Tại cuộc họp, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng trước Quốc hội.
Theo đó, Chính phủ đề xuất cho phép 3 luật liên quan thị trường bất động sản là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1/8, sớm 5 tháng so với quyết nghị của Quốc hội. Riêng khoản 10, Điều 255 và khoản 4, Điều 260 của Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trình bày Tờ trình. Ảnh: Quốc hội
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, mục đích ban hành luật sửa đổi này là nhằm đưa các nội dung đổi mới của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản vào thực tiễn, sớm khắc phục những tồn tại hạn chế của pháp luật hiện hành; đồng thời khơi thông nguồn lực đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, tạo động lực mới cho phát triển đất nước và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân sớm được tiếp cận chính sách đổi mới theo hướng có lợi như chính sách nhà ở xã hội, chính sách đất ở đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, quyền lợi của người có đất bị thu hồi, đơn giản hóa thủ tục hành chính...
Bên cạnh đó, quan điểm sửa đổi phù hợp với chủ trương của Đảng về hoàn thiện đồng bộ hệ thống luật pháp, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, khả thi; quyền, lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các đối tượng chịu sự tác động.
Cần làm rõ tính tối ưu của việc điều chỉnh hiệu lực các luật sớm hơn
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, các tài liệu trong hồ sơ dự án luật cơ bản đáp ứng quy định. Tuy nhiên, để bảo đảm đầy đủ cơ sở, thông tin cho Quốc hội xem xét, quyết định, đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung, bao gồm: tiến độ, lộ trình xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật của các địa phương; phân tích, so sánh chi phí, lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, đánh giá kỹ lưỡng những tác động tiêu cực đối với phát triển kinh tế - xã hội để làm rõ tính tối ưu của việc điều chỉnh hiệu lực của các luật sớm hơn so với việc giữ nguyên hiệu lực thi hành.
Đánh giá tác động về vấn đề sử dụng đất của cá nhân người nước ngoài, doanh nghiệp có một phần vốn của tổ chức, cá nhân nước ngoài, vấn đề sở hữu nhà ở của cá nhân, tổ chức nước ngoài, kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp có một phần vốn của tổ chức, cá nhân nước ngoài;
Tổng hợp ý kiến của đối tượng chịu sự tác động là doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, các tổ chức đại diện quyền và lợi ích của các doanh nghiệp về nội dung dự án luật.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng, tránh phát sinh xung đột pháp luật do các nội dung chuyển tiếp của Luật Đất đai có ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung chuyển tiếp của Luật Nhà ở. Cụ thể, khoản 10 Điều 255 của Luật Đất đai về chuyển tiếp đối với các dự án đầu tư, bao gồm cả dự án đầu tư xây dựng nhà ở sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2025, trong khi Luật Nhà ở có hiệu lực vào ngày 1/8/2024 có thể dẫn đến trường hợp 1 dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải thực hiện chuyển tiếp 2 lần vào 2 thời điểm có hiệu lực thi hành khác nhau của 2 luật.
Về sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 197 Luật Nhà ở, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 197 của Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 8 năm 2024 và không sửa đổi các quy định chuyển tiếp trong Luật Nhà ở.
Theo Ủy ban Kinh tế, quy định nêu trên chưa bảo đảm quyền lợi của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của luật, nhất là trong trường hợp một số chính sách mới của Luật Nhà ở năm 2023 có yêu cầu quản lý cao hơn, điều kiện thi hành chặt chẽ hơn, cần có đủ thời gian chuyển tiếp hợp lý để các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp chuẩn bị các điều kiện để thực hiện với chính sách mới.
Ngoài ra, một số thẩm quyền giao cho UBND cấp tỉnh triển khai cần phải có thời gian chuẩn bị điều kiện thi hành, nếu luật có hiệu lực sớm hơn 5 tháng sẽ gây khó khăn cho các đối tượng này do thời gian để chính quyền địa phương, hộ gia đình, cá nhân chuẩn bị các điều kiện để thực hiện luật sẽ bị giảm 5 tháng.