
PNJ và DOJI giữ vững vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh vàng. Tuy nhiên, giữa hai thương hiệu này tồn tại nhiều điểm khác biệt đáng chú ý, từ chiến lược kinh doanh, sản phẩm, thiết kế trang sức, đến cách chăm sóc khách hàng và quy mô hệ thống cửa hàng. Những yếu tố này không chỉ định hình phong cách riêng của từng doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến lựa chọn của người tiêu dùng trong thị trường đầy cạnh tranh.
Một điểm khác biệt nổi bật giữa PNJ và DOJI nằm ở chiến lược kinh doanh và danh mục sản phẩm.
PNJ từ lâu đã tập trung vào mảng trang sức, với định vị là công ty bán lẻ trang sức số một tại Việt Nam, hướng đến mục tiêu vươn tầm quốc tế. Điều này khiến PNJ gần như không chú trọng vào kinh doanh nhẫn tròn trơn hay vàng miếng – những sản phẩm mang biên lợi nhuận thấp. Thay vào đó, PNJ đầu tư mạnh vào chế tác trang sức tinh xảo, phục vụ các dịp đặc biệt như cưới hỏi, lễ hội, hoặc làm quà tặng.
Biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này thường duy trì ở mức từ 17%-20%, trong khi biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp tập trung vào mảng vàng miếng, nhẫn thường chỉ ở mức 1 chữ số.

Trong khi đó, DOJI lại có chiến lược đa dạng hơn, vừa kinh doanh vàng miếng, nhẫn tròn trơn, vừa phát triển trang sức. Điều này giúp DOJI đáp ứng nhu cầu của nhiều nhóm khách hàng, từ những người muốn tích trữ vàng đến những người tìm kiếm trang sức hiện đại, sáng tạo.
Sự khác biệt này cũng phản ánh cách hai doanh nghiệp đối mặt với khó khăn chung của thị trường: PNJ chọn cách tránh xa mảng vàng miếng để “bảo vệ” biên lợi nhuận, trong khi DOJI tận dụng sự sôi động của thị trường vàng miếng để duy trì doanh thu.
Về thiết kế và chế tác trang sức, PNJ thường được đánh giá cao hơn DOJI nhờ sự tinh xảo và đa dạng mẫu mã. Các sản phẩm trang sức của PNJ, từ dây chuyền, bông tai, đến nhẫn cưới, đều mang phong cách thời trang, phù hợp với thị hiếu của khách hàng trẻ trung, đặc biệt là phái nữ. PNJ cũng nổi bật với các dòng sản phẩm cao cấp như CAO Fine Jewellery, nhắm đến nhóm khách hàng trung và cao cấp.
Mới đây, tháng 3/2025, PNJ ra mắt thương hiệu trang sức dành riêng cho nam giới - Mancode by PNJ. Đây được đánh giá là mảnh đất màu mỡ chưa được khai thác hết. Thông qua việc xây dựng các nhóm khách hàng tiềm năng, công ty kỳ vọng tiếp tục củng cố và gia tăng thị phần trong tương lai.

Tuy nhiên, cái giá của sự tinh xảo này không hề rẻ.
Chi phí chế tác trang sức tại PNJ thường cao hơn so với DOJI là lý do khách hàng có thể cân nhắc. DOJI tập trung vào sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, với các thiết kế mang tính nghệ thuật cao nhưng giá cả phải chăng hơn. Điều này giúp DOJI thu hút được lượng khách hàng đa dạng hơn, đặc biệt là những người tìm kiếm trang sức, sản phẩm chế tác với mức giá hợp lý mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ.
Anh Hoàng Châu (Hà Đông, Hà Nội) thường mua các sản phẩm chế tác theo các linh vật của năm cho biết, công chế tác của PNJ cao hơn khá nhiều DOJI, cùng sản phẩm năm rồng 2024, rồng vàng của DOJI đa dạng mẫu mã hơn và chi phí chế tác chỉ bằng một nửa sản phẩm cùng loại của PNJ.
“Năm 2024, tôi mua 2 sản phẩm rồng vàng của DOJI, mỗi sản phẩm 5 chỉ vàng nhưng chỉ mua một sản phẩm rồng vàng của PNJ 4,1 chỉ vàng. Chế tác tinh xảo hơn nhưng công chế tác của PNJ lại quá cao khi so sánh với DOJI. Sang năm 2025 tôi tham khảo sản phẩm rắn vàng tại PNJ, sản phẩm này không tách công chế tác riêng và giá vàng riêng như các năm trước đó nhưng khi tính toán công chế tác lại cao trong khi sản phẩm chỉ hơn 3 chỉ vàng nên tôi không mua”, anh Châu nói.
Một yếu tố khác biệt quan trọng là chất lượng chăm sóc khách hàng và thái độ phục vụ tại cửa hàng.
PNJ từ lâu đã xây dựng danh tiếng về dịch vụ khách hàng chuyên nghiệp, với đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản, luôn sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ. Hệ thống cửa hàng PNJ thường được thiết kế hiện đại, tạo cảm giác thoải mái và cao cấp cho khách hàng khi mua sắm. Nhiều khách hàng từng mua trang sức tại PNJ cho biết họ cảm thấy hài lòng với thái độ phục vụ tận tâm và chu đáo.
Cuối cùng, quy mô hệ thống cửa hàng giữa PNJ và DOJI cũng là một điểm khác biệt rõ rệt.
Tính đến cuối quý I/2025, PNJ sở hữu mạng lưới kinh doanh lớn nhất cả nước với 429 cửa hàng, bao phủ 58/63 tỉnh, thành. PNJ có kế hoạch phát triển thêm từ 12-25 cửa hàng trong năm 2025.
Trong khi đó, DOJI hiện có gần 200 trung tâm vàng bạc trang sức, con số khiêm tốn hơn khi so sánh với PNJ và cũng chưa đạt được mức độ đồng đều về chất lượng phục vụ. Một số ý kiến cho rằng nhân viên tại DOJI đôi khi thiếu sự nhiệt tình, và trải nghiệm mua sắm chưa thực sự nổi bật so với PNJ. Đây có thể là một điểm trừ đối với DOJI trong việc cạnh tranh với PNJ, đặc biệt khi khách hàng ngày càng chú trọng đến trải nghiệm mua sắm.
Hệ thống cửa hàng rộng khắp giúp PNJ tiếp cận được lượng khách hàng lớn hơn, đặc biệt ở các khu vực tỉnh lẻ và thành phố loại 2, loại 3. Ngược lại, DOJI với số lượng cửa hàng hạn chế hơn đôi khi khiến khách hàng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm địa điểm mua sắm, nhất là ở những khu vực không phải thành phố lớn.
Theo đó, sự chênh lệch này không chỉ phản ánh chiến lược mở rộng của hai doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến khả năng chiếm lĩnh thị phần và độ nhận diện thương hiệu.
Như vậy, dù cùng hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng, PNJ và DOJI lại có những hướng đi riêng biệt, tạo nên bản sắc và thế mạnh của từng thương hiệu. PNJ nổi bật với trang sức tinh xảo, dịch vụ khách hàng chuyên nghiệp và hệ thống cửa hàng rộng khắp, nhưng chi phí cao có thể là rào cản với một số khách hàng. Trong khi đó, DOJI mang đến sự đa dạng trong sản phẩm, từ vàng miếng đến trang sức, với mức giá hợp lý hơn, nhưng cần cải thiện về chất lượng phục vụ và mở rộng quy mô cửa hàng.