, cổ phiếu VGR đóng cửa ở mức giá 51.200 đồng/cp, tăng gần 37% so với hồi đầu năm.