Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội quý 3 và 9 tháng của năm 2022, trong đó cập nhật trong đó cập nhật những thông tin toàn cảnh về tình hình kinh tế xã hội trong giai đoạn.
Theo GSO, dù chịu ảnh hưởng, đối mặt với không ít khó khăn từ tình hình phức tạp, bất định của thế giới, ở trong nước, nền kinh tế của Việt Nam vẫn trên đà phục hồi mạnh. Trong 9 tháng, các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3/2022 ước tính tăng tới13,67% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong cả giai đoạn 2011-2022.
Các chính sách phù hợp cùng với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ được nhận định đã giúp giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.
Sau 9 tháng, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt 163,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế đạt 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ.
Sản xuất công nghiệp quý 3 có mức tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi, giá trị tăng thêm ước đạt 12,12% so với cùng kỳ năm trước . Tính chung 9 tháng, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 9,63% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,69%.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước tới hết quý 3 ước đạt 2.130,3 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh đà phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt 15,4 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ, đạt mức cao nhất của 9 tháng của giai đoạn từ 2018 đến nay.
Ngân sách nhà nước trong giai đoạn bội thu lớn với khoảng 241 nghìn tỷ đồng, nhờ sự tăng trưởng mạnh của các nguồn thu chính. Cán cân thương mại hàng hóa của cả nước thặng dư tới 6,52 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái nhập siêu hơn 3,4 tỷ USD.
Trở lại trạng thái bình thường mới, hoạt động thương mại, vận tải, du lịch tiếp tục phục hồi tích cực. Khách quốc tế đến nước ta 9 tháng ước đạt 1.872,9 nghìn lượt người, gấp 16,4 lần so với cùng kỳ năm trước; tuy nhiên vẫn giảm 85,4% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa có dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố từ trong nước tới bối cảnh toàn cầu, tính tới giữa tháng 9 có mức suy giảm hơn 17% so với cuối năm 2021. Trên thị trường trái phiếu trong giai đoạn, giá trị giao dịch bình quân cũng giảm hơn 18% so với mức bình quân của năm 2021.
Những thông tin đáng chú ý khác về hoạt động sản xuất nông nghiệp - công nghiệp, đăng ký kinh doanh, vốn đầu tư và hoạt động bán lẻ - dịch vụ... trong 9 tháng của năm 2022 được GSO thống kê trực quan, cụ thể qua Infographic dưới đây: