Tại báo cáo trên, đơn vị tư vấn bất động sản toàn cầu này cho biết, trong quý I vừa qua, chỉ số nhà ở tại Hà Nội đã tăng 8 điểm phần trăm so với quý trước lên 142,5 điểm và tăng 37% kể từ khi chạm đáy ở mức 104,1 vào quý III năm 2019.
Theo ghi nhận, trong quý, giá nhà trung bình tại Hà Nội là 44 triệu VNĐ/m2 diện tích xây dựng (NSA), tăng 8% theo quý. Tỷ lệ hấp thụ đạt 41%, tăng 15 điểm phần trăm theo quý và 27 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Loại B chiếm 88% tổng số giao dịch. Nguồn cung mới đạt 45% tỷ lệ hấp thụ. Các dự án lớn chiếm 71% tổng số giao dịch, phản ánh nhu cầu tiếp tục tăng cho các khu vực ngoại vi.
Theo báo cáo, Hà Nội đang ưu tiên phát triển các công trình cơ sở hạ tầng, tạo ra nhu cầu bất động sản ngay lập tức và nền tảng cho tăng trưởng bền vững. Các dự án trọng điểm sẽ là động lực tạo cơ hội cho các dự án nhà ở giá cả phải chăng.
Ngoài ra, sự tự tin và ổn định đang trở lại thị trường bất động sản trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp và các cải cách quy định toàn diện mới, bao gồm các Luật Kinh doanh Bất động sản và Nhà ở cũng như các biện pháp tài khóa hỗ trợ của Chính phủ.
Ảnh minh họa
Ngược lại, tại TP.HCM, chỉ số nhà ở giảm 2 điểm phần trăm so với quý trước xuống 123 điểm sau khi nhiều dự án bị tạm dừng. Giá bán sơ cấp cũng ghi nhận giảm 3% so với quý trước xuống còn 67 triệu VNĐ/m2 thông thủy.
Tỷ lệ hấp thụ giảm 18 điểm phần trăm so với quý trước xuống 23%. Tuy nhiên, nguồn cung mới đạt tỷ lệ hấp thụ 70% trong khi tồn kho chỉ đạt tỷ lệ hấp thụ 16%.
Theo báo cáo, trong bối cảnh giao dịch giảm sút và niềm tin người mua nhà yếu, các nhà phát triển đang cho thấy sự thận trọng thông qua việc duy trì giá bán ổn định và tăng chiết khấu. Một số chủ đầu tư đã tạm dừng các dự án để tinh chỉnh chính sách bán hàng.
Đáng chú ý, giao dịch bất động sản ở TP.HCM giảm sút diễn ra trong bối cảnh khảo sát của Kantar tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ cho thấy, chỉ số niềm tin người tiêu dùng (CCI) quý 1/2024 đạt 78, tương đương với đỉnh điểm trong sáu quý. CCI tăng 11 điểm phần trăm so với quý trước do triển vọng kinh tế tích cực. Dù kết quả này khá lạc quan, mối quan tâm chính của người tiêu dùng là chi phí sinh hoạt tăng cao trong khi thu nhập và chi phí thực phẩm đã dần ổn định.
Vào tháng 1/2024, Infocus đã khảo sát nhận thức của người tiêu dùng về sự phục hồi kinh tế của Việt Nam. Chỉ 27% người được hỏi tin rằng sự phục hồi sẽ diễn ra trong nửa đầu năm 2024, trong khi 31% cho rằng sự phục hồi sẽ xảy ra trong nửa sau của năm 2024. 42% tin rằng sự phục hồi sẽ diễn ra sau năm 2024. Điều này có nghĩa là chi tiêu của người tiêu dùng trong năm 2024 có thể thận trọng hơn.
Đáng chú ý, theo khảo sát, hầu hết người tiêu dùng và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đều lạc quan về triển vọng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam. 53% người tiêu dùng và 63% lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng nền kinh tế sẽ tốt hơn trong 3 năm tới.