Theo đánh giá từ FiinRatings, thời gian tới, bất động sản khu công nghiệp Việt Nam vẫn sẽ phát triển ổn định nhờ nhu cầu cao của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ngoài ra, các dự án đầu tư công cũng được Chính phủ đặc biệt quan tâm, qua đó nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng cho liên kết vùng.
Đón bắt tiềm năng trên, nhiều “ông lớn” bất động sản cũng như tập đoàn hoạt động đa ngành đang có kế hoạch tiến quân mạnh vào phân khúc bất động sản công nghiệp trong năm 2024.
Theo đó, mới đây, Công ty CP Tập đoàn Hà Đô vừa đề xuất tỉnh Ninh Thuận về việc cho phép khảo sát, lập quy hoạch dự án Cụm công nghiệp Phước Nam 1 và Phước Nam 2 với diện tích gần 100ha gần Khu công nghiệp Cà Ná.
Về Hà Đô, hiện doanh nghiệp này đang là chủ đầu tư của nhiều dự án chung cư, khu đô thị tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM…
Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp này thể hiện tham vọng “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp.
Theo các thông tin được Hà Đô công bố, trong năm 2024, doanh nghiệp sẽ tập trung thúc đẩy đầu tư các khu công nghiệp tại nhiều địa phương phía Bắc như Hưng Yên, Quảng Ninh… nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh.
Tương tự, kế hoạch kinh doanh của Taseco Land trong năm 2024 cũng chú ý đến mảng bất động sản khu công nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp này dự kiến phát hành cổ phiếu để huy động gần 150 tỷ đồng nhằm phục vụ cho Dự án ở khu công nghiệp hỗ trợ Đồng Văn III tại Hà Nam.
Mới đây, thông tin Tập đoàn Hòa Phát đã chính thức ký biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu đầu tư đến 3 dự án tại khu kinh tế Nam Phú Yên với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 120.000 tỷ đồng. Các dự án bao gồm: Cảng Bãi Gốc; Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm; và Dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm.
Tập đoàn Sơn Hà cũng chính thức gia nhập thị trường bất động sản công nghiệp từ năm 2023 khi khởi công khu công nghiệp SHI IP Tam Dương tại Vĩnh Phúc. Khu công nghiệp SHI IP Tam Dương có quy mô 162 ha, tổng vốn đầu tư 1.576 tỷ đồng.
Lý giải cho đà tiến quân mạnh mẽ của các doanh nghiệp lớn vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp, ông Trương An Dương - Giám đốc khối bất động sản nhà ở Frasers Property Vietnam cho rằng việc các doanh nghiệp nước ngoài đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, qua đó giúp thị trường bất động sản khu công nghiệp sôi động hơn.
“Ngoài lợi thế về môi trường chính trị ổn định của Việt Nam, chiến lược tái cơ cấu chuỗi cung ứng (China + 1) khiến Việt Nam trở thành điểm đến công nghiệp thu hút đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài để xây nhà xưởng là tiềm năng để ngành bất động sản khu công nghiệp toả sáng. Đặc biệt là khi ba bộ Luật gồm Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Nhà ở 2023 chính thức có hiệu lực sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến pháp lý, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh và bền vững”, ông Trần Anh Dương đánh giá.
Tuy nhiên, dù có nhiều động lực rõ ràng để phát triển bất động sản, theo các chuyên gia vẫn còn nhiều việc phải làm để hiện thực hóa những lợi thế thành sự phát triển bền vững, thực chất.
Theo đó, các chuyên gia nhận định, hiện nay, thủ tục pháp lý vẫn là rào cản đáng kể đối với việc thu hút đầu tư vào thị trường bất động sản nói chung cũng như các dự án bất động sản công nghiệp nói riêng, đặc biệt là với các dự án thu hút vốn FDI.
Ông Chu Chee Kwang - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long chia sẻ, quá trình mời gọi vốn đầu tư FDI vào bất động sản thường gặp phải những rào cản hành chính phức tạp, có khi lên đến hơn 10 năm để hoàn thành việc đền bù, giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch và đáp ứng các tiêu chuẩn sinh thái quốc tế. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đặc biệt quan tâm tới yếu tố minh mạch tài chính, pháp lý của dự án để thực hiện rót vốn.
Trong bối cảnh hiện nay, để kiến tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của thị trường bất động sản nói chung cũng như phân khúc bất động sản công nghiệp nói riêng, các chuyên gia khuyến nghị, để hiện thực hóa những điểm cởi mở hơn trong Luật Đất đai 2024 cũng như Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở sửa đổi năm 2023 thì các cơ quan thừa hành cần sớm hoàn thiện các khung khổ pháp lý dưới Luật để Luật “đi vào cuộc sống” kịp thời.
Chia sẻ quan điểm trên, đại diện Savills Việt Nam cũng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến số lượng về nguồn vốn hạn chế từ nhà đầu tư ngoại vẫn là do thủ tục hành chính. Đặc biệt là bước giải quyết các khoản phí sử dụng đất. Trong khi việc xử lý các khoản phí sử dụng đất và duyệt quy hoạch 1/500 được đánh giá là quan trọng đối với các dự án, hiện nay có rất ít dự án được hoàn thiện về mặt pháp lý. Điều này dẫn đến tình trạng khan hiếm về tín dụng, bởi các ngân hàng gặp khó trong việc xác nhận giá trị tài sản thế chấp trước khi cấp vay.