Đó là góc nhìn liên quan đến việc doanh nghiệp nước ngoài đang đẩy mạnh mua lại các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành của Việt Nam, được bà Hồng Kim Vi - Phó tổng giám đốc Đối ngoại, Tập đoàn Super Energy (Thái Lan) nêu tại Diễn đàn Năng lượng tái tạo năm 2022 với chủ đề “Phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam: Tư duy và hành động trong giai đoạn mới”.
Như đề cập ở bài viết trước, liên quan đến việc phát triển năng lượng tái tạo, tại Diễn đàn này, nhiều ý kiến, trao đổi, góp ý và cả những bức xúc đã được các diễn giả, đại diện cơ quan quản lý, nhà đầu tư - doanh nghiệp đưa ra.
Trong đó, các cuộc thảo luận, chia sẻ xoay quanh những câu chuyện từ các điểm nghẽn lớn về cơ chế chính sách, bất cập trong quá trình thực thi; những nguy cơ, khó khăn của doanh nghiệp tới vấn đề vốn hay khả năng tiếp cận tài chính...
Để "Net Zero" vào 2050 là khó khăn, thách thức rất lớn
Ông Lương Quang Huy - Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ozon, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, mặc dù không phải là một văn bản cam kết được ký kết, tuy nhiên, để thực hiện được những cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP 26 của Thủ tướng Chính phủ là vấn đề khó khăn, thách thức rất lớn đối với Việt Nam dù cũng mở ra một số cơ hội để chúng ta chuyển đổi nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.
Theo ông Huy, trên thực tế, liên quan đến những cam kết phát thải của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, chúng ta đã có báo cáo đóng góp nộp lần đầu tiên vào năm 2015. Khi đó Việt Nam xác định giảm 7% tự nguyện và 21% từ sự hỗ trợ của quốc tế. Tại thời điểm này, mức phát thải thông thường tương đương xấp xỉ 4,6 triệu tấn CO2.
Đến 2020, chúng ta cam kết giảm 9% và 27% trợ giúp của quốc tế,… Đến tháng 11/2022 tại Ai Cập chúng ta đã nộp một bản cập nhật báo cáo cam kết giảm phát thải 15,8% tự nguyện và 43,5% với sự hỗ trợ quốc tế, tương đương khoảng hơn 400 triệu tấn CO2.
"Những con số đấy thì rất là khô khan nhưng có nghĩa là từ giờ tới năm 2030 chúng ta không được phép vượt quá phát thải 513,4 triệu tấn CO2 tương đương. Tuy nhiên, dự kiến với sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam hiện nay thì tới 2030 thì chúng ta phải phát thải tới hơn 900 triệu tấn", ông Huy nói và lý giải điều này chính là sự hạn chế rất nhiều đối với việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch của Việt Nam thời gian tới.
Đồng thời, tại COP21 mới đây, chúng ta cũng đã có cam kết giảm dần điện than vào năm 2030 và bỏ hoàn toàn vào năm 2040. "Đây còn là một thách thức lớn hơn nữa so với những điều chúng ta đã và đang cam kết", ông Huy cho hay.
Chưa kể, một cam kết khác là việc giảm phát thải khí metan 30% vào năm 2030 so với mức định lượng của 2020. Điểm đáng chú ý là cam kết này "yêu cầu chúng ta phải giảm luôn và ngay". Trong đó, hơn 40% phát thải metan nằm ở ngành nông nghiệp, hơn 15% tới từ chất thải, phần còn lại tới từ hoạt động khai thác dầu khí, khai thác than và một số hoạt động khác..., ông Huy cung cấp thông tin và cho biết dù đây là một mảng cam kết khác nhưng cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cơ cấu phát triển năng lượng mà Việt Nam đang xây dựng.
Theo ông Huy, nguồn phát thải chủ yếu hiện nay nằm ở hoạt động sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản và phương tiện. Vì vậy, để đáp ứng lộ trình đã cam kết giảm dần điện than, năng lượng hóa thạch vào năm 2030 và giảm hẳn phát thải nguồn nguyên liệu này vào 2050 là thách thức lớn hơn nữa,… trong khi việc xem xét quy hoạch điện VIII đến nay vẫn chưa giải quyết được.
Ông Lương Quang Huy - Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ozon, Cục Biến đổi khí hậu tại Diễn đàn. Ảnh: Tuấn ViệtCũng theo ông Huy: “Với mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050, có nghĩa chúng ta sẽ phải tăng nhanh mức độ cơ cấu phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030 là 20%, đến năm 2040 là 40% và đến 2050 là 70% nhằm đảm bảo cân đối được giữa phát thải và hấp thụ để đạt được mức chất thải ròng bằng 0”.
Hiểu một cách đơn giản "Net Zero" hay phát thải ròng bằng không tức là chúng ta phát thải ra bao nhiêu phải hấp thụ trở lại một mức tương đương. Với hơn 14% diện tích rừng hiện nay trên toàn quốc, với khoảng 42 triệu ha rừng và rất khó tăng thêm nhiều trong thời gian tới thì cách làm hiệu quả hơn chính là "làm giàu rừng" bằng cách tăng độ che phủ.
Đại diện Cục Biến đổi khí hậu cho biết, với mục tiêu phải hấp thụ tới 185 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2050, đồng nghĩa chúng ta cũng chỉ được phép phát thải không quá 185 triệu tấn mà thôi. Trong đó, lĩnh vực năng lượng, bao gồm sản xuất điện và tiêu thụ trong các ngành công nghiệp, giao thông thì không được vượt quá 110 triệu tấn.
"Đây là những con số mà không ít chuyên gia, nhà khoa học có lẽ sẽ lắc đầu, cho rằng không thể làm được. Vì con số trên tại thời điểm này để thực hiện là rất rất khó khăn nếu không muốn nói là không tưởng", ông Huy nói.
Ông Lương Quang Huy cho biết, trong vòng 3 năm vừa qua, năng lượng tái tạo phát triển rất nóng, trong đó có điện gió và điện mặt trời. Trong khi, ở thời điểm hiện nay, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về chính sách hỗ trợ (giá FIT, chính sách...), do vậy, sức ép đối với việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo là rất lớn.
Chưa kể, rất nhiều vấn đề hiện nay còn tồn tại trong việc phát triển năng lượng tái tạo, không chỉ về mặt cơ chế tài chính mà còn liên quan đến khảo sát đầu tư cho các dự án điện gió, đặc biệt là dự án điện gió ngoài khơi hay điện mặt trời trong việc sử dụng đất đai…
Đứng ở góc độ cơ quan đầu mối, ông Huy cho biết cũng chỉ có thể tham mưu, hỗ trợ cho các cơ quan liên quan về mục tiêu, định hướng cũng như là khuyến nghị những cơ chế tài chính được cho là phù hợp nhất đã được áp dụng thành công trên thế giới.
"Những hoạt động này đòi hỏi phải có sự chung tay của các bộ ngành, đặc biệt đối với quy hoạch điện VIII sắp tới, cần có sự đồng thuận của các bộ ngành. Đứng từ góc độ quản lý Nhà nước về biến đổi khí hậu. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan về năng lượng đưa ra các chính sách phù hợp nhất với ngành năng lượng tái tạo trong thời gian tới để nhằm phát triển bền vững hơn", đại diện cơ quan chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ.
Toàn cảnh Diễn đàn “Phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam: Tư duy và hành động trong giai đoạn mới”.Khi các dự án tương lai... không có nhà đầu tư nào tham gia được
Liên quan đến vấn đề về giá của các dự án điện chuyển tiếp, ông Phan Công Tiến, Chuyên gia nghiên cứu thị trường điện và năng lượng tái tạo cho rằng, từ chủ trương hiện nay đang thực hiện, chúng ta nên tách ra, không nên đánh đồng dự án chuyển tiếp mà nên tập trung vào các dự án hưởng giá FIT. Vì các dự án chuyển tiếp sẽ có dự án tương lai, nhưng cách thức triển khai với giá đưa ra như hiện nay thì các dự án tương lai sẽ không có nhà đầu tư nào làm.
Ông Tiến cho hay, giá điện của các nhà máy điện phụ thuộc vào hai yếu tố: Thứ nhất là chi phí đầu tư, chi phí hình thành nên giá trị tài sản của dự án đó; Thứ hai là sản lượng điện phụ thuộc vào vùng miền đối với dự án năng lượng tái tạo. Do đó, hiện nay mấu chốt vấn đề là xác định được giá trị tài sản đã đầu tư là bao nhiêu, hay các bên liên quan có giải pháp xác định điều đó để hình thành giá điện.
Theo ông Tiến, không thể coi một nhà máy bán điện mà không căn cứ vào tài sản họ đã đầu tư, nhưng lại đi tính giá trị tài sản không liên quan đến dự án của họ thì về mặt giá điện là không hợp lý.
Vì vậy, vị chuyên gia kiến nghị, các nhà đầu tư nên thuê kiểm toán độc lập để xác định được giá trị tài sản thực sự đã đầu tư vào công trình. Đồng thời, với giá trị tài sản đó sẽ đi cùng với sản lượng dựa vào các công trình tương tự cũng như các dự báo, để tính ra giá điện.
"Đó là giải pháp giải quyết được cả hai bên. Còn vấn đề người mua, khi công bố giá điện đó cho người sử dụng điện, nếu các ý kiến đều đồng thuận thì chúng ta sẽ dùng giá đó cho nhà đầu tư", ông Phan Công Tiến nói.
Ông Phan Công Tiến - Chuyên gia nghiên cứu thị trường điện và năng lượng tái tạo.Trong khi đó, đại diện chủ đầu tư của 4/62 dự án chuyển tiếp phát biểu tại Diễn đàn - ông Trần Minh Tiến cho biết tổng công suất của 4 dự án này là 160 MW, trị giá khoảng 300 triệu USD, đã được hoàn thiện xong toàn bộ sau ngày 31/10/2022 chỉ vài ngày và phải "đắp chăn" từ đó đến nay.
"Với 300 triệu USD này, chúng tôi hoàn toàn không có doanh thu trong hơn một năm qua", ông nói và cho biết các chủ đầu tư khác của 62 dự án mà chưa có cơ chế giá cũng đang trong cảnh tương tự.
Ông Tiến nêu thực trạng, vốn đầu tư của doanh nghiệp đã bị phát sinh rất nhiều. Phát sinh ở chỗ khi chủ trương của nhà nước là ưu tiên phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhưng khi thực thi, thực hiện trên thực tế thì lại không được xuyên suốt mà rất ngắn hạn.
Điều này dẫn đến khi mà chính sách hết hạn thì không hề có sự hỗ trợ cho những dự án đang triển khai dở dang. Mà trên thực tế, sự chậm trễ này phần lớn lại tới từ yếu tố khách quan là dịch bệnh COVID-19 khiến các dự án bị đình trệ do phong tỏa, cách ly...
Ông Trần Minh Tiến nêu ý kiến tại Diễn đàn. Ảnh: Tuấn ViệtBên cạnh đó, là dự án sử dụng vốn nước ngoài, doanh nghiệp này cho biết có nhiều yêu cầu khắt khe hơn về mặt thủ tục, trình tự. Đơn cử, việc giải tỏa đền bù đất đai lại cực kỳ khó khăn mà sự hỗ trợ từ nhà nước lại rất ít. Doanh nghiệp không thể tưởng tượng được việc phát sinh cho đền bù giải tỏa của một dự án lại lên tới cả hơn 100 tỷ đồng.
Đồng thời, từ khi hoàn thành dự án tới nay, rồi "đắp chiếu" là hơn một năm, doanh nghiệp vẫn phải trả thêm nhiều chi phí cho bảo quản, bảo vệ.
"Khi mà thiết bị, máy móc cứ nằm phơi nắng, phơi sương thì tới khi được chạy, không biết nó có chạy được hay không nữa", ông Tiến chua chát...
Doanh nghiệp Việt rất khó tiếp cận vốn ngân hàng ngoại
Tại diễn đàn, bà Hồng Kim Vi - Phó tổng giám đốc Đối ngoại, Tập đoàn Super Energy (Thái Lan) - người từng có gần 20 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính, tín dụng đầu tư đã chia sẻ một số góc nhìn từ góc độ ngân hàng cũng như doanh nghiệp về vốn tín dụng cho các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời.
Bà Vi cho biết, về lĩnh vực đầu tư điện ở Việt Nam có thể chia làm ba nhóm gồm: Nhóm thứ nhất là các nhà đầu tư nước ngoài; thứ hai là các tập đoàn Việt Nam có thể thu xếp được tín dụng với các ngân hàng trong nước và nước ngoài; cuối cùng là chưa kịp thu xếp vốn nhưng muốn làm dự án.
Với nhóm nhà đầu tư nước ngoài, trong giai đoạn từ năm 2017-2019, họ có thể lấy được nguồn vốn nước ngoài với giá khoảng 4-5% (USD), trong khi các doanh nghiệp Việt Nam phải lấy vốn ở các ngân hàng trong nước với vốn từ 11-15% nếu tính tất cả các chi phí vốn vào đó. Vì vậy, các nhà đầu tư trong nước bị đẩy vốn đầu tư lên rất cao so với các doanh nghiệp nước ngoài.
Chưa kể, các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam còn rất khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, vì các ngân hàng nước ngoài không cho vay với doanh nghiệp trong nước do điểm tín dụng không đủ. Cho nên doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải nhờ các ngân hàng Việt Nam cấp thư bảo lãnh tín dụng, từ đó mới xin vay được vốn nước ngoài.
Tuy nhiên, chỉ một vài doanh nghiệp lớn ở Việt Nam mới làm được việc đó, đa số doanh nghiệp còn lại sẽ dùng hình thức tổng thầu. Với hình thức này, đa số các tổng thầu là của Trung Quốc, họ sẽ cho các doanh nghiệp trả chậm từ 2-3 năm.
Theo bà Vi, thường các doanh nghiệp nghĩ đến một bức tranh "rất màu hồng" khi làm dự án khoảng 2 năm là xong, tới lúc Nhà nước trả tiền cũng là lúc phải trả tiền cho đơn vị tổng thầu. Tuy nhiên, khi không kịp giá FIT, thì không có tiền để trả cho tổng thầu, buộc các tổng thầu phải siết nợ, trong khi doanh nghiệp lại thế chấp bằng dự án.
"Vì vậy sau này không nên nói các doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm ngành điện của Việt Nam. Bởi vì khi mình làm thì vật chất quyết định ý thức, mình làm mà không có tiền, đã phải sử dụng tới tổng thầu rồi thì sau 2-3 năm không trả được tiền, việc người ta vào siết nợ là chuyện bình thường chứ không phải là thâu tóm", bà Hồng Kim Vi nói.
Cũng theo bà Vi, nếu tính thời gian triển khai từ 2019-2020 đến nay là đã đủ 3 năm để "người ta vô siết nợ rồi" - mà tới giai đoạn này mình vẫn còn chưa có giá để cứu doanh nghiệp Việt Nam nữa thì "chính là tự mình chặt tay, chặt chân của mình thôi". Do đó, sự cấp thiết của giá đối với dự án điện hiện nay là rất quan trọng.
Bà Hồng Kim Vi - Phó tổng giám đốc Đối ngoại, Tập đoàn Super Energy phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Tuấn ViệtMột câu chuyện nữa là hiện nay đang có xu hướng sôi động trên thị trường mua bán sáp nhập. Bà Vi cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài từ châu Âu, Mỹ hay nhiều nước châu Á thay vì nghiên cứu đầu tư dự án mới tại Việt Nam thì họ sẽ tham gia vào thị trường bằng việc mua bán các dự án đã COD tại Việt Nam.
"Đây là một cơ hội quá tốt khi các doanh nghiệp Việt Nam đang kẹt tiền, nếu ép giá sẽ mua được giá rất hời thay vì đầu tư dự án mới, chịu rủi ro", vị nữ doanh nhân cho biết.
Từ kinh nghiệm bản thân trong quá trình làm việc tại Tập đoàn Super Energy, bà Vi chia sẻ, một dự án điện tái tạo của tập đoàn này tại Thái Lan với công suất 76 MW được trả tới 16 Cent, phát điện 100%. Hay như giá điện tại Hàn Quốc cũng khoảng 9-10 Cent.
Qua đó, bà Vi cho rằng, nếu như Việt Nam kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài mà với giá điện tại Việt Nam như hiện nay thì so sánh chi phí cơ hội các đầu tư đó sẽ chuyển sang đầu tư ở nước khác hết chứ không việc gì phải đầu tư tại Việt Nam cả.
Bà Vi cũng kể thêm một câu chuyện, tại các cuộc offine, họp nhóm giữa các nhà đầu tư nước ngoài, "họ thường cười Việt Nam tại sao phải mua điện bên Lào vậy?...". Trong khi đó, tại Việt Nam lại rất nhiều doanh nghiệp muốn đóng điện mà chưa đóng điện được. Dù đúng là giá điện bên Lào khoảng 6-7 Cent, rẻ hơn một chút so với giá điện mua tại trong nước khoảng 1-2 Cent.
"Nhưng khi mua điện trong nước tức là mình đang giúp cho nhân công Việt Nam có việc làm. Dòng tiền vẫn chạy vòng trong nước mình chứ không có đem ra ngoài. Và khi nhà đầu tư có tiền, họ lại tái đầu tư trong nước. Trong khi nếu mình đi mua điện nước khác là mình đang mang ngoại tệ ra nước ngoài, tạo công ăn việc làm cho nhân công của họ", bà Vi nhìn nhận.
Qua đó, bà hy vọng các chuyên gia khi tính toán quy hoạch, hãy làm sao để môi trường đầu tư của Việt Nam thêm hấp dẫn các nhà đầu tư ở lại, hạn chế tiền trong nước của mình chạy ra nước ngoài. Và về giá điện, cần xây dựng phương án có được sự hài hòa lợi ích giữa nhà nước - doanh nghiệp và người dân.
Cần tiếp tục cơ chế giá FIT
Liên quan đến việc nhiều dự án bị đình trệ cho ảnh hưởng từ dịch COVID 19, bà Vũ Chi Mai - Giám đốc Dự án quốc gia CASE và Trưởng hợp phần năng lượng tái tạo của Cơ quan hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tại Việt Nam cho rằng cần phải tiếp tục cơ chế giá ưu đãi đối với các dự án năng lượng tái tạo không kịp hưởng cơ chế giá FIT. Bởi đây là yếu tố khách quan, doanh nghiệp không thể kiểm soát được.
Bà Mai nhận định, nên đặt câu chuyện này trong bối cảnh dài hơn, trong cam kết của Việt Nam liên quan đến biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và mục tiêu đạt Net Zero của Việt Nam vào năm 2050. Nền kinh tế chuyển đổi từ phát thải CO2 sang kinh tế xanh đòi hỏi sự chuyển dịch rất nhiều sang năng lượng tái tạo.
Bà Vũ Chi Mai - Giám đốc Dự án quốc gia CASE và Trưởng hợp phần năng lượng tái tạo của Cơ quan hợp tác quốc tế Đức (GIZ).Trong đó, một trong những yếu tố được rất nhiều nước hướng đến là huy động, tối ưu hoá sự tham gia của doanh nghiệp trong nước để tỷ lệ nội địa hoá đạt được ở mức cao nhất, giảm chi phí đầu tư cũng như tạo chuỗi giá trị cho nền kinh tế được thụ hưởng từ đấy. Đó cũng chính là tạo giá trị cạnh tranh. Ưu tiên các nhà đầu tư trong nước có vị thế trong mảng năng lượng tái tạo được Việt Nam thực hiện.
Bên cạnh đó, bà Mai cũng đề cập đến những khó khăn sau giai đoạn năng lượng tái tạo phát triển nhanh. Đó là khả năng hấp thụ chưa hết sản lượng điện từ năng lượng tái tạo do hạn chế từ điện lưới.
Theo vị chuyên gia, để giải quyết vấn đề này, cần thúc đẩy và khuyến khích nhà đầu tư trong nước vào truyền tải, về nguyên tắc đã có, vấn đề còn lại là thực hiện và triển khai cần vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước.