UBND tỉnh Bình Định vừa có công văn gửi Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đề nghị tháo gỡ khó khăn về thủ tục chuyển đổi đất lúa trong triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, qua rà soát, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Định có 10 dự án đang gặp khó khăn về các thủ tục chuyển đổi đất lúa, thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai năm 2013.
Cụ thể là dự án Khu đô thị Long Vân 3 do Liên danh Công ty cổ phần Xây dựng TC Bình Định và Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển kho bãi Nhơn Tân làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư 2.550 tỷ đồng, hiện đang khó khăn trong việc chuyển đổi đất lúa (khoảng 20,79ha).
Dự án Khu đô thị Long Vân 4 do Liên danh Công ty cổ phần Phú Tài và Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển kho bãi Nhơn Tân làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư 2.220 tỷ đồng, hiện gặp khó khăn trong chuyển đổi đất lúa (khoảng 11,9ha).
Dự án Khu đô thị xanh Đông Bắc Diêu Trì, huyện Tuy Phước do Liên danh Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ Đô và Công ty cổ phần Đầu tư nhà An Bình làm chủ đầu tư. Dự án với tổng vốn đầu tư hơn 2.255 tỷ đồng, hiện đang gặp khó trong việc chuyển đổi đất lúa (khoảng 40,66ha).
Dự án Khu đô thị NĐT - 1 Tây đường Quốc lộ 19 (mới) do Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển kho bãi Nhơn Tân làm chủ đầu tư. Dự án với tổng vốn đầu tư 2.950 tỷ đồng, hiện đang gặp khó khăn trong việc chuyển đổi đất lúa (khoảng 22,44ha).
Khu đô thị NĐT - 2 Tây đường Quốc lộ 19 (mới) do Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển kho bãi Nhơn Tân làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư 3.010 tỷ đồng, hiện gặp khó khăn trong việc chuyển đổi đất lúa (khoảng 22,77ha).
Khu đô thị Bình Chương Nam, phường Hoài Đức, thị xã Hoài Nhơn do Liên danh Công ty cổ phần Bất động sản Mỹ, Công ty TNHH Bất động sản Quảng Bình, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Quang làm chủ đầu tư. Dự án có vốn đầu tư 1.646,5 tỷ đồng, hiện đang gặp khó khăn trong việc chuyển đổi đất lúa (khoảng 23,94 ha).
Khu đô thị mới Nhơn Bình do Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư HBC Sài Gòn Bình Định và Công ty cổ phần May – Diêm Sài Gòn làm chủ đầu tư. Dự án này có vốn 2.480,23 tỷ đồng, hiện đang gặp khó khăn trong việc chuyển đổi đất lúa (khoảng 17,13ha)...
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 469/CĐ-TTg về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, thống kê số lượng dự án bất động sản đang triển khai trên địa bàn; phân loại dự án gặp khó khăn, vướng mắc; chủ động làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng dự án vướng mắc hoặc triển khai chậm, để xác định rõ nguyên nhân, nhằm kịp thời tháo gỡ ngay khó khăn thuộc thẩm quyền.
Đồng thời, tổng hợp vướng mắc thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội; trong đó chỉ rõ các điều khoản của quy định, văn bản là nguyên nhân của vướng mắc, gửi về Tổ công tác trước để tổng hợp, báo cáo theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính huy động tổ chức, chuyên gia định giá đất đai theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án đầu tư.
Đối với dự án bất động sản được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết nhưng chưa cập nhật, bổ sung vào quy hoạch phân khu, quy hoạch chung, quy hoạch tỉnh thì rà soát, thực hiện điều chỉnh quy hoạch theo thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của các cấp độ quy hoạch, không hợp thức hóa sai phạm dẫn đến tham nhũng, tiêu cực...