Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến ngày 15/4/2023, kim ngạch xuất khẩu da giày và túi xách trong nước đạt hơn 6,2 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước
Phân tích nguyên nhân nhân sụt giảm này, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), Tổng Giám đốc Ngành túi xách Công ty CP Đầu tư Thái Bình (TBS Group) cho biết, ngoài các nguyên nhân khách quan làm ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu như những ngành khác, vì là ngành thời trang nên da giày và túi xách còn bị tác động bởi các yếu tố nội tại. Do vậy, Lafaso đã xây dựng kịch bản xấu là cả năm 2023 có thể giảm 10%, nhưng thực tế đang diễn ra thì khả năng giảm cao hơn 10%.
Theo phản ảnh của các doanh nghiệp và một số các nhãn hàng lớn thì Indonesia đang là nước đang có xu hướng cạnh tranh gay gắt với ngành da giày Việt Nam. Cụ thể, lương nhân công ở Indonesia khoảng 150 USD/tháng, Bangladesh trên dưới 120 USD/tháng, trong khi lương bình quân ở Việt Nam khoảng 350 USD/tháng. Trong bối cảnh đơn hàng bị thiếu hụt như hiện nay nhà mua sẽ ưu tiên chọn những nước như Indonesia và Bangladesh.
“Trước đây chúng ta có thể không thấy sự chênh lệch này do đơn hàng nhiều, và vì các nước đó không đủ năng lực sản xuất nên không thể ‘ôm’ hết các đơn hàng về, và may mắn là Trung Quốc vẫn đang chịu thuế thương mại lớn, nếu không Việt Nam có thêm đối thủ mạnh, đặc biệt trong lúc thị trường thế giới sụt giảm như hiện nay”, ông Kiệt nói.
Mặt khác, dù ngành da giày được đánh giá chủ động nguồn nguyên liệu và tỷ lệ nội địa hóa khá cao so với các ngành khác, nhưng trên một đôi giày có gần 100 loại nguyên liệu chỉ cần thiếu một vài loại là phải nhập khẩu, việc thiếu hụt nguyên liệu dù tỷ lệ không lớn nhưng rơi vào những loại Việt Nam không làm được và vào những lúc Trung Quốc đóng cửa như trước đây sẽ gây khó khăn cho sản xuất.
Ưu tiên giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp
Theo đại diện Lefaso, trong điều kiện khó lấy được đơn hàng như hiện nay cần tập trung cho các giải pháp trung hạn và dài hạn, còn trong ngắn hạn cần ưu tiên giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp hơn là thúc đẩy xuất khẩu.
“Để thúc đẩy xuất khẩu có lẽ nên tập trung vào các giải pháp trung hạn và dài hạn, vì nếu có giải pháp gì cũng chỉ có thể khắc phục tình hình trong quý 4/2023 và tìm đơn hàng cho vụ Xuân Hè 2024, còn từ nay đến hết quý 3/2023, không thể nào cứu vãn được tình hình.
Bởi trong lĩnh vực thời trang các nước lớn và các thương hiệu lớn là người dẫn dắt cuộc chơi, còn anh có chơi hay không thì kệ anh tôi vẫn đi như vậy. Bởi vậy, dù thị trường có như thế nào chúng ta không thể đứng ngoài cuộc và buộc phải theo. Tôi cho rằng đó là điều phải làm”, ông Kiệt nói.
Đối với giải pháp ngắn hạn yếu tố quan trọng là tập trung giảm chi phí cho doanh nghiệp. Hiện nay, những công ty sản xuất theo giá FOB (tự mua nguyên liệu và bán thành phẩm), quỹ lương chiếm từ 20% đến 30%, và các chi phí doanh nghiệp và người lao động phải nộp theo chính sách là 30,2%, cộng với 2% phí công đoàn tổng cộng là 32,5%, chiếm từ 6% - 8% giá FOB.
Nếu làm gia công thì quỹ lương chiếm từ 60% - 70% toàn bộ chi phí, khoản nộp theo chính sách và phí công đoàn chiếm từ 15% - 17% trên giá gia công. Trong khi các nước xung quanh như Malaysia hay Thái Lan chỉ giữ tỷ lệ đóng trên dưới 15%.
Mặt khác, cần giảm lãi suất ngân hàng, giảm chi phí về logistic, đặc biệt là chi phí cầu cảng, hoàn thuế VAT, thuế đất để giúp doanh nghiệp bớt khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, ngành da giày đang chịu một nghịch lý nếu doanh nghiệp mua nguyên liệu nội địa phải trả thuế 10% cho người bán hàng, cũng nguyên liệu đó nếu nhập từ nước khác thì không trả thuế mà còn được giữ thuế trong một thời gian nhất định, nhưng nếu là doanh nghiệp FDI thì được miễn thuế.
"Chúng tôi kiến nghị Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh chính sách này", đại diện Lefaso đề xuất.