Theo nhận định của một số công ty chứng khoán, thời điểm khó khăn nhất với các doanh nghiệp bán lẻ có thể đã qua. Lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ khả năng sau khi đã chạm đáy trong nửa đầu năm 2023 sẽ dần phục hồi vào nửa cuối năm và sang hai năm 2024-2025 sẽ phục hồi mạnh mẽ.
Sức mua yếu và "chiến giá" khiến lợi nhuận chạm đáy
Kể từ quý 4/2022, lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ đã giảm sút đáng kể do chịu ảnh hưởng từ những khó khăn của kinh tế vĩ mô. Đặc biệt là xuất khẩu sụt giảm khiến nhiều công nhân mất việc cộng thêm lạm phát leo thang càng gây áp lực lên thu nhập khả dụng của người tiêu dùng, do đó người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu không thiết yếu.
Ngoài ra, môi trường lãi suất cao và tín dụng thắt chặt bởi các công ty tài chính tiêu dùng càng đè nặng lên tiêu dùng không thiết yếu, nhất là các mặt hàng ICT và CE (công nghệ thông tin và điện tử gia dụng).
Lạm phát không chỉ khiến tiêu dùng giảm mà còn gây áp lực lên chi phí cho các doanh nghiệp bán lẻ. Chi phí logistics và chi phí lao động tăng, nhưng doanh nghiệp khó chuyển phần tăng này cho người tiêu dùng trong bối cảnh nhu cầu yếu.
Thậm chí, các doanh nghiệp bán lẻ ICT và CE phải lao vào "cuộc chiến" giảm giá để thúc đẩy doanh thu, qua đó giảm hàng tồn kho và bảo toàn dòng tiền. Do đó, tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ ICT và CE đều bị siết chặt.
Tăng trưởng doanh thu mảng ICT & CE của một số doanh nghiệp bán lẻ - Nguồn: Báo cáo của công ty,
SSI Research
Trong báo cáo cập nhật về ngành bán lẻ, SSI Research nhận định tiêu dùng không thiết yếu dự kiến sẽ vẫn yếu ít nhất là cho đến hết quý 2/2023 và quý 3/2023 do những khó khăn trong nền kinh tế vĩ mô.
Trên cơ sở đó, SSI Research cho rằng lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ có thể đã chạm đáy trong nửa đầu năm 2023 xét về giá trị tuyệt đối và các doanh nghiệp bán lẻ đang trên đà phục hồi.
Tuy nhiên, SSI Research kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ sẽ tích cực trở lại từ quý 4/2023 đến năm 2024. Sự phục hồi lợi nhuận có thể được thúc đẩy nhờ đẩy mạnh giải ngân các khoản vay tiêu dùng; điều kiện kinh tế vĩ mô cải thiện; các công ty có tình hình tài chính vững mạnh tăng thêm thị phần và tỷ suất lợi nhuận cải thiện nhờ mức tồn kho thấp hơn sau đợt cạnh tranh gay gắt về giá trong quý 2/2023.
SSI Research cũng lưu ý, triển vọng dài hạn của các doanh nghiệp bán lẻ sẽ phụ thuộc vào quá trình chuyển đổi từ thương mại truyền thống sang thương mại hiện đại và kế hoạch huy động vốn của các công ty, đây có thể là chỉ báo dẫn trước cho triển vọng tăng trưởng lợi nhuận.
MWG, FRT có thể tăng trưởng 3 chữ số vào năm 2024?
Tương tự, trong báo cáo vừa công bố, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng đưa ra kỳ vọng thu nhập và tiêu dùng cá nhân dần phục hồi trong các quý tới, nhất là sau những chính sách hỗ trợ gần đây của Chính phủ như chủ động cắt giảm lãi suất, hạ thuế VAT cho một số mặt hàng,...
Dù BVSC cho rằng kết quả kinh doanh quý 2/2023 của các "ông lớn" bán lẻ vẫn ở mức thấp, và duy trì quan điểm rằng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ có thể chạm đáy trong nửa đầu năm 2023 nhưng kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ dần dần hồi phục từ nửa sau của năm 2023 và tăng tốc trở lại vào năm 2024.
Với từng doanh nghiệp cụ thể, BVSC dự phóng lợi nhuận ròng 2024 của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG) sẽ phục hồi mạnh mẽ 132,1% sau khi giảm 70% vào năm 2023, nhờ kết quả kinh doanh chuỗi ICT và CE phục hồi và Bách Hóa Xanh tiếp tục giảm lỗ.
Tương tự đối với CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (mã FRT), BVSC kỳ vọng những lợi thế tiên phong của Long Châu giúp mang lại đóng góp lợi nhuận đáng kể hơn, trong khi chuỗi di động có khả năng chuyển biến ghi nhận lợi nhuận trong 2024 từ mức dự báo lỗ trong năm 2023. Theo đó, năm 2024 FRT có thể đạt lợi nhuận ròng gần 423 tỷ đồng, tăng 427% so với mức nền thấp của năm 2023.
Đồng thời, BVSC duy trì dự báo tăng trưởng lợi nhuận ròng trong năm 2024 của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) đạt 11,5% sau khi giảm 5,8% trong 2023.
Dự báo kết quả kinh doanh hai năm 2023-2024 của BVSC đối với MWG, FRT và PNJ
Trong khi đó, SSI Research dự báo lợi nhuận ròng năm 2023 của MWG có thể đạt 2.410 tỷ đồng, giảm 41% so với năm 2022 và lợi nhuận ròng năm 2024 đạt 4.990 tỷ đồng, tăng trưởng 107%.
Với FRT, SSI Research ước tính lợi nhuận hai năm 2023-2024 của doanh nghiệp sẽ lần lượt đạt 200 tỷ đồng (giảm 50% so với cùng kỳ) và 446 tỷ đồng (tăng 123% so với cùng kỳ).
Với PNJ, SSI Research ước tính lợi nhuận sau thuế năm 2023 sẽ đạt 1.740 tỷ đồng (giảm 4% so với năm 2022). Nhưng sang năm 2024, công ty chứng khoán này dự báo lợi nhuận ròng của PNJ có thể đạt 1.960 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2023 và sẽ cao hơn 9% so với mức kỷ lục trong năm 2022 nhờ mạng lưới cửa hàng rộng hơn tại các thành phố cấp 2 và 3.
Ngoài ra, SSI Research cũng đưa ra dự báo về lợi nhuận của CTCP Thế giới số (mã DGW) trong hai năm 2023-2024 lần lượt là 456 tỷ đồng (giảm 33% so với năm 2022) và 621 tỷ đồng (tăng 36% so với năm 2023).
Như vậy, dù con số ước tính của các công ty chứng khoán về lợi nhuận của các "ông lớn" bán lẻ có thể khác nhau nhưng nhìn chung đều cho thấy một bức tranh sáng màu hơn với ngành bán lẻ trong năm 2024.