Nội dung chính:
Kido đã trích lập dự phòng 753 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào dự án bất động sản Lavenue Crown tọa lạc tại đất vàng trung tâm quận 1 - TP.HCM, khiến công ty thua lỗ tới 544 tỷ đồng trong quý IV/2023.
Dự án được Kido đầu tư từ năm 2010 và gặp vướng mắc pháp lý từ năm 2018 đến nay.
Nếu “mất trắng” dự án, Kido sẽ phải chịu lỗ thêm 316 tỷ đồng từ khoản đầu tư này.
Năm 2010, Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (HoSE: KDC) đã rót 600 tỷ đồng để sở hữu 50% cổ phần công ty Lavenue, chủ đầu tư dự án Lavenue Crown với gần 5.000 m2 tại trung tâm Quận 1 - TP.HCM. Sau nhiều lần tăng vốn, số tiền mà Kido rót cho dự án này đã lên tới 1.087 tỷ đồng và giữ nguyên tỷ lệ sở hữu.
Quý IV/2023, Kido bất ngờ trích lập dự phòng 753 tỷ đồng cho khoản đầu tư nghìn tỷ này. Việc trích lập dự phòng một lần tới 70% giá trị đầu tư cho thấy Kido đã không còn kỳ vọng nhiều vào việc dự án có thể triển khai.
Trích lập dự phòng khiến Kido ghi nhận một khoản chi phí tương đương trong kết quả kinh doanh quý IV/2023. Kết quả công ty thua lỗ 544 tỷ đồng trong kỳ. Năm 2023, lợi nhuận của Kido chỉ còn 102 tỷ đồng sau thuế, giảm 73% so với năm 2022. Đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh giảm sút này là việc trích lập dự phòng cho dự án “đất vàng” 8 - 12 Lê Duẩn.
So với kế hoạch kinh doanh được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua, lợi nhuận cả năm của Kido mới chỉ đạt 1/3.
Dự án “bất ổn”
Khu đất 8-12 Lê Duẩn có diện tích 4.896 m2, tọa lạc tại Quận 1 - TP.HCM, ngay kề các trung tâm chính trị, văn hóa TP.HCM. Đây là khu đất được xác lập quyền sở hữu Nhà nước vào năm 1994, giao cho Công ty Quản lý Kinh doanh Nhà TP.HCM quản lý, cho thuê. Theo luật, khi khai thác khu đất vàng này, cơ quan nhà nước buộc phải tổ chức đấu thầu để chọn chủ đầu tư, không được chỉ định thầu.
Công ty Lavenue được thành lập với các đơn vị góp vốn là các doanh nghiệp nhà nước (Công ty Quản lý Kinh doanh Nhà TP.HCM và 4 công ty thuộc Bộ Công Thương). Sau đó, các cổ đông nhà nước đã chuyển quyền chi phối, quyền đầu tư, phát triển dự án vào các công ty khác, trong đó có Kido với 50% vốn cổ phần.
Năm 2018, tức 4 năm sau khi Kido góp vốn vào Lavenue, một loạt cán bộ TP.HCM bị bắt do liên quan đến việc giao đất không qua đấu giá. Cho đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai và khu đất vàng vẫn đang được sử dụng làm nơi gửi xe.
Báo cáo tài chính bán niên soát xét 2023 của Kido cho biết công ty đang trong quá trình tiến hành thực hiện các thủ tục tố tụng dân sự tiếp theo. Ban Tổng giám đốc Kido luôn “sẵn sàng thực hiện các quyết định thích hợp để cùng tiếp tục đầu tư và phát triển dự án” - báo cáo cho biết.
Như vậy chỉ sau nửa năm, quan điểm của ban lãnh đạo Kido đã thay đổi đáng kể về khả năng triển khai dự án mà công ty đã theo đuổi từ năm 2010.
Rủi ro với các dự án đất công
Tính đến cuối năm 2023, sau khi trích lập dự phòng 70% giá trị, khoản đầu tư vào Lavenue vẫn còn lại 316 tỷ đồng. Nếu dự án bị thu hồi toàn bộ để đấu giá lại từ đầu, Kido đứng trước khả năng “mất trắng” dự án này. Có nghĩa là công ty sẽ phải dự phòng thêm 316 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào Lavenue - sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của công ty trong thời gian tới.
Các dự án được triển khai trên các khu đất công chưa bao giờ dễ dàng với các doanh nghiệp bất động sản.
Sai phạm khi triển khai dự án có thể đến từ bước đấu giá, như vụ án Tân Hoàng Minh, hay từ bước cấp phép, như dự án Lavenue Crown.
Cũng ngay tại trung tâm Quận 1 - TP.HCM, năm 2022, Vinafood II cũng đã bị thu hồi hơn 6.200 m2 đất do công ty này hợp tác với một doanh nghiệp tư nhân để chuyển nhượng đất công thành đất tư.
Đầu năm 2024, khu đất vàng trên 30.000m2 của Vinataba tại Quận 5 - TP.HCM cũng bị thu hồi khi công ty này dần chuyển nhượng dự án cho các doanh nghiệp tư nhân mà không qua đấu thầu, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.
Các dự án đất công gặp rắc rối về pháp lý ngày càng nhiều, đặc biệt khi quỹ đất tại các thành phố lớn đang ngày một eo hẹp. Các doanh nghiệp bất động sản luôn tìm kiếm cơ hội đầu tư phát triển các dự án nhằm mang lại dòng tiền khổng lồ trong tương lai. Cái giá để nắm quyền đầu tư các dự án như vậy là không hề rẻ!