Số lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng cao
Theo Tổng cục Thống kê, báo cáo nhanh của các địa phương nêu, quý 1/2023, nhiều địa phương có hiện tượng giãn việc, nghỉ việc nhiều. Cụ thể, như Thanh Hóa (62.400 người), Bình Dương (khoảng 36.400 người), TP.HCM (khoảng 19.800 người), Bắc Giang (16.000 người)…
Tính chung quý 1/2023, tổng số lao động bị mất việc là gần 149.000 người. Trong đó 55,2% lao động bị mất việc thuộc các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, tập trung ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, như Đồng Nai (khoảng 32.600 người), Bình Dương (khoảng 21.700 người), Bắc Ninh (khoảng 14.000 người), Bắc Giang (khoảng 7.700 người).
Tỷ lệ thuận với đó, thống kê từ Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) quý 1/2023, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng gần 20% so với cùng kỳ 2022. Riêng trong tháng 3 tăng 60-70% so với tháng 2.
Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp thiếu đơn hàng, nguyên liệu sản xuất dẫn đến giãn việc, cắt giảm lao động; công ty giải thể. Người lao động cảm thấy công việc không còn phù hợp; khi hết hạn hợp đồng không được doanh nghiệp ký lại...
Cục Việc làm đánh giá, số người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp phản ánh hết sức khách quan tình hình của thị trường lao động. Tín hiệu này cũng cho thấy "sức khỏe" của các doanh nghiệp đang gặp vấn đề. Trước bối cảnh đó, để thích ứng với tình hình trong từng giai đoạn cụ thể, các doanh nghiệp sẽ phải cơ cấu lại lực lượng lao động, đặc biệt ở một số ngành liên quan đến xuất khẩu. Vì vậy, số lượng người lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng trong đầu năm 2023 là hết sức bình thường.
Người lao động đang "bỏ quên" cơ hội học nghề từ gói bảo hiểm thất nghiệp
Mặc dù tỷ lệ nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp ở mức cao, nhất là từ khi có dịch COVID-19, nhưng số người thất nghiệp lựa chọn học nghề thấp, chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2015 đến nay, số người có quyết định hỗ trợ học nghề là gần 30.400 người/năm (chiếm 4% số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp mỗi năm).
Chia sẻ tại tọa đàm "Hiểu đúng về bảo hiểm thất nghiệp - Giá đỡ với người lao động Việt" do Cục Việc làm tổ chức, bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội cho biết, khi tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp, người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp 60% của bình quân 6 tháng lương liền kề trước khi mất việc. Ngoài ra, còn được hỗ trợ học nghề và tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí, thẻ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu, để hưởng trợ cấp thất nghiệp người lao động phải nộp đủ bảo hiểm thất nghiệp 12 tháng trở lên, nhưng đối với người được hỗ trợ học nghề thì chỉ cần đóng từ đủ 9 tháng trở lên là người lao động có quyền được hỗ trợ học nghề.
"Đây là quyền lợi mà nhiều lao động bỏ quên. Chúng tôi đã cố gắng làm công tác thông tin tuyên truyền rất nhiều, để người lao động hiểu được rằng họ có được những quyền lợi như vừa nêu, chứ không phải chỉ đến để nhận khoản tiền trợ cấp thất nghiệp nhất định", bà Liễu chia sẻ.
Theo bà Liễu, hiện mức hỗ trợ học nghề đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng không quá 4,5 triệu đồng/khóa học, tùy thời gian và mức phí quy định cụ thể của từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Trường hợp lao động tham gia khóa đào tạo nghề từ trên 3 tháng, căn cứ vào mức phí, học phí của từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp quy định và căn cứ theo thời gian học thực tế, người lao động được hỗ trợ mức phí không quá 1,5 triệu đồng/tháng.
Bà Liễu cho rằng, quyền lợi của người lao động cần được nhân rộng, hỗ trợ nhiều hơn, mức hỗ trợ học nghề miễn phí cần tăng theo thời gian cho sát với điều kiện thực tế sẽ khuyến khích người lao động tham gia tích cực, đầy đủ.
Hiện nay, quy định tại Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn về chế độ hỗ trợ học nghề mới chủ yếu giải quyết nhu cầu học nghề cho người lao động thất nghiệp mà chưa có giải pháp hỗ trợ tham gia đào tạo, phát triển kỹ năng nghề.
Bên cạnh đó, nội dung hỗ trợ là học phí học nghề, chưa có các nội dung hỗ trợ khác trong thời gian học nghề (chi phí ăn, ở, đi lại…). Chính vì vậy, người sử dụng lao động không "mặn mà" trong việc tiếp cận được với chế độ này.
Từ thực tế này, tại Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng đã đề xuất bổ sung các chính sách để đẩy mạnh hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động, hỗ trợ người thất nghiệp tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Trong đó, các chính sách cũng hướng đến việc tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề, khắc phục tình trạng người lao động chỉ nhận trợ cấp thất nghiệp, như bổ sung quy định những người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp đều được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, hình thức cung ứng dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm, bổ sung quy định phạm vi và nội dung hỗ trợ (đi lại, ăn, ở…) ngoài mức học phí.