Để có thể thực hiện được các mục tiêu, ngày 13 - 17/11, tại thành phố Bali, Indonesia, Hiệp Hội Cảng biển Đông Nam Á (APA) tổ chức hội nghị lần thứ 47 do cảng Pelindo (Indonesia) đăng cai.
Hội nghị được điều hành bởi ông Bùi Văn Quỳ, Chủ tịch APA, Phó Chủ tịch VPA, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn. Đại diện Bộ Giao thông vận tải Indonesia tham dự và phát biểu khai mạc hội nghị.
Các nước thành viên tham gia APA bao gồm đại diện Việt Nam, Brunei Darussalam, Campuchia, Malaysia, Myanmar, Indonesia, Philippines, Singapore và Thái Lan.
Tại hội nghị APA lần thứ 47, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan tới phát triển bền vững hệ thống cảng biển trong khu vực Đông Nam Á, biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, các dự án cảng biển trong khu vực, vượt qua các khó khăn do tình hình bất ổn định toàn cầu và trao đổi thông tin giữa các cảng thành viên hiệp hội.
Các đại biểu cũng thảo luận về vấn đề liên quan tới số hóa và xanh hóa của các cảng biển trong khu vực. Đặc biệt bài tham luận của ông Jayendu Krishna, Đại diện tư vấn Hàng Hải Drewery với chủ đề “Triển vọng toàn cầu - Cảng và Logistics tại các nước Đông Nam Á” đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu tham dự Hội nghị.
Chuyên gia Drewery đã có những phân tích sâu sắc về các giải pháp năng lượng sạch, triển vọng với thương mại, cảng biển và logistics với các nước Đông Nam Á cũng như các khó khăn thử thách trong bối cảnh hiện tại và trong thời gian tới.
Các đại biểu cũng đã thảo luận các chương trình hoạt động của APA trong 5 năm tới. Đặc biệt từ năm 2024 khi Thủ tục hàng hải một cửa (Maritime Single window) của Tổ chức hàng hải quốc tế IMO áp dụng bắt buộc với các nước cam kết thực hiện theo lộ trình.
Tham dự hội nghị lần này, đoàn đại biểu các nước trình bày các dự án trọng điểm trong việc xây dựng, nâng cấp cảng và logistics của nước mình, các kinh nghiệm trong việc tiếp nhiên liệu Methanol cho tàu container tại Singapore, chuyển đổi số tại cảng Myanmar, kế hoạch phát triển cảng biển tại Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050…
Hội nghị là dịp để các đại biểu Việt Nam có thêm cơ hội học tập, giao lưu, trao đổi thông tin và kinh nghiệm với các cảng biển khác trong khu vực, thông qua đó đảm bảo được tầm nhìn và mục tiêu của APA như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiệu quả và năng suất hoạt động các cảng thành viên và phát triển bền vững.
Ngoài ra, hội nghị cũng thông qua các chương trình trọng điểm cho năm 2024 như: Thái Lan sẽ tổ chức Hội nghị thường niên 2024 và Lễ kỷ niệm 50 thành lập Hiệp hội cảng biển Đông Nam Á, còn Malaysia sẽ tổ chức hội thảo APA sport meet 2024.